Chuyển động Nhà nông 14/12: Giảm phí lưu kho bãi cho các container nông sản mắc kẹt ở cửa khẩu Móng Cái

THDV Thứ ba, ngày 14/12/2021 14:19 PM (GMT+7)
Móng Cái yêu cầu các đơn vị chủ kho bãi giảm phí lưu kho cho các container nông sản mắc kẹt tại cửa khẩu, nhằm giúp đỡ và giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 14/12

Chuyển động Nhà nông 14/12.

Giảm phí lưu kho bãi cho các container nông sản mắc kẹt ở cửa khẩu Móng Cái 

 Ngày 14.12, thông tin từ UBND TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái hiện đang ùn ứ hơn 1.000 container mà chưa thể xuất sang Trung Quốc. Trong số này phần lớn là hàng nông sản bao gồm hoa quả và hàng thủy sản cấp đông. Các xe hàng vẫn đang tiếp tục đổ về TP.Móng Cái, trong khi năng lực tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ đáp ứng được khoảng 400 container/ngày, khiến tình trạng ùn ứ càng trở nên nặng hơn. Nguyên nhân được cho là do phía nước bạn thắt chặt công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc bị ùn tắc không thể xuất nông sản sang Trung Quốc đã khiến cho các doanh nghiệp của Việt Nam bị thiệt hại nặng nề khi phải gia tăng chi phí như bảo quản, lưu kho bãi. Để tháo gỡ khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, Móng Cái đã đề nghị các đơn vị cho thuê kho, bãi chung tay hỗ trợ các chủ hàng, chủ xe, giảm giá thuê lưu container, lưu xe, xuống mức thuê 100.000 đồng/container/ngày. Đây là mức thấp hơn nhiều so với dịch vụ thuê ở các tỉnh khác. 

Giá cá tra nguyên liệu khởi sắc 

Sau một thời gian ở mức thấp, giá cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng bình quân 2.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Tại TP Cần Thơ và những tỉnh có nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…, cá tra thịt trắng đạt chuẩn xuất khẩu có giá 23.000-24.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ ở mức 21.000-22.000 đồng/kg. Dự báo giá cá tra nguyên liệu có khả năng còn nhích lên trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ tăng dịp cuối năm và nguồn cung có phần hạn chế. 

 Xuất khẩu nông sản ''bội thu'' 

 Những tháng cuối năm, xuất khẩu nông sản đã tăng trưởng ngoạn mục. Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 43,48 tỷ USD - vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 tới gần 1,5 tỷ USD (kế hoạch là 42 tỷ USD). Nhóm nông sản xuất khẩu chính đạt 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; trong đó cao su, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn… đều tăng trưởng từ 7,3% đến 54%. Xuất khẩu lâm sản cũng vượt mục tiêu đặt ra, đạt 14,3 tỷ USD. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng đều ghi nhận tăng cao, trong đó giá hồ tiêu tăng cao nhất là 54,4%, giá cao su tăng 25,8%, giá cà phê tăng 10,7%… Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, mang tính “bội thu”, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh nông sản xuất khẩu chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. 

 Giá phân bón thế giới lập kỷ lục mới 

 Giá bán lẻ các loại phân bón tiếp tục tăng trong tuần tiếp theo của tháng 12. 5 trong số 8 loại phân bón chính đều tăng so với tháng 11 ít nhất 6%. Theo đó, phân khan dẫn đầu danh sách với mức giá trung bình là 1.313 USD/tấn, con số kỷ lục từ trước tới nay. So với tháng trước, giá tăng 18%. Ure nhích lên 6% ở mức giá 873 USD/tấn. Cả 2 loại trên đều thiết lập kỷ lục giá mới. So với tháng trước, phân lót 10-34-0 tăng 8% và giao dịch ở 756 USD/tấn. Giá phân bón tăng mạnh đang gây áp lực lên nông dân, doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Cobank, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong vòng ít nhất 6 tháng tới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem