Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên: "Học sinh Việt Nam cần học thêm nhiều hơn nữa"
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên: "Học sinh Việt Nam cần học thêm nhiều hơn nữa"
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 24/10/2021 08:32 AM (GMT+7)
"Việt Nam bị cuốn vào "vòng xoáy châu Á" trong chuyện học thêm, dạy thêm đi tới chỗ cực đoan là hầu hết học sinh đều học thêm chương trình ở trường, vì nhu cầu cạnh tranh của cha mẹ, đến nhu cầu cải thiện đời sống của giáo viên"...
Bùi Khánh Nguyên là một giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế và là diễn giả độc lập về giáo dục. Anh cũng làm công việc quản lý nhiều năm cho các tập đoàn đa quốc gia của Anh, Mỹ, Singapore trong các vai trò Giám đốc Quan hệ công chúng, Giám đốc Truyền thông, và Giám đốc Đối ngoại cấp cao.
Anh từng tham gia với vai trò cộng tác viên cho một dự án nghiên cứu về các trường quốc tế tại TP.HCM của Viện nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TP. HCM. Các mảng anh nghiên cứu sâu trong giáo dục là giáo dục song ngữ và các trường quốc tế. Bùi Khánh Nguyên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, thạc sỹ Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Khánh Nguyên cho biết: "Tôi thấy nhiều người lên án nhiều người dạy thêm, học thêm nhưng về bản chất đây không phải là vấn đề nếu như được tổ chức tốt.
Nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, coi dạy thêm, học thêm như "vấn nạn". Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một số chính sách cấm và hạn chế học thêm khiến ngành công nghiệp tỷ đô ở nước này chao đảo. Vậy phương Tây có dạy thêm, học thêm không, và học thêm có đáng sợ như vậy không?
Dạy thêm, học thêm phát triển mạnh ở châu Á dựa trên tâm lý cạnh tranh giữa các phụ huynh hơn là từ nhu cầu học sinh. Phương Tây, vốn là nơi khởi xướng cho sự cạnh tranh thông qua nền kinh tế thị trường và điển hình là các tập đoàn đa quốc gia, thì việc dạy thêm, học thêm lại rất nhẹ nhàng.
Ở nền giáo dục được xem là "tốt nhất thế giới", Phần Lan, nơi học sinh hạnh phúc nhất nhưng lại có thành tích đứng đầu xếp hạng PISA (khảo sát năng lực phổ thông của học sinh lớp 9) học sinh cũng học thêm, giáo viên cũng dạy thêm. Nhưng họ dạy và học luôn trong trường, trong giờ học chính thức (buổi chiều), và thường dành cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt (ví dụ học kém hơn các bạn). Tuy nhiên, do việc dạy thêm, học thêm này không thu thêm tiền, nên không bao giờ trở thành một vấn đề xã hội phải tranh cãi giữa cha mẹ với nhà trường.
Việt Nam bị cuốn vào "vòng xoáy châu Á" trong chuyện học thêm, dạy thêm. Cái gì cũng có thể học thêm để nâng cao tính cạnh tranh. Từ lý thuyết ban đầu là một học sinh bình thường đáp ứng được mức trung bình trở lên của chương trình phổ thông thì không cần phải học thêm, đã đi tới chỗ cực đoan là hầu hết học sinh đều học thêm chương trình ở trường, vì nhu cầu cạnh tranh của cha mẹ, đến nhu cầu cải thiện đời sống của giáo viên.
Với tôi thì học thêm không có gì sai, nhưng nên dựa trên những nhu cầu xác đáng, và học thêm sao cho đáng.
Những nhu cầu chính đáng bao gồm học sinh học thêm để theo kịp chương trình phổ thông nếu bị đuối ở trường (chỉ là tạm thời, chứ không phải học thêm suốt 12 năm), học thêm để phát triển năng khiếu về học thuật, lãnh đạo, văn nghệ, thể thao… Tóm lại là có nhu cầu học mà trường phổ thông không có dạy thì nên học thêm.
Nhưng học thêm cái gì cho đáng thời gian, công sức, tiền bạc bỏ ra. Trừ trường hợp đặc biệt, không nên học thêm chương trình phổ thông của Việt Nam. Ngày xưa khác, các phụ huynh không được học về kinh tế học nên quan niệm thu nhận càng nhiều kiến thức càng tốt, học "không bổ ngang cũng bổ dọc", học không bao giờ thừa, nhưng quan niệm ngày nay đã khác. Bạn luôn phải biết đến "chi phí cơ hội" trong học tập. Khi đã học cái này, tức là bạn không còn cơ hội để học một cái khác cần hơn, hay hơn, tốt hơn. Tóm lại việc học ngày nay không phải là "gom" kiến thức nữa, mà là "chọn" cái để học.
Học sinh Việt Nam nên học gì? Theo tôi, các em học thêm nhiều, vừa thừa mà vừa thiếu. Dưới đây là một số những thứ cha mẹ nên cho học sinh học nhiều hơn, càng nhiều càng tốt.
Văn nghệ và thể thao: Nếu đứa trẻ chỉ biết học và học và thiếu thiếu một cái gì đó sinh động, trọn vẹn, thì có thể đó chính là cái mảng mà nhiều người cho là "môn phụ" này đây. Văn nghệ và thể thao tưởng "phụ" mà lại là "chính" với hạnh phúc của trẻ, và cả khi chúng là người lớn sau này. Tôi thấy học sinh ngày nay học nhiều quá, mà lại yếu dần văn nghệ, thể thao theo từng thế hệ. Nếu bạn thích đua, thì tôi khuyến khích bạn cho con học thêm 1 giờ văn nghệ và 1 giờ thể thao mỗi ngày ở các trung tâm nghệ thuật và thể thao ngoài giờ.
Vệ sinh cá nhân: Người ở nước phát triển họ sạch lắm. Văn minh con người của họ không nằm ở cái túi xách hiệu, đôi giày mốt mà nhà ở những thứ rất nhỏ, tinh mắt với nhận ra. Họ dạy vệ sinh cá nhân rất sớm, rất bài bản, rất kỹ cho nên về cơ bản là một người bình thường họ rất đề cao sự sạch sẽ. Cái đẹp trước hết phải sạch. Do vậy, nếu bạn tìm được các khóa học dạy vệ sinh cá nhân cho con cái, sẽ vô cùng hữu ích để các em thành công.
Sự thanh lịch: Thanh lịch là tiêu chuẩn sống, là cánh cửa để thanh niên có lợi thế trong cuộc sống. Nó xứng đáng là tấm vé cho thành công ngang bằng với một tấm bằng đại học hàng đầu. Người thanh lịch thường có cơ hội cao hơn rất nhiều để thành công, và nó không phải ngày một ngày hai mà có được. Ngoài yếu tố "gia truyền", thì thanh lịch còn là quá trình học hỏi, tu dưỡng từng ngày, từng giờ, dài cả cuộc đời. Nếu bạn tìm ra được những khóa học thêm tốt để bồi dưỡng sự thanh lịch, thì bạn đã giúp đẩy con sang phía của một thanh niên ưu tú trong tương lai. Đừng tiếc tiền học thêm về tính thanh lịch.
Chơi golf, cưỡi ngựa: Đã không học thì thôi, còn học thêm phải cho đáng. Bóng đá, bóng rổ, bơi lội, cầu lông, võ thuật… là những thứ hết sức thông thường. Nếu bạn muốn học thêm để đua, thì hãy học những thứ quý hiếm như golf, cưỡi ngựa, bắn cung, bóng chày…
Sửa xe hơi: Một người lớn biết sửa xe hơi là chuyện thú vị, nhưng một cô, cậu nhóc/một thanh thiếu niên biết sửa xe hơi sẽ rất thú vị ở bất cứ đâu trên thế giới. Thay vì tập trung quá nhiều vào học thêm phương trình với hàm số như hàng vạn thiếu niên khác, bạn hãy cho con học sửa xe hơi chẳng hạn.
Học tiếng Ả Rập: Những ngoại ngữ 2 như Pháp – Trung – Nhật – Hàn đã quá phổ thông nhưng nếu một cô cậu biết một thứ tiếng hiếm (biết kha khá thôi, không cần phải giỏi quá), như tiếng Ả Rập hay một ngôn ngữ châu Phi chẳng hạn, sẽ vô cùng thú vị, thậm chí còn giúp mở mang thế giới quan của bạn trẻ theo những cách cha mẹ không ngờ được.
Học cách kiếm tiền: Học cách kiếm tiền không phải là làm hư làm hỏng đứa trẻ từ sớm, mà là việc học về giá trị, về phương thức cạnh tranh, về quản lý tài chính. Do vậy phải có phương pháp, phải học với các chuyên gia và chương trình đàng hoàng. Chúng ta đã có quá nhiều cử nhân quản trị kinh doanh đi đầu cơ đất, kỹ sư công nghệ thông tin đi đào tiền ảo, không cần thêm những người như vậy nữa. Chúng ta cần những trẻ em biết cách kiếm tiền sáng tạo hơn bằng ý tưởng, triết lý, kỷ luật. Học kiếm tiền là học về mối quan hệ xã hội. Nên nhớ mục đích chính là "học về kiếm tiền" chứ không phải "kiếm tiền", chúng ta không được để trẻ đang học thì quên mất mục tiêu ban đầu.
Học kỹ năng sinh tồn: Tôi thấy có một phong trào nhen nhóm ở đô thị, nơi học sinh yếu kém kỹ năng sinh tồn do môi trường học đường ngày càng giống viện hàn lâm mà xa rời thiên nhiên. Bản chất học kỹ năng sinh tồn cũng là học cách giải quyết vấn đề thực tiễn, nên lợi ích của nó là rất lớn. Các trường tư thục nội trú học phí hàng chục ngàn đô/năm cũng dạy rất nhiều chương trình theo kiểu quân đội như thế này.
Danh sách này chưa kết thúc, bạn sẽ cần có ý tưởng và tìm kiếm thêm. Tôi mong học sinh Việt Nam học thêm nhiều vào, nhưng không phải học thêm chương trình phổ thông hay luyện thi, mà là học thêm rất nhiều điều thú vị, hữu ích khác. Cha mẹ hãy cho con đi học thêm!".
Chia sẻ thêm với PV, theo anh Nguyên, số lượng giờ học chính thức ở trường của học sinh Việt Nam đang ở mức trung bình cao: "Một số nước học sinh học 600-800 giờ/năm, ở Việt Nam trên dưới 1.000 giờ/năm và một số nước ở mức 1.200 giờ/năm. Chúng ta học 9 tháng là 35 tuần/năm học, trong khi nhiều nước học 10-11 tháng/năm, có 40 tuần/năm học. Về danh nghĩ thì học sinh Việt Nam có nhiều thời gian để chơi hơn. Nhưng nghiên cứu chỉ ra số giờ dạy ở trường không tỷ lệ thuận với thành tích của học sinh. Ngay cả các nước như Hàn Quốc vẫn chưa chắc thành tích đã cao so với Phần Lan có giờ dạy ít hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.