Chuyển động Nhà nông 23/5.
Sơn La sẵn sàng cho Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022
Những ngày này, HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Toàn bộ diện tích xoài đã được các xã viên cẩn thận bao trái từng quả để phòng chống nám hoặc thối rụng do bị ruồi vàng chích. Việc chăm sóc cũng tỷ mẩn từng khâu để đảm bảo sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La đã lựa chọn được hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Trong đó, có hơn 70 sản phẩm OCOP, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may. Tỉnh Sơn La đã sẵn sàng cho Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, với sự chuẩn bị chu đáo và niềm tin có thêm nhiều cơ hội hợp tác tiêu thụ, đưa nông sản Sơn La ngày càng vươn xa.
Giá thanh long tăng trở lại
Những ngày qua, nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, nên việc xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Trung Quốc đã có những chuyển biến khả quan sau thời gian trầm lắng. So với cách đây 2 tuần, giá thanh long ruột đỏ tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, khiến người trồng phấn khởi. Cụ thể, thanh long ruột đỏ loại 1 được bán với giá từ 23.000 - 27.000 đồng/kg. Loại 2 từ 19.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột trắng do đầu ra xuất khẩu chậm, nên giá chỉ nhích tăng nhẹ khoảng 3.000 đồng/kg. Lên mức 9.000 - 12.000 đồng/kg tùy loại. Dự báo nhu cầu xuất khẩu thanh long sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn cung ở các nhà vườn lại hạn chế, vì vậy một số doanh nghiệp chấp nhận đẩy giá lên cao để thu gom cho đủ chuyến hàng xuất khẩu. Còn 2 - 3 tuần nữa, thủ phủ thanh long Bình Thuận sẽ bắt đầu vào thu hoạch chính vụ.
Giá tiêu đi ngang, thị trường giao dịch khá ảm đạm
Tuần qua, thị trường hồ tiêu trong nước đi xuống, giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Thị trường hồ tiêu thời gian qua giao dịch khá ảm đạm khi thương nhân hạ giá thu mua, trong khi đó, nông dân tiếp tục giữ hàng chờ giá lên. Theo đánh giá của chuyên gia, lượng hàng tồn hiện tại tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng vượt mức, Trung Quốc thắt chặt các cửa khẩu biên giới ở phía Bắc vì dịch bệnh Covid-19 lây lan và trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Điều này làm cho xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ các nước lớn cũng bị đình trệ.
Giá thức ăn chăn nuôi lại tăng
Hàng loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lại vừa có đợt thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi vào cuối tháng 5. Với đợt tăng mới này, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại tăng thêm từ 300-400 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá thức ăn chăn nuôi được các doanh nghiệp sản xuất đưa ra là do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng giá quá mạnh. Theo tính toán của người nuôi, với mức tăng này, chỉ tính riêng về chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi con heo bán ra, giá thành sản xuất đội thêm cả trăm ngàn đồng/kg. Từ năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến mặt hàng này nằm trong tốp đầu các nhóm hàng có mức tăng giá nhiều lần nhất và cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.