Chuyên gia hiến kế phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên

Trương Hồng Chủ nhật, ngày 11/06/2017 08:44 AM (GMT+7)
Diễn đàn “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017.
Bình luận 0

Ngày 10.6, tại TP.Tam Kỳ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng đến đẳng cấp thương hiệu”. 

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu tại Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên 

Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung - Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước.

“Miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.  Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để giải quyết những yêu cầu đặt ra đó, tại Diễn đàn, các đại biểu cần thảo luận, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp để góp phần đưa du lịch miền Trung- Tây Nguyên phát triển; trong đó cần tập trung nêu lên những bất cập, hạn chế và giải pháp để tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để Du lịch phát triển, giữ vai trò là động lực phát triển của miền Trung- Tây Nguyên…” - Thứ trưởng Biên nói.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Viện Kinh tế Tài chính cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển thì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011 - 2020 phải đạt 11,5 - 12%/năm. Đóng góp của du lịch trong GDP năm 2020, chiếm 7%; năm 2025, chiếm 7,2% và năm 2030, chiếm 7,5%.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch xác định nhu cầu đầu tư là rất lớn, giai đoạn 2016 - 2020 là 482 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 506 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 533 nghìn tỷ đồng.

“Nguồn vốn đầu tư đó tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch, phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch…” - TS Ánh nhấn mạnh.

img

Du lịch miền Trung - Tây Nguyên đang xây dựng phát triển theo hướng đến đẳng cấp thương hiệu

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: kinh nghiệm tại miền Trung - Tây Nguyên cần lưu ý đến 3 yếu tố, 3 trụ cột lớn là: Phải có nền tảng văn hoá tốt, trước hết chính quyền phải quan tâm định hướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để văn hoá thực sự phát triển; hạ tầng nhiều nơi tương đối nối tốt nhưng phải quan tâm hơn để kết nối tốt; phải tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn về du lịch cùng vào cuộc.

Với tinh thần trên, tại diễn đàn, đại diện UBND và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch tại các địa phương thuộc miền Trung - Tây Nguyên, các tổ chức, hiệp hội du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng không, đường sắt, nhà đầu tư… đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Yêu cầu phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ mới; những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên; quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên...

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua đã gặt hái được, qua đó góp phần đáng kể để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong khu vực phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Tuy nhiên, để du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Chính phủ và Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước hết cấp uỷ, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong đó cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, phải tìm ra đâu là sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư, tạo ra thương hiệu nhằm thu hút nhiều du khách đến với mình.

“Du lịch miền Trung - Tây Nguyên phải lấy sự liên kết làm điểm tựa để phát triển. Cùng với đó, trong đào tạo cho nhân lực du lịch, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên gắn kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, đã đến lúc phải tính đến ngay trong doanh nghiệp, bước đào tạo cũng là một nhiệm vụ. Ngoài ra, Hiệp hội du lịch và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng phải phối hợp nhau để tính đến việc xây dựng khung đào tạo nhân lực du lịch…” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem