Ông Kiên cho biết, quy trình để xét công nhận liệt sĩ khá đơn giản. Theo đó, cụ thể như trường hợp của ông Thao Văn Súa, đơn vị có người hi sinh xác nhận vụ việc làm biên bản xảy ra vụ việc. Sau đó, đơn vị gửi hồ sơ và biên bản này lên Cục Chính sách, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an có công văn đề nghị Bộ LĐTBXH thẩm định.
Sau khi thẩm định, hồ sơ đủ điều kiện sẽ được Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
“Thông thường, quy trình xét công nhận liệt sĩ khá đơn giản, nếu không có vướng mắc về thủ tục giấy tờ, sẽ thực hiện rất nhanh. Tuy nhiên, thực tế, quá trình thực hiện xét công nhận liệt sĩ cũng xảy ra một số vướng mắc trong việc tập hợp hồ sơ, lập biên bản vụ việc... khiến việc xét công nhận liệt sĩ mất nhiều thời gian hơn bình thường”, ông Kiên nói.
Gia đình tổ chức tang lễ cho ông Thao Văn Súa. ẢNh: I.T
Cũng theo ông Kiên, hiện nay, các hồ sơ đề nghị xảy ra vướng mắc nhiều nhất liên quan tới việc lập biên bản xảy ra vụ việc. Ví dụ, với các trường hợp chết trong thiên tai bão lũ, các biên bản ghi nhận khi xảy ra sự việc thường không ghi rõ nguyên nhân. Cụ thể người đó chết trong trường hợp nào, hết trong trường hợp được cử đi làm nhiệm vụ, trực tiếp giúp dân ứng phó thiên tai bảo vệ người dân, tài sản của quốc gia hay chỉ là chết trong trường hợp làm nhiệm vụ, công việc bình thường.
“Chỉ khi biên bản xác nhận sự việc ghi cụ thể, cơ quan quản lý mới có căn cứ đối chiếu với các điều kiện công nhận liệt sĩ trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, ông Kiên nói.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 11, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 quy định: “Liệt sĩ là người đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hi sinh; d) Làm nghĩa vụ quốc tế; đ) Đấu tranh chống tội phạm; e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; i) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; k) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát; I) Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này.”
Như vậy, nếu xét hồ sơ đề nghị, thấy đối tượng thuộc một trong số trường hợp trên, sẽ được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
Theo Cục Người có công, hiện nay, không có nhiều liệt sĩ được công nhận trong thời bình. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 40-50 người được công nhận là liệt sĩ, chủ yếu là trường hợp thương binh nặng chết do vết thương tái phát. Số được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” trong thời bình trong lúc làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bão lũ rất ít. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.