Chuyển động Nhà nông 10/12: Việt Nam quyết liệt để gỡ "thẻ vàng" IUU

THDV Thứ sáu, ngày 10/12/2021 14:06 PM (GMT+7)
Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển; một số bộ, ngành và Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” IUU. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 10/12

Chuyển động Nhà nông 10/12.

Nguy cơ thiếu cá tra nguyên liệu đầu vào năm 2022

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra và gần 2.300 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỉ con cá tra bột và 3,1 tỉ con cá tra giống, bằng 62% so với năm 2020. Nếu không đẩy mạnh tốc độ nuôi, thả, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trong quý I/2022 có thể sẽ thiếu hụt.

Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn.

Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tháng 12.2021 và các tháng đầu năm 2022; đẩy mạnh thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến năm 2022.

Quyết liệt để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Trong 4 năm qua, Chính phủ, các địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực cải thiện theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ thẻ vàng IUU. Mặc dù số vụ vi phạm đã giảm so với thời điểm trước khi thực hiện đợt cao điểm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, điều này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển; một số bộ, ngành và Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo đó đối với các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phấn đấu đến hết ngày 31-12-2021 hoàn thành việc lắp đặt trên tàu cá đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá. Kiểm soát 100% số lượng tàu cá rời cảng đi khai thác, đối với các tàu cá không đủ điều kiện kiên quyết không cho đi hoạt động.

Vĩnh Long chuyển đổi 29.000ha đất lúa

Ngày 9/12, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2021, với tổng diện tích là 29.000ha. Trong đó, diện tích chuyển sang cây trồng hàng năm là 26.500ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.500ha. 

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. 

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008

Trong tháng 11 và đầu tháng 12, giá các mặt hàng phân bón trong nước tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Trong đó, giá phân bón Urê tính đến ngày 7/12 đã vượt qua kỷ lục của năm 2008 khi chạm ngưỡng 18.000 – 19.000 đồng/kg tại TP. HCM, tăng thêm 19 - 29% so với cuối tháng 10 và tăng 60 – 70% chỉ sau hơn 2 tháng trở lại đây.

Giá các mặt hàng phân bón khác cũng tăng nhưng với biên độ chậm hơn, Kali và NPK tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg; Giá DAP Đình Vũ tăng nhẹ 200 đồng/kg, lên mức 19.000 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng 500 – 1.000 đồng/kg, lên mức 23.000 đồng/kg.

Như vậy, giá phân bón Urê hiện đã tăng 2,7 lần so với đầu năm nay, còn các mặt hàng phân bón khác cũng tăng từ 2 – 2,5 lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem