Chuyển động Nhà nông 5/5.
Các nước ASEAN tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều dư địa ở ASEAN, bởi đây là thị trường có dân số lên tới 700 triệu dân, khoảng cách địa lý gần và có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống với Việt Nam. Trong số các nước ASEAN, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới để tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này.
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng 52% trong quý đầu năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong quý I, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 104 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho tôm Việt bởi giai đoạn 2019 – 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường này không biến động nhiều. Hiện, Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 44,5% trong khi các đối thủ khác (Canada chiếm 11%, Ecuador 9,5%, Trung Quốc 8%). Trên thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam không phải cạnh tranh nhiều với tôm từ các nguồn cung cấp khác. Do vậy, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ trợ lực từ các Hiệp định Thương mại với Hàn Quốc như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Xuất khẩu cà phê đạt mức cao kỷ lục
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2022 đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với quý I/2021. Đây là mức cao kỷ lục mà xuất khẩu cà phê đạt được trong một quý.
Trong quý 1, xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực trên thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất, tăng 92,6%. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu chiếm 54,39% tổng trị giá xuất khẩu trong quý 1/2022, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 40,71% trong quý 1/2021.
Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á giảm từ 45,62% trong quý 1/2021 xuống 32,7% trong quý 1/2022. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong quý 2 này, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.
Pakistan bắt đầu siết chặt kiểm tra chè Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, Chính phủ nước này bắt đầu siết chặt việc kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề an toàn sản phẩm để giữ vững thị trường truyền thống này. Bên cạnh đó, chè Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan phải đáp ứng một quy định đặc biệt về kiểm soát hàm lượng độc tố aflatoxin trong sản phẩm chè xuất khẩu. Đồng thời, bao bì, nhãn mác phải phù hợp với văn hóa Hồi giáo và có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp. Như vậy, nếu đáp ứng đúng các tiêu chuẩn và quy định của thị trường Pakistan, chè Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.