Chuyên gia làm rõ những bất cập khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thanh toán trái phiếu

Khánh Ly Thứ năm, ngày 31/10/2024 13:15 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang quy định theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân.
Bình luận 0

Bất cập khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thanh toán trái phiếu

Tại lần trình dự thảo sửa một số điều Luật Chứng khoán mới đây, khác với bản thảo đưa ra từ trước, Chính phủ đã chỉnh sửa đề xuất bỏ nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ theo hướng được mua nhưng chỉ đối với một số trái phiếu nhất định.

Thay vào đó, nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng (TCTD).

Chuyên gia làm rõ những bất cập khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thanh toán trái phiếu- Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Bàn luận về vai trò của TCTD trong việc bảo lãnh thanh toán, bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) lý giải, trong trường hợp tổ chức phát hành (TCPH) không thanh toán được gốc, lãi theo cam kết, bên bảo lãnh sẽ đứng ra thanh toán cho trái chủ thay TCPH.

Vị chuyên gia đánh giá, với trái phiếu có tài sản bảo đảm, khi TCPH không thanh toán được các khoản liên quan tới trái phiếu thì phải định giá, xử lý tài sản bảo đảm để thu tiền rồi mới thanh toán cho trái chủ. 

Còn đối với trái phiếu có bảo lãnh thanh toán, trong trường hợp này, bên bảo lãnh sẽ trực tiếp thanh toán cho trái chủ đúng bằng giá trị mà bên bảo lãnh bảo đảm ban đầu và không phụ thuộc vào việc bán tài sản bảo đảm được bao nhiêu như với trái phiếu có tài sản bảo đảm.

"Thông thường, ở thị trường Việt Nam, việc bảo lãnh thanh toán thường là bảo lãnh 100% giá trị gốc và lãi trái phiếu. Tuy nhiên, cách thức bảo lãnh, quy trình thanh toán bão lãnh giữa các bên bảo lãnh, giữa các sản phẩm trái phiếu khác nhau sẽ khác nhau", Giám đốc Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp của VCBS cho biết.

Theo khoản 2, Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.

Tuy nhiên, bà Ngân cũng nhấn mạnh đến bất cập khi TCTD bảo lãnh thanh toán cho TCPH. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước có quy định rõ ràng về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các TCPH và bảo lãnh thanh toán cũng là một hình thức cấp tín dụng.

"Nếu TCTD đã cấp được bảo lãnh thanh toán thì các TCTD hoàn toàn có thể cấp được cho TCPH khoản vay trực tiếp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đều muốn giải ngân, tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, nếu TCPH đủ điều kiện để bảo lãnh thanh toán thì các TCTD sẽ có xu hướng cấp luôn tín dụng hoặc mua luôn trái phiếu. Ngoại trừ lãi suất của TCTD là bên bảo lãnh cao hơn hoặc không thể cố định lãi suất như lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành mà các nhà đầu tư khác đã chấp thuận. 

Ngoài ra, do bảo lãnh thanh toán của các TCTD không thể thực hiện trong một số trường hợp trái phiếu có mục đích như tái cơ cấu nợ, góp vốn, mua cổ phần nên việc bảo lãnh thanh toán bởi các TCTD không thể áp dụng cho mọi trái phiếu", vị chuyên gia phân tích. 

Nhà đầu tư cá nhân có nên tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ?

Chuyên gia làm rõ những bất cập khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thanh toán trái phiếu- Ảnh 2.

Bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS).

Theo bà Ngân, càng nhiều các thành phần nhà đầu tư tham gia sẽ càng tốt cho thị trường trái phiếu Việt Nam.

Cụ thể, nếu trái phiếu phát hành ra công chúng, hồ sơ phát hành phải được thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được thẩm định, rà soát và phê duyệt nên các rủi ro cũng sẽ được hạn chế hơn là trái phiếu phát hành riêng lẻ. 

Do vậy các trái phiếu phát hành ra công chúng cho phép toàn bộ các đối tượng là nhà đầu tư được tham gia.

Tuy nhiên, đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân là các đối tượng không có đủ nguồn thông tin, chưa đủ năng lực để thẩm định mức độ rủi ro của từng cấu trúc trái phiếu, thì việc cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân được đầu tư vào một số loại hình trái phiếu phát hành riêng lẻ có tài sản bảo đảm, có bảo lãnh thanh toán kèm theo có xếp hạng tín nhiệm là một giải pháp cân bằng cho thị trường.

Câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan quản lý là: Làm sao để vừa siết chặt, bảo đảm quyền lợi và thu hút nhà đầu tư, vừa phát triển thị trường trái phiếu không bị tắc nghẽn?.

Bà Ngân cho rằng, nếu muốn thị trường phát triển thì ngoài việc cơ quan quản lý cần phải mở cho nhiều thành phần các nhà đầu tư nhất có thể tham gia thì cơ quan quản lý cũng cần phải đảm bảo các chất lượng của trái phiếu nằm trong một khung chuẩn, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, vừa tạo nhu cầu lớn để các nhà đầu tư có thể “thâm nhập” vào thị trường trái phiếu và đảm bảo sân chơi trái phiếu có tính an toàn, chất lượng nhất định.

Nhưng thực tế những năm qua, giai đoạn thị trường trái phiếu phát triển nhanh, mở cửa tạo điều kiện cho các TCPH đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là giai đoạn lãi suất tiết kiệm thấp, hệ lụy là các TCPH tham gia phát hành trái phiếu tận dụng độ thoáng của chính sách, tận dụng sự hấp dẫn chủ yếu bằng lãi suất để tung ra thị trường sản phẩm không đạt chất lượng.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần nâng cao chính sách, trong đó, phân biệt thị trường trái phiếu riêng lẻ và thị trường trái phiếu ra công chúng để có những chính sách và đối tượng phù hợp với mỗi loại hình nhằm tạo sự linh hoạt để TCPH có thể phát hành được trái phiếu dễ dàng mà không bị quá kiểm soát.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 11) và Nghị định 65/2023/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Đối với nhà đầu tư bao gồm: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng (năm liền trước năm mua trái phiếu).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem