Chuyên gia giáo dục: "3 ngộ nhận về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cần nhìn lại"

Tào Nga Thứ tư, ngày 05/10/2022 09:41 AM (GMT+7)
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên đã có những phân tích về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia - sân chơi lớn của học sinh Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Bình luận 0

Sau 1 năm phát sóng với sự tranh tài của 144 thí sinh, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 đã kết thúc vào ngày 2/10 và ghi dấu ấn với chiến thắng thuyết phục của Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. 

Có thể nói, chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" luôn gay cấn, hấp dẫn, quy tụ thí sinh xuất sắc từ các trường THPT trên cả nước và là sân chơi mơ ước của bao thế hệ học sinh. Sức hút của chương trình thể hiện thể hiện ngay cả khi kết thúc nhưng dư âm vẫn được mọi người quan tâm, thậm chí gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng: "Đường lên đỉnh Olympia" là cuộc thi lớn, không thể chấp nhận có sai sót và đây là cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho nước Australia, "chảy máu chất xám"...

Chuyên gia Giáo dục: "3 ngộ nhận về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cần nhìn lại" - Ảnh 1.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Tào Nga

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên bày tỏ: "Tôi vẫn luôn khuyến khích cho con tôi xem chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" để tìm hiểu thêm những điều thú vị. Cuộc thi này khá thành công trong việc tạo tích cực, động lực cho học sinh. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận lại đúng vị trí của cuộc thi chứ không phải là cuộc thi tìm tài năng xuất chúng".

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên là giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế và là diễn giả độc lập về giáo dục. Anh tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, thạc sỹ Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam.

Theo thạc sĩ Nguyên: "Có một số ngộ nhận phổ biến và lâu năm về "Đường lên đỉnh Olympia" mà theo tôi cần được nhìn nhận lại.

Thứ nhất, "Đường lên đỉnh Olympia" không hẳn là cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất Việt.

Một trong những ý kiến phản biện sắc sảo về vấn đề này là của Tiến sĩ Đoàn Hương. Tôi đồng ý với quan điểm của bà là cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" không thể gọi là cuộc thi tài năng vì nó tìm kiếm ở thí sinh những câu trả lời có sẵn trong chương trình giáo dục phổ thông. Tài năng là khi nào có thể trả lời được những câu hỏi không có đáp án".

Tôi đồng ý rằng các câu hỏi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia rất thách thức, và format của cuộc thi cũng buộc các thí sinh phải đối đầu với nhau rất gay cấn, khốc liệt. Nhưng hạn chế lớn của nó, đúng như Tiến sĩ Đoàn Hương nói, format của cuộc thi phần lớn là lý thuyết, bao gồm cả những điều lắt léo trong sách giáo khoa phổ thông mà mọi người dân, bao gồm cả các em học sinh, ít để ý đến nhất. Trong hầu hết trường hợp, nó gần như là cuộc thi kiểm tra trí nhớ về kiến thức lý thuyết phổ thông, chứ không phải là tìm các câu trả lời chưa có. So với định hướng của chương trình giáo dục đổi mới phiên bản 2018 hướng tới xây dựng năng lực và phẩm chất và sự sáng tạo thì có thể thấy chương trình Olympia hướng tới mục tiêu kiến thức là chính.

Thứ hai, "Đường lên đỉnh Olympia" cũng không phải là cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho Australia.

Chuyên gia Giáo dục: "3 ngộ nhận về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cần nhìn lại" - Ảnh 2.

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22. Ảnh: Tào Nga

Đã có nhiều ý kiến phản bác niềm tin không có căn cứ rằng cuộc thi này tìm kiếm nhân tài cho nước Australia. Các học sinh giành giải cao nhất trong cuộc thi này thường được trao học bổng toàn phần hoặc một phần để đi du học ở trường Đại học Swinburne của Australia. Trường Swinburne là một trường có xếp hạng trung bình tại Australia, cũng không nằm trong nhóm 8 trường đại học nghiên cứu tốt nhất Astralia nên không có cơ sở để cho rằng thí sinh Olympia là nhân tài của nước này.

Thực tế Australia là một quốc gia phát triển, các đại học hàng đầu nước Australia thu hút rất nhiều học sinh có năng lực học thuật cao từ khắp nơi trên thế giới. Do vậy, cho rằng chúng ta đào tạo nhân tài cho nước Australia là đánh giá hơi thấp nền giáo dục Australia.

Thứ ba, chúng ta "chảy máu chất xám" từ cuộc thi này?

Tôi có theo dõi các thống kê về sự trưởng thành của các thí sinh Olympia. Rõ ràng là với các học sinh có năng lực học thuật cao, và có niềm say mê từ lúc còn học phổ thông, việc các em học lên cao gần như là điều thuận logic. Học sinh có nhiều loại năng lực, thậm chí tài năng, như có em thiên về năng lực quản lý - lãnh đạo, có em thiên về thể thao, có em thiên về nghệ thuật, có em thiên về kinh doanh - khởi nghiệp, có em thiên về học thuật - nghiên cứu… Nhiều em học sinh Olympia đi theo thế mạnh về học thuật - nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước. 

Tôi thấy các em dù ở trong hay ngoài nước thì cũng có những đóng góp và kết nối với Việt Nam, nơi các em có kỷ niệm đẹp về cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia". Tôi không biết cần phải định nghĩa như thế nào gọi là đóng góp cho đất nước, là "bảo tồn chất xám" hay "chảy máu chất xám", nhưng chắc chắn, chỉ cần các em sống tốt, có công việc, có sự nghiệp chuyên môn riêng đã là đóng góp rồi. Nếu các em lựa chọn hay may mắn được làm các công việc như nghiên cứu, giảng dạy, phát minh - chế tạo… thì có cơ hội được đóng góp làm thay đổi cuộc sống của nhiều người hơn nữa.

Thế nên câu chuyện của các em nên tập trung vào việc các em có bị "lãng phí" chất xám không, chứ không nhất thiết phải theo hướng chất xám "chảy ra" hay "chảy vào". Chuyện ở trong hay ngoài nước không liên quan gì đến việc có khả năng hay thực tế đóng góp với đất nước. Cả Giáo sư Ngô Bảo Châu và Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình đều có những thành tích huy hoàng trong các cuộc thi/giải thưởng về Toán ở tầm quốc tế. Nhưng một người chọn ở nước ngoài, một người chọn ở trong nước, mỗi người có cách đóng góp riêng, và đều là những người thầy được kính trọng và quý mến...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem