Đó là chia sẻ của bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão" diễn ra ngày 18/5.
Mưa bão là yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe gia súc, gia cầm, mặt khác khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết và sự đe dọa của dịch bệnh là rất cần thiết.
Bảo vệ đàn vật nuôi mùa mưa bão: Phòng hơn chống
"Năm nào trước mùa mưa bão, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng khuyến cáo bà con cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bởi càng chuẩn bị tốt bao nhiêu thì chúng ta càng hạn chế được tối đa những thiệt hại về người và của bấy nhiêu. Đặc biệt, quan trọng hơn cả là bà con cần thường xuyên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi có mưa bão. Nhiều khi bà con chủ quan cho rằng cứ đến khoảng thời gian cố định mới xảy ra tình huống mưa bão, nhưng hiện nay thời tiết diễn biến rất khó lường, chúng ta phải luôn ở trong tâm thế sẵn sàng đối phó chứ không đợi thiên tai xảy ra mới ứng phó thì lúc đấy đã quá muộn" - bà Hạnh nhận định.
Bà con chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh với vật nuôi.
"Chúng ta cần truyền thông làm sao cho người dân có thói quen có trách nhiệm với đàn vật nuôi. Chúng ta không thể thành lập được vùng an toàn dịch bệnh nếu như nông dân không chủ động. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã thực hiện tốt công tác tập huấn, truyền thông về phòng chống dịch bện cho vật nuôi trong mùa mưa bão. Chúng tôi rất ưu tiên thực hiện các dự án lớn về các chương trình chăn nuôi.
Bình quân, mỗi năm, khuyến nông duy trì thực hiện khoảng 30 dự án ở các địa phương về xây dựng chuỗi chăn nuôi, chứng nhận an toàn thực phẩm. Cùng với việc phát các tờ rơi (có cả tiếng dân tộc), tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, toạ đàm, xây dựng dự án, thì trên trang web khuyến nông quốc gia cũng đăng tải rất đầy đủ tài liệu tập huấn cho bà con.
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Bình quân, mỗi năm, khuyến nông duy trì thực hiện khoảng 30 dự án ở các địa phương về xây dựng chuỗi chăn nuôi, chứng nhận an toàn thực phẩm. Cùng với việc phát các tờ rơi (có cả tiếng dân tộc), tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, toạ đàm, xây dựng dự án, thì trên trang web khuyến nông quốc gia cũng đăng tải rất đầy đủ tài liệu tập huấn cho bà con.
Cũng có mặt tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã có những chia sẻ thêm về vấn đề cần làm gì để bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão.
Cụ thể, theo ông Sơn, trước những diễn biến thất thường và ngày càng cực đoan của thời tiết, người chăn nuôi luôn luôn phải chuẩn bị ứng phó sẵn với kịch bản không may xảy ra. Người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn kế hoạch tái đàn, nhập đàn sau thiên tai.
Luật Chăn nuôi quy định rõ, khi tái đàn, nhập đàn, người chăn nuôi phải chủ động khai báo. Nếu không may xảy ro rủi ro, người chăn nuôi còn được hưởng chính sách hỗ trợ. Ngược lại, nếu không khai báo sẽ không được hỗ trợ mà còn bị xử lý nếu để xảy ra dịch bệnh.
Thời tiết mưa bão, mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh cũ và mới xuất hiện. Điển hình là dịch tả Châu phi, heo tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng. Các chủng bệnh mới xuất hiện như H5N8 cũng có thể xuất hiện. Thực tế, tại Hà Nội đã xảy ra 2 ổ dịch. Cảnh báo tới đây 1 số bệnh mới xuất hiện như cúm lợn, liên cầu khẩu.
"Để phòng dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi đặc biệt là trong mùa mưa bão, người chăn nuôi cần áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi sinh học. Với đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, Hà Nội tập trung cao độ cho phòng chống dịch bệnh nói chung và trong mùa mưa bão nói riêng. Theo đó, Hà Nội chủ động tiêm phòng vắc xin, chỉ đạo quan tâm thanh tra, kiểm tra xuất nhập đàn gia cầm..." - ông Sơn thông tin thêm.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cũng là người chăn nuôi với kinh nghiệm hơn 20 năm thì ông Thắng cho rằng, không cứ mùa mưa bão, đã bước vào chăn nuôi thì nông dân cần lưu ý môi trường nuôi đảm bảo vệ sinh, thông thoáng. Bên cạnh đó, phải chọn con giống tốt, đảm bảo vấn đề dinh dưỡng và thú y. Thực hiện tốt các khuyến cáo về vắc xin. Đối với dịch tả Châu Phi chưa có vắc xin thì vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học vô cùng quan trọng, ai làm tốt sẽ thắng.
Mùa mưa bão hay sấm sét nhiều, các trang trại thường lợp tôn phải có hệ thống chống sét. Chính sự chủ quan của bà con đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
3 bước cần thiết để bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão
Để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp sau:
1. Các bước thực hiện trước mùa mưa bão
Đảm bảo chuồng trại vững chắc. Tu sửa và chằng chống lại chuồng trại. Mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.
Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi.
Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.
Dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất; thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.
Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để đảm bảo đủ nước sạch cho vật nuôi uống; một số vật tư thuốc thú y cần thiết dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi.
Ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh; định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.
Cần chủ động phương án thắp sáng, sưởi ấm để giữ ấm cho vật nuôi.
2. Thực hiện trong và sau mưa bão, lũ lụt
Về chuồng nuôi: Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; tu sửa chuồng trại, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.
Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.
Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó; định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.
Chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi: Luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ.
Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi.
Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh. Đối với lợn, gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
3. Công tác thú y
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.
Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn... Khi gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột.
Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải…; tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.