Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3 trên Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (31/7), áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 3 năm 2019) và có tên quốc tế là WIPHA.
Hồi 10 giờ sáng, bão số 3 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Nhận định về cơn bão WIPHA, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho hay, cơn bão này đang ở trong giai đoạn phát triển, kết hợp nhiều điều kiện thuận lợi nên có nhiều khả năng mạnh lên đến cấp 9, giật cấp 11.
Hướng di chuyển chủ yếu là Tây Tây Bắc, tốc độ trung bình 15km/giờ, hướng vào khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó đi vào Bắc Vịnh Bắc Bộ trong ngày 1/8 và gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 kèm sóng biển cao 3-6m trên Vịnh Bắc Bộ.
Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia).
Theo nhận định ban đầu, khoảng từ đêm 1/8 đến sáng ngày 2/8, cơn bão này sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 và gây một đợt mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ chiều 1/8 đến khoảng ngày 4/8.
“Đây là cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông, có sự tương tác và chi phối của các hệ thống khí quyển lục địa cũng như hệ thống gió mùa Tây Nam nên sẽ có diễn biến rất phức tạp về cường độ và hướng di chuyển. Do vậy cần theo dõi liên tục các thông tin dự báo, cảnh báo được cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia”, ông Năng chia sẻ.
Để chủ động ứng phó với bão số 3 - WIPHA, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban, bộ, ngành có kế hoạch và phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo đó, các địa phương thông báo cho tàu thuyền biết vị trí của bão, kiểm soát chặt tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc thường xuyên để xử lý khẩn cấp khi có tình huống xấu.
Trên đất liền, chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng ở đô thị, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ lu hồ chứa và các công trình đang thi công dở, nhất là điểm xung yếu, sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa khắc phục được.
Kiểm tra hướng dẫn sàng phương án di dân tại vùng trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Cắm biển báo, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, vùng sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.
Chủ động tính toán phương án vận hành liên hồ chứa phù hợp đối với hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ tháp mực nước để đảm bảo an toàn, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để xử lý khi có tình huống.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3 và đang hướng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.