Chuyện dựng tượng Bác Hồ trên đất bạch dương

Thứ tư, ngày 09/05/2012 15:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xúc động, kính yêu và tự hào về Bác là những cảm xúc mà 8 tập phim tài liệu “Hồ Chí Minh với nước Nga” mang đến cho người xem. Mỗi tập phim là một câu chuyện kể về hành trình theo dấu chân Bác.
Bình luận 0

40 ngày và 70 nhân chứng

Đạo diễn Trần Hồng Cẩm là người có duyên với những loạt phim tài liệu theo dấu chân Bác ở nước ngoài. Trước đây, ông đã từng thực hiện loạt phim “Bác Hồ ở nước Pháp” ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.

img
Tượng đài Bác Hồ ở TP. Mátxcơva.

Ông cho biết: “Khi quyết định thực hiện 10 tập phim theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nước Nga, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình VN Trần Bình Minh nói với tôi: “Tôi cử anh đi vì anh từng thành công ở Pháp. Trong 10 ngày, trừ thời gian đi lại chỉ còn 7 ngày mà anh đã làm được như thế, thì lần này, với sự chuẩn bị kỹ hơn, tôi tin anh sẽ thành công”.

VTV1 đang phát sóng lần đầu toàn bộ 8 tập phim tài liệu “Hồ Chí Minh với nước Nga” được thực hiện rất công phu trong suốt năm 2011.

Đoàn làm phim chỉ có 2 người, gồm đạo diễn Trần Hồng Cẩm và quay phim Lô Đoàn Thắng. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng thường trú Đài Truyền hình VN tại Nga, tuy nhiên, cũng phải mất 40 ngày liên tục di chuyển đến 9 thành phố và 2 nước cộng hòa, gặp gỡ hơn 60 nhân chứng người Nga và hơn 10 người Việt... đoàn làm phim mới có được đầy đủ chất liệu cho bộ phim lịch sử đầy ý nghĩa này.

Lý do chọn nước Nga để làm phim theo dấu chân Bác bởi đây là đất nước quê hương của V.I. Lênin - một người mà Bác Hồ luôn mong ước có ngày được gặp mặt. Nước Nga cũng chính là nơi Người gửi gắm những học sinh Việt Nam đầu tiên, từ khi nước nhà còn non trẻ, với mong muốn họ sẽ thành những nhân tài sau này quản lý, lãnh đạo đất nước.

Theo các nhà làm phim, mỗi tập phim là một câu chuyện kể độc lập nhưng được sắp xếp khéo léo, có hệ thống giúp người xem hình dung lại hành trình những ngày theo dấu chân Bác từ những địa danh lịch sử như: Cầu tàu số 7, thành phố St Peterburg - nơi Người đặt chân đến nước Nga lần đầu tiên vào ngày 30.6.1923, hay những địa danh trong ký ức của các cựu binh Xô Viết, những cảm xúc không thể quên của những nhân sĩ, trí thức đã từng gặp Bác...

Cây tre Việt trên đất Nga

Trong 8 tập phim đang phát sóng trên VTV1 vào 21 giờ 30 các ngày thứ 4, 6, 7 trong tuần, câu chuyện gây xúc động nhất cho nhiều người, kể các thành viên đoàn làm phim lẫn các nhân chứng chính là tập phim về “Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô nước Nga”.

Đạo diễn Trần Hồng Cẩm cho biết đây là một vị trí rất đẹp của thành phố Mátxcơva. Tượng Bác bằng đồng cao 5m được đặt trên bệ cũng bằng đồng khối có chiều dài 6m, diện tích khuôn viên là 676m2. Hàng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” bằng tiếng Nga, khắc sâu vào mặt trước của tượng đài...

May mắn cho đoàn làm phim là họ đã gặp được Nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Vladimir Efimovich Tsigal- người thiết kế tượng Bác. Năm nay đã 94 tuổi, nhưng ký ức về câu chuyện dựng tượng Bác gần 20 năm trước chưa hề phai nhạt ở nghệ sĩ.

“Đó là vị Chủ tịch giản dị nhất trong số các vị Chủ tịch và Tổng thống mà tôi từng được biết. Đó là con người thật thông minh, phúc hậu”.

Ông kể lại: “Quảng trường Hồ Chí Minh là công trình lớn nhất, duy nhất ở Mátxcơva mang tên một vị lãnh tụ nước ngoài. Hơn 20 năm trước, tôi được Hội Hữu nghị Nga Việt cử sang VN để tích lũy vốn sống cho sáng tác. Tôi may mắn được ông Vũ Kỳ- thư ký của Bác chở đi và chỉ cho tôi xem tất cả, ngôi nhà, cái ao, con đường nhỏ... nơi Bác đã từng sống ở Hà Nội. Tôi đã được thấy cuộc sống người dân, lũy tre và những cánh đồng lúa rất đặc trưng của VN, và tôi đã hiểu Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ông”.

Trở về Nga, ông bắt tay vào thể hiện bức tượng với chân dung Người nằm trong một vòng tròn tượng trưng cho mặt trời, phía sau là 2 cây tre uốn cong nhưng không bao giờ gãy gục, thể hiện tính cách dẻo dai của dân tộc.

Ông Annatoly Vorolin- nguyên cán bộ Đại sứ quán Nga tại VN kể lại những ngày sóng gió vào đầu thập niên 1990 khi Liên bang Xô Viết tan rã: “Người ta đã kích động dư luận xã hội để tháo dỡ tượng đài những lãnh tụ cộng sản, chúng tôi phải thay phiên nhau canh giữ...”. Nhờ vậy, bức tượng Bác mới còn tồn tại đến ngày hôm nay, như một biểu trưng rực rỡ của tình hữu nghị Nga Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem