Chuyển động Nhà nông 15/6.
Ngành Hải quan tăng cường kiểm tra hồ sơ nhập khẩu đường
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong nửa cuối tháng 4/2022, đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía, khiến cho đường sản xuất từ mía không thể tiêu thụ. Tổng cục Hải quan cho biết đang tiếp tục rà soát hồ sơ nhập khẩu mặt hàng đường tại một số đơn vị hải quan, đề xuất phương án về việc thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng mức thuế suất đối với mặt hàng đường. Trong tháng 5, các nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra, giám sát hải quan đã tiếp tục được ngành Hải quan tập trung thực hiện nhằm kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường, gây bất lợi cho đường trong nước.
Nhiều loại xoài tăng giá
Tại TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, An Giang, Ðồng Tháp…, hiện xoài Ðài Loan được nông dân bán xô cho thương lái ở mức từ 8.000-11.000 đồng/kg, còn xoài loại 1 có giá 13.000-14.000 đồng/kg. Xoài Cát Hòa Lộc đang được nông dân bán xô cho thương lái ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, còn xoài Cát Hòa Lộc loại 1 có giá lên đến 50.000-55.000 đồng/kg. Trong khi đó, xoài Cát Chu được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 27.000-30.000 đồng/kg. Giá các loại xoài hiện tăng ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Giá xoài tăng trở lại do nguồn cung giảm, vì xoài tại nhiều địa phương đã hết mùa thu hoạch chính vụ, đồng thời gần đây sức tiêu thụ trái xoài cũng tăng do nhu cầu tiêu thụ tại nhiều địa phương trong nước tăng, ngoài ra, xuất khẩu xoài cũng nhiều tín hiệu khởi sắc.
Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho ngành tôm
Mặc dù chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch rộ vụ tôm nước lợ năm 2022, nhưng khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu không vì thế mà có xu hướng hạ nhiệt khi các yếu tố bất lợi cho vụ nuôi đang lộ diện ngày một lớn hơn. Hầu hết các vùng nuôi tôm trong khu vực ÐBSCL năm nay đều có độ mặn rất thấp và giảm nhanh. Không chỉ có bất lợi về độ mặn, vụ tôm năm nay còn gặp khó khi xuất hiện bệnh phân trắng và gan tụy, khiến tôm chậm lớn và chết. Trong khi các yếu tố về độ mặn, dịch bệnh đều bất lợi cho người nuôi thì giá tôm từ sau tuần đầu tháng 6 đến nay liên tục giảm, còn giá thức ăn tôm và vật tư đầu vào khác hầu hết đều tăng mạnh. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trước mắt trong tháng 6 và cả nửa đầu tháng 7, tình hình cung ứng tôm nguyên liệu nhìn chung vẫn tạm ổn, nhưng khả năng phần lớn sẽ là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, nếu ngay từ bây giờ tiến độ thả nuôi không được cải thiện.
Xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng khá mạnh
Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản lên tới 8,6 triệu USD. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tiềm năng cho dược liệu Việt Nam ở Nhật Bản - nước tiêu thụ dược phẩm lớn thứ hai thế giới - vẫn còn rất lớn, nhất là khi thời gian gần đây, nhiều công ty dược phẩm của Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu dược liệu của Việt Nam.
Các sản phẩm bao gồm các loại cây và bộ phận của cây dùng làm dược liệu như cây gai dầu; các loại gia vị như tỏi đen, hạt tiêu đen, hồi, quế, gừng, nghệ; các loại hạt như hạt vừng và hạt quả hạch; các sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật chết như mai mực, vỏ hàu, vỏ hà, gạc hươu, chất keo chế từ da trâu bò. Tuy nhiên, so với một số nước khác, dược liệu Việt Nam có thị phần khá khiêm tốn tại thị trường Nhật Bản khi mới chiếm 1,1% trên tổng kim ngạch nhập khẩu dược liệu của nước này. Vì vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam ở thị trường Đông Bắc Á này là rất lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.