Gặp "kỳ nhân" giữa núi rừng
Trong một lần công tác dài ngày ở Cao Bằng, tình cờ tiếng thơm của cụ Triệu Văn Quán (78 tuổi) đã thôi thúc tôi phải tìm gặp cụ bằng được, dẫu vẫn biết đường sá muôn trùng cách trở. Tiếng thơm ấy đến với tai tôi khi chính mắt tôi chứng kiến một ca bị rắn hổ mang phì cắn, đã phù nề và tím tái hết mặt mày, thở gấp, mồ hôi tứa ra như tắm.
Nạn nhân Nông A Tủa (SN 1986) đi hái lá bị rắn hổ mang phì cắn vào bên vai phải, lại không được sơ cứu kịp thời nên lúc tôi gặp, con người khốn khổ ấy 10 phần đã chết mất 7-8, đang được người thân hối hả cáng qua con đường đất trơn tuồn tuột của xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nhằm hướng bản Khuông phăm phăm tiến tới. Hỏi ra được biết, họ đến nhà cụ Quán, nhờ trị cho ca trọng bệnh.
"Vua rắn" Triệu Văn Quán và con trai.
Chả mấy chốc chúng tôi đã đến được nơi mà suốt dọc đường đi, những người trong đoàn cứ nhắc đi nhắc lại là nhà của "vua rắn". Đó là một ngôi nhà sàn đơn sơ, nhỏ bé và nằm lọt thỏm dưới chân ngọn núi cao vút tầm mắt.
Thấy đoàn người vội vã tiến vào, như đã quá quen thuộc, cụ Quán lúc ấy đang nằm trên giường bỗng chậm rãi bám mép giường gượng dậy, giọng cụ yếu nhưng đanh, cất tiếng gọi một người đàn ông ra hỗ trợ cho những vị khách lạ mặt. Người đàn ông tên Triệu Văn Lạnh, là con trai của cụ Quán.
Sau khi đặt người bệnh nằm ngay ngắn giữa căn nhà đơn sơ, cụ Quán tiến lại ngồi gần lật tìm vết thương rồi chầm chậm hỏi han sự tình. Còn anh Lạnh cũng vội vã chạy ra sau vườn hái mấy lá cây vào rửa sạch, giã nát, cho vào vải màn rồi nhanh nhẹn băng vào... vai trái của nạn nhân. Mặc dù chỗ đắp lá ngược với nơi bị rắn cắn nhưng lạ lùng thay, chỉ mươi giây sau người bệnh rõ ràng đã có chuyển biến tích cực.
Anh ta bớt rên rỉ và mồ hôi cũng giảm đi nhiều. Khoảng nửa tiếng sau, khi cơ thể của nạn nhân đã đỡ phù nề và anh ta thiêm thiếp ngủ, cụ Quán mới quay sang nói rằng, trường hợp của anh Tủa là rất nặng, cần phải nằm lại và đắp lá ít nhất 1 tuần.
Sau khi người nhà anh Tủa lục tục ra về dần, chỉ còn tôi và bố con cụ Quán, tôi mới có dịp quan sát thật kỹ và trò chuyện với con người có biệt tài hiếm có này. Trông cụ già nua, hiền từ và có vẻ yếu. Thế nhưng ánh mắt cụ vẫn hết sức tinh anh và thi thoảng lại chăm chú nhìn về phía người nạn nhân trẻ tuổi đang thiu thiu ngủ giữa nhà.
Trong ít phút nói chuyện với tôi, cụ Quán hiền từ cho biết: "Gần 80 năm sống trên đời, thì đến hơn 60 năm tôi đi chữa rắn cắn cho dân làng. Già này biết nhiều về rắn và nọc độc của chúng nên người đời gọi là "vua rắn" cho vui vậy thôi, chứ nào có tài năng gì. Già cũng chẳng bao giờ dám nhận cái danh hiệu ấy. Có ai bị rắn cắn đến nhờ chữa thì mình làm giúp, gọi là làm phúc".
Rồi với thái độ hết sức cởi mở, cụ Quán bắt đầu say sưa kể cho tôi nghe về cơ duyên đã giúp cụ đến với cái nghề hành thiện cứu người, giúp đời. Theo đó, năm xưa cụ thân sinh của cụ Quán có đi sang vùng Hoa Nam, ở Trung Quốc để buôn bán cùng một nhóm bạn. Trong chuyến đi đó, một người trong đoàn bị rắn độc cắn đến ngất lịm, người tím tái tưởng chết. May sao đúng lúc ấy có một danh y đi ngang qua.
Sau khi làm các động tác nắn bóp, người này chạy tới gần đó ngắt một ít lá cây, nhai nát rồi đắp vào phía bên kia của vết thương, sau đó lấy băng quấn lại. Chỉ chưa đầy một tiếng sau, người bị rắn cắn đã khỏe mạnh trở lại như chưa hề có chuyện gì. Thấy sự kỳ diệu của loại lá thần dược, bố cụ Quán đã bí mật mang về trồng tại vườn nhà để đề phòng khi có người bị rắn độc cắn.
"Do khu vực này địa hình nhiều núi, khí hậu ẩm thấp, cây cối rậm rạp là điều kiện thuận lợi để loài rắn ẩn nấp, sinh sôi nảy nở. Cách đây khoảng chục năm, rắn nhiều đến mức đi đêm ra đường là đá phải rắn, rắn chui cả vào trong chăn, vắt vẻo trên cành cây hay trườn, bò lổm ngổm dưới nền nhà. Một trong những loài rắn xếp vào loại kịch độc đang sinh sống tại địa bàn huyện Trùng Khánh là hổ mang phì, rắn lục, cạp nong. Những người bị rắn cắn nếu không được sơ cứu và chữa trị kịp thời khi chất độc chạy vào tim gây tử vong ngay tức khắc", cụ Quán tâm sự.
"Rắn cắn bên phải đắp lá bên trái"
Kể từ khi có được thứ thuốc thần chuyên trị rắn cắn, đã nhiều lần bố cụ Quán ra tay cứu giúp những người dân trong bản. Đứng trước sự kỳ diệu của bài thuốc, cụ Quán lúc ấy tuy vẫn là trai trẻ đôi mươi nhưng vẫn nằng nặc xin bố mình chỉ dạy cho cách để cứu người khi bị rắn độc cắn cũng như cách trồng và sử dụng loại thuốc lá cây "khắc tinh" của nọc rắn kia. Thấy con trai mình có tâm với đời, bố cụ Quán đã hết sức tận tình chỉ dạy.
Cụ Quán nhanh chóng tiếp thu, thậm chí còn nghĩ ra nhiều phương pháp hiệu quả hơn cả những gì bố đã truyền dạy. Sau khi bố qua đời, cụ Quán trở thành truyền nhân duy nhất còn lại, sở hữu phương pháp bí truyền để chữa nọc độc của rắn. Cứ mỗi lần trong bản có người bị rắn độc cắn là cụ Quán lại không quản đường rừng hiểm trở, tìm đến để chữa trị cứu người.
Trong kí ức của mình, cụ Quán không thể nhớ hết đã chữa bao nhiêu ca rắn độc cắn, chỉ biết vô cùng nhiều. Kể về trường hợp đáng nhớ nhất, cụ Quán chậm rãi nói: "Đó là của nhà chị Nông Thị Phúc ở trong Lũng Thông. Chị ấy đi chặt củi bị con rắn đỏ như hòn lửa lao ra cắn trúng bàn tay trái tới ngất đi. Chồng nó đưa xuống đây đắp thuốc phải mất gần một tháng trời mới khỏi. Người Trung Quốc bảo loại rắn đỏ này cắn thì vô phương cứu chữa nhưng già kiên trì đắp lá thuốc vào tay phải, thế là nó cũng sống đấy. Bây giờ nó khỏe mạnh hoàn toàn rồi".
Cũng với thái độ chẳng cố để giữ gìn bí mật làm của riêng, cụ Quán cho tôi biết về cách cụ chữa bệnh và bài thuốc gia truyền của cụ. Theo đó, "thuốc thần" của cụ chính là một loại cây rừng được lấy trên núi Khau Khả cách nhà cụ chừng 4km đường rừng. Lá và quả của loại cây này sau khi được sơ chế có dạng bột mịn, kháng độc rắn hiệu quả. Do đặc tính của cây thuốc này chỉ ra lá, quả vào tháng 2 đến hết tháng 3, mùa đông cây trụi hết lá nên cụ đã mang cây về trồng tại vườn nhà tiện cho việc cứu người. Cây thuốc này nhìn bề ngoài không khác gì những cây thường nhưng lại có công hiệu đặc biệt với mọi loại rắn độc.
"Trong trường hợp không kịp sơ chế, mình có thể nghiền nát lá cây ra để đắp vào cũng rất công hiệu. Với loài rắn cực độc thì cần phải đắp lâu chứ các loại độc vừa vừa thì chỉ 2-3 ngày là khỏi hẳn", cụ Quán cho biết.
Cụ Quán cũng lưu ý, điều đặc biệt của phương pháp này là tuyệt đối không được đắp trực tiếp thuốc vào vết thương. Vì làm như vậy nọc độc sẽ không có lối để bài tiết ra ngoài. Nơi công hiệu nhất để đắp thuốc lại chính là vị trí ngược với vị trí bị cắn. Giả dụ bị rắn cắn vào tay trái sẽ đắp thuốc vào tay phải hoặc giả bị cắn vào ống chân phải, sẽ đắp thuốc vào ống chân trái. "Lá của loại cây này có chất nhựa như một dạng kháng sinh có thể ngăn chặn được chất độc của nọc rắn lan khắp cơ thể. Nếu rắn cắn ở bàn tay, cổ tay trái thì bó thuốc ở bắp tay hoặc bên tay phải, chất nhựa sẽ ngấm qua da rất nhanh chóng. Riêng ở vùng cổ và mặt thì cũng làm tương tự", cụ Quán cho biết.
Tâm thanh thản, bởi ưa làm phúc
Khi đã sang tuổi 80 của cuộc đời, cụ Quán đã quyết định truyền thứ nghề chữa rắn độc cắn cho con trai thứ hai của mình là anh Lạnh. Trải qua 3 đời, gia đình cụ đã giúp cho không biết bao nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đối với cụ, cứu một người là làm phúc cho một người, làm phúc cho càng nhiều người thì tâm càng thanh thản. Mỗi một ca trị độc được chữa khỏi, tiền công, tiền thưởng đến với cụ chỉ là sự tùy tâm của người bệnh, có khi chỉ là một cút rượu, ít thịt tươi, sang hơn thì con gà, con vịt...
(Theo NĐT)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.