Vụ huy động hơn 1.200 tỷ đồng trồng sâm Ngọc Linh trên giấy: Đừng dễ tin vào "miếng mồi" lợi nhuận cao

Nhật Minh - Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 12/11/2023 09:15 AM (GMT+7)
Sau vụ việc khởi tố một chủ doanh nghiệp lừa người dân về dự án trồng sâm Ngọc Linh, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cảnh báo, doanh nghiệp trồng sâm có chỉ giới địa lý rõ ràng, được chính quyền địa phương cấp phép, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa gạt.
Bình luận 0

Hơn 1.200 tỉ đồng huy động, tiền đưa vào kinh doanh chỉ khoảng 1%

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Bà Hạnh được xác định cùng cộng sự đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc có dự án đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum.

Qua điều tra, bước đầu xác định bà Hạnh cùng cộng sự ở Tập đoàn Mỹ Hạnh (trụ sở tại quận Cầu Giấy) đưa ra rất nhiều thông tin quảng bá về hoạt động của tập đoàn, tổ chức hội thảo, ý tưởng dự án… để lôi kéo nhà đầu tư tham gia góp vốn.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư sau vụ Mỹ Hạnh huy động hơn 1.200 tỷ đồng trồng sâm "trên giấy" - Ảnh 1.

Bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - từng giới thiệu về "dự án trồng sâm Ngọc Linh" - Ảnh: Người dân cung cấp.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan Công an, với sự chỉ đạo của bà Hạnh, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã đưa ra cam kết lãi suất rất hấp dẫn từ 24% đến 48%/năm với các loại hợp đồng như hợp đồng vay vốn, góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, bán cổ phần. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư với số tiền huy động lên đến hơn 1.200 tỉ đồng.

Theo Công an quận Cầu Giấy, sau khi huy động được cả ngàn tỉ đồng, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã không bổ sung tiền vào phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy ghi nhận trong số hơn 1.200 tỉ đồng huy động được thì tiền đưa vào kinh doanh chỉ khoảng 1%.

Lợi nhuận là miếng "mồi ngon" được đưa ra để dụ khách

Liên quan đến vụ việc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, bản thân ông là người giảng dạy về đầu tư từ những năm 1978 đến giờ. Người đầu tư phải kỹ càng, bỏ bao nhiêu khi nào thu hồi vốn, mất bao nhiêu thời gian để thu hồi... 

"Lời mời đầu tư mỗi tháng trả lãi suất 5%, 3% thì không thể tin được", ông Thịnh cho hay.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư sau vụ Mỹ Hạnh huy động hơn 1.200 tỷ đồng trồng sâm "trên giấy" - Ảnh 3.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: Doanh Nghiệp Hội Nhập).

"Đây là một trong những hình thức huy động vốn của đại gia "dởm" để họ có nguồn tiền chi tiêu, lũng đoạn công việc xã hội. Các doanh nghiệp thường đưa ra những lời hứa hoàn vốn nhanh và an toàn nhất. Người ta đưa lời khuyến cáo tham gia đầu tư không có rủi ro, có người đứng sau chống lưng để thu hút nhà đầu tư góp vốn.

Họ thường đưa ra lãi suất rất cao, để làm mờ mắt người tham gia đầu tư. Bên cạnh đó là sự cam kết về sản phẩm mà họ gọi vốn đầu tư chẳng hạn như đây là những sản phẩm mới nhất, độc quyền, những sản phẩm người tham gia có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, một số người kêu gọi vốn họ còn đưa những hình ảnh tặng thưởng sản phẩm như ô tô, nhà cửa, giống như một miếng mồi ngon để bẫy người có tiền.

"Đầu tư trồng sâm ít nhất phải 7 năm mới có củ mà bán. Vậy họ lấy tiền đâu để trả lãi người góp vốn đầu tư ngay ở tháng đầu tiên, rồi lãi suất còn rất cao. Hình thức ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy đó là họ lấy của người này rồi trả cho người khác," PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư sau vụ Mỹ Hạnh huy động hơn 1.200 tỷ đồng trồng sâm "trên giấy" - Ảnh 4.

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Tu Mơ Rông).

Trong khi đó ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, doanh nghiệp trồng sâm có chỉ giới địa lý rõ ràng, được chính quyền địa phương cấp phép. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa gạt.

"Cơ sở để tìm hiểu chính xác là người ta công bố là trồng ở đâu, trồng lúc nào, gọi vào số điện thoại lãnh đạo địa phương, hỏi là ra ngay. Cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng cung cấp ngay những thông tin cơ bản cho người dân nắm được", ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết.

Theo ông Mạnh, vụ gom hàng nghìn tỷ đồng rồi trồng sâm Ngọc Linh "trên giấy" của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thiệt hại nhiều chính là người tiêu dùng, chính quyền địa phương mất uy tín.

"Doanh nghiệp thổi phồng để lừa dân, họ còn sản xuất ra sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, diện tích trồng sâm không có vậy thì những sản phẩm đó sản xuất ra từ cái gì? Họ còn quảng cáo trên báo chí, lực lượng chức năng cần kiểm tra sản phẩm để xử lý", ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) bày tỏ.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư sau vụ Mỹ Hạnh huy động hơn 1.200 tỷ đồng trồng sâm "trên giấy" - Ảnh 5.

Ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Kon Tum (Ảnh: Phạm Hưng).

Còn ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp xem họ đang sản xuất kinh doanh mảng miếng gì, đất đai ở đâu, lúc đó mới xuống tiền. 

"Bây giờ nhiều người nhiều tiền quá nên mới huy động được cả nghìn tỷ, đầu tư vào nông nghiệp phải mất nhiều năm trồng cây cây mới lớn.

Nhà đầu tư phải xem xét, doanh nghiệp được nhà nước cấp chỉ dẫn địa lý khu vực đất trồng sâm không? Nếu không cẩn thận rất dễ lâm vào cảnh tiền mất tật mang, ông Ngụy Đình Phúc nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem