Chuyển động Nhà nông 18/12: Ba trụ cột của nền nông nghiệp mới

THDV Thứ bảy, ngày 18/12/2021 14:00 PM (GMT+7)
Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái” “nông thôn hiện đại” “nông dân thông minh”.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 18/12.

Ba trụ cột của nền nông nghiệp mới

Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xoay quanh 3 trụ cột: "Nông nghiệp sinh thái" "nông thôn hiện đại" "nông dân thông minh". Ba trụ cột này hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm "minh bạch – trách nhiệm – bền vững" mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định với cộng đồng quốc tế.

Chiến lược mang tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất sang kinh tế; từ chú trọng về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ tận dụng, khai thác sang sử dụng hợp lý, nuôi dưỡng làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu bền vững; từ ngắn hạn sang cục bộ trong dài hạn; kết nối liên vùng liên khu vực; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hòa nhập với xu thế phát triển của toàn cầu.

Với dự thảo này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn ngành nông nghiệp không chỉ là "trụ đỡ" của nền kinh tế khi đất nước ở thời điểm khó khăn mà còn thực hiện khát vọng nông nghiệp vươn tầm, đủ sức trở thành "thước đo mức độ bền vững của quốc gia".

Nguy cơ hết cá nguyên liệu làm nước mắm

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít; Sản lượng cao nhất là miền Trung với hơn 180 triệu lít/năm, miền Nam đứng thứ hai với hơn 120 triệu lít/năm và miền Bắc ít hơn chỉ đạt hơn 80 triệu lít/năm. Tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm. Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là nguồn cá nổi hiện có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn được phân bố chủ yếu tại Vịnh Bắc Bộ, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm. Vì vậy, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.

Cùng với việc tổ chức sản xuất,các sản phẩm nước mắm được xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ… theo các hiệp định thương mại đã ký kết đều phải đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Do đó, ngành nước mắm cần hành động cụ thể, liên kết chặt chẽ từ đánh bắt, nuôi trồng đến sản xuất đảm bảo những quy trình tiêu chuẩn để ra nhập sân chơi chung - thương mại toàn cầu.

Giá cà chua đắt ngang thịt lợn, người Hà Nội chỉ dám ăn cho biết vị

Theo khảo sát tại các một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá cà chua đang dao động quanh mốc cao kỷ lục 50.000 - 65.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với mức giá 28.000 - 30.000 đồng cách đây 1 tuần.

Tại một số chợ ở khu vực trung tâm có nơi còn lên đến 65.000 đồng/kg. Còn trong các siêu thị, các loại cà chua thông thường và cà chua bi giá khoảng 52.000 - 62.000 đồng/kg.

Theo nhiều tiểu thương đầu mối, do phần lớn các mối nhập hàng từ Trung Quốc đã bị đình trệ, còn hàng trong nước vốn cung không đủ cầu đã đẩy giá cà chua lên rất cao. Trong khi đó, dịch bệnh căng thẳng từ hồi tháng 8-9-10 đã khiến nhiều khu vực trồng trọt quanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM không vào vụ đúng lịch, dẫn tới lượng hàng hoá nhỏ giọt.

Ngoài ra, không giống như các loại rau lá mùa đông bắt đầu vào vụ thu hoạch, cà chua ở Việt Nam thường chín rộ vào khoảng tháng 9-10, do đó, đến cuối năm, thị trường đều trông vào mối hàng từ Trung Quốc chuyển xuống.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước, các đầu mối nông sản của nước này đã hạn chế xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Điều này tác động trực tiếp tới Việt Nam.

Chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021-2022

theo rà soát của Cục Chăn nuôi, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại với số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con và gia cầm là 335 con. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông là nguyên nhân quan trọng làm trâu, bò bị chết.

Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc; vận động người chăn nuôi không thả rông gia súc, không sử dụng gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 10°C; khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trong chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét, cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng, chống bùng phát dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem