Chuyển động Nhà nông 10/4.
Xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng ấn tượng
Sau một năm khởi sắc, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2022 với khối lượng đạt 30.158 tấn, kim ngạch thu về 139 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái đạt tương đương về lượng nhưng kim ngạch tăng mạnh 60,2% (tương ứng tăng 52,5 triệu USD), theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh là nhờ giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong các tháng đầu năm tháng đầu năm tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021, đạt bình quân 4.631 USD/tấn.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, việc quay trở lại nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô đang tương đối rộng mở với ngành hồ tiêu.
Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ giống các loại để khôi phục sản xuất
Để hỗ trợ giúp nông dân tổ chức sản xuất vụ hè thu 2022 thắng lợi, đặc biệt là tổ chức sản xuất lại các loại rau đậu vụ xuân hè, hè thu và thu đông năm 2022 nhằm bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Cục Trồng Trọt đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 770 tấn giống các loại từ nguồn dự trữ Quốc gia. Trong đó gồm 700 tấn lúa; 50 tấn ngô và 20 tấn rau, đậu các loại.
Còn tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất hỗ trợ 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày; 10 tấn hạt giống rau các loại, 5 tấn hạt giống ngô.
Đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái vụ tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, lúa đang giai đoạn ôm đòng lại bị ngập từ 3-6 ngày nên gần như mất trắng.
Ông Cường đề nghị các địa phương sau khi nước rút phải gấp rút hỗ trợ nông dân vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ hè thu.
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra xuất khẩu mạnh nhất, ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm mặt hàng tôm vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 37% giá trị xuất khẩu, đạt 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I-2021. Xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng tốt ở tất cả thị trường chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi, tăng 14%. Năm 2022, dự báo Trung Quốc nhập khẩu tôm tăng mạnh nhưng thị trường này đang rất khắt khe điều kiện nên các doanh nghiệp cần bảo đảm tốt công tác kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các khâu trong sản xuất, thương mại...
Cấp 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản
Để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, Sở tiếp tục duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội"
Tính đến hết quý I-2022, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.109 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản. Sở đã cấp 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống để người tiêu dùng lựa chọn.
Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với sở NN&PTNT thuộc 21 tỉnh, thành phố phía Bắc thực hiện tốt hoạt động của Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.