Học sinh "mờ mắt" vì học thêm trực tuyến 6 buổi/tuần

Thứ sáu, ngày 08/10/2021 06:50 AM (GMT+7)
Vừa ngồi cả buổi sáng trước máy tính để học chương trình chính khóa, nhiều học sinh "mờ mắt" vì phải học thêm 6 buổi/tuần, thậm chí cả thứ 7 và chủ nhật bằng hình thức trực tuyến.
Bình luận 0

Học chính khóa, luyện thi đều bằng trực tuyến

Năm nay N. Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) học lớp 5. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 6 THCS vào năm tới, ngay từ năm lớp 4, gia đình đã cho L. vừa học chính khóa vừa luyện đề vào một số trường "hot" trên địa bàn.

Cả kỳ nghỉ hè năm lớp 4, L. về quê với ông bà nên con phải "luyện cô" trường chuyên Amsterdam qua hình thức online.

Sang năm nay, do dịch bệnh căng thẳng, L. vừa học chính khóa bằng hình thức trực tuyến, vừa phải luyện thi online vào lớp 6.

Buổi sáng, L. học chính khóa 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi chiều L. làm bài tập cô giáo ở trường giao. Các buổi tối, cô học trò này phải luyện thi 3 môn: Toán, Tiếng Anh (của giáo viên Trường chuyên Amsterdam và môn Tiếng Việt với giáo viên của Trường THCS Cầu Giấy), tổng cộng 6 buổi/tuần.

Học sinh "mờ mắt" vì học thêm trực tuyến 6 buổi/tuần - Ảnh 1.

Học sinh vừa học ở trường vừa học thêm dài ngày bằng hình thức trực tuyến khiến nhiều em căng thẳng (Ảnh: M. Hà).

Chưa hết, mẹ của L. còn lên một số diễn đàn, lấy các bộ đề thi vào lớp 6 trường "hot" in ra để con gái giải thêm.

Mặc dù không muốn con suốt ngày ngồi trên máy tính nhưng mục tiêu của gia đình chị đưa ra, con phải đỗ vào một trường "hot" trên địa bàn, do đó chỉ học chương trình ở trường thôi không thể đủ.

Không phải thi chuyển cấp nhưng năm nay Quỳnh lên lớp 7 và vừa phải chuyển trường sang quận khác của Hà Nội. Việc chuyển trường khiến Quỳnh bỡ ngỡ trong tháng đầu tiên do không theo kịp môn Tiếng Anh.

"Mất thời gian đầu con tôi không theo kịp chương trình Tiếng Anh ở trường mới. Chúng tôi hoảng quá, phải cho con học thêm Ngoại ngữ trực tuyến ở trung tâm quần quật cả tháng vừa qua.

Buổi sáng, khoảng 7h15 phút cô giáo ở trường điểm danh, có hôm cả lớp học online đến 12h trưa.

Vội vàng ăn trưa xong, con làm bài của trường để buổi tối còn học thêm. Hàng tuần, con học thêm Toán, Văn, Anh 6 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiếng.

Riêng ngày thứ 7, con tiếp tục học Ngoại ngữ của trung tâm bằng hình thức online. Vậy là cả tuần con không có mấy thời gian nghỉ", chị Hạnh- mẹ Quỳnh cho biết.

Cũng theo chị Hạnh, bình thường không dịch dã, hai chị em Quỳnh có thể đạp xe lên Hồ Tây và chơi bóng rổ để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Thời gian giãn cách vừa qua, các con đều nhốt trong nhà, mắt dán vào màn hình máy tính. Mỗi buổi học trực tuyến ở lớp chỉ kéo dài 2 giờ đồng hồ, các con rất bí bách, khó chịu nên ở nhà thường đánh nhau loạn xạ lên, thậm chí cãi cả bố mẹ.

Suy nghĩ tự tử tăng đáng báo động

Việc các em vừa học trực tuyến ở trường, vừa quay cuồng học thêm online do áp lực thi cử trong bối cảnh giãn cách vì dịch bệnh khiến nhiều em căng thẳng, trầm cảm là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, câu chuyện học sinh lớp 12 tự rạch tay, phải đến Bệnh viện tâm thần Mai Hương để chữa trị vì trầm cảm do học trực tuyến mà báo chí đăng tải mới đây không phải trường hợp hy hữu. Bản thân ông đã gặp nhiều trường hợp như vậy đến tham vấn tâm lý sau mùa dịch.

Cách nhận diện những nguy cơ tự gây tổn thương của trẻ

Trẻ có thể thể hiện ra bằng những hành động nguy cơ cao như nhảy từ trên ban công xuống đất, làm chảy máu các vết thương cũ, hút thuốc và dí tàn thuốc đang cháy lên tay, có các vết bầm tím trên cơ thể.

Các em cũng có những thay đổi trong cách thể hiện cảm xúc như cảm xúc khô lạnh hơn, thể hiện sự tự ti trong giao tiếp, hay tách khỏi các tương tác giao tiếp trong gia đình và sử dụng nhà vệ sinh lâu hơn bình thường.

Quan sát hoạt động hàng ngày có thể thấy các em tự đánh vào đầu, tự giật tóc, tự cắn vào tay, đập tay xuống bàn…

(PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).

"Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của chúng ta trở nên căng thẳng và bất định hơn bao giờ hết. Trẻ em bị tách khỏi những hoạt động thường ngày, bị mất kết nối thực người-người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về bệnh tật.

Nhiều trường hợp, trẻ cũng phải chịu đựng sự bỏ mặc hoặc chứng kiến hành vi bạo hành của những thành viên khác trong gia đình. Hệ quả là, tỉ lệ hành vi tự gây hại (như cắt tay), và suy nghĩ tự tử ở giới trẻ tăng lên một cách đáng báo động trong thời gian qua", ông Trần Thành Nam cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, hành vi tự gây hại của trẻ hiện mang nhiều ý nghĩa. Nó có thể là cách trẻ đối phó, dùng nỗi đau về cơ thể để làm xao lãng các cảm xúc tiêu cực không thể chịu nổi như tức giận và trầm uất.

Đó cũng có thể là cách đứa trẻ tự cứu mình khỏi cảm giác tê liệt hoặc trống rỗng sau một thời gian dài giãn cách; là cách mà các em tự trừng phạt bản thân mình vì đã gây thêm những gánh nặng cũng như không đạt được những kỳ vọng từ cha mẹ; thậm chí có thể là lời kêu cứu của chính các em, để cho mọi người thấy đứa trẻ đã thất vọng như thế nào.

Khi nhận diện được những dấu hiệu trẻ tự làm đau bản thân, ngoài việc cách ly hết tất cả các vật dụng nguy hiểm, gia đình nên sẵn lòng dành thời gian lắng nghe những nỗi đau và những cách thức tự làm đau bản thân của con để đối phó.

Cha mẹ cũng có thể động viên các em tham gia các hoạt động vận động ra mồ hôi và những hoạt động kết nối cảm xúc livestream khác. Cũng cần chú ý để không bao giờ có những lời nói khiến các em cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi hơn.

Để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng, người lớn cần tìm hiểu để nhận diện xác định sớm nguy cơ cũng như dành thời gian cho việc làm dịu, tìm kiếm sự hỗ trợ online và hướng các em vào những hoạt động vốn là thế mạnh của mình (như những hoạt động sở thích cá nhân trước đây).

Hạnh Nguyên (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem