Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn "nặng gánh" nhóm ngành bất động sản

Phương Thảo Thứ ba, ngày 22/10/2024 08:40 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Năm 2024, khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính và có nguy cơ vỡ nợ.
Bình luận 0

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

Trong Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ tại cuộc họp Quốc hội kỳ 8, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, ngăn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, kết hợp kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang xây mới, cũng như khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu...

Cũng trong báo cáo Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần phải vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt tín dụng, nợ xấu. Đặc biệt cần phải kiểm soát rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Được biết, trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 140.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó trái phiếu bất động sản khoảng 59.000 tỷ đồng, tương đương 42%.

Cụ thể, trong báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Doanh nghiệp (VBMA), phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 73.305 tỷ đồng. 43,4% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 31.817 tỷ đồng

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn "nặng gánh" nhóm ngành bất động sản- Ảnh 1.

(Ảnh: VMBA)

Rủi ro cao tập trung ở nhóm trái phiếu bất động sản, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11.

Chứng khoán Phú Hưng nhận định rõ trong báo cáo

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 4/2024 dự kiến vượt mức 87.500 tỷ đồng, trong đó có 35% đến từ nhóm bất động sản.

Trong tháng 9 vừa qua, nhiều ông lớn như Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục chậm trả lãi, gốc trái phiếu lên đến 4.500 tỷ đồng; Novaland chậm trả tổng cộng hơn 800 tỷ đồng lãi, gốc; Đức Long Gia Lai nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HNX với khoản nợ trái phiếu còn khoảng 70,4 tỷ đồng…

“Chúng tôi cũng duy trì quan điểm cho rằng, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV/2024, sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng”, Chứng khoán Phú Hưng nhận định.

Với hoạt động xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, trong tháng 9, 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng và xây dựng đã hoàn trả tổng cộng 781 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Trong đó, 70% giá trị hoàn trả đến từ các công ty thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, bao gồm Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát.

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn "nặng gánh" nhóm ngành bất động sản- Ảnh 2.

Ảnh: VIS Rating

Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận xét, các doanh nghiệp nhóm bất động sản đang có khả năng trả nợ ở mức thấp, thể hiện ở tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả; 90% trong số đó từng chậm trả lãi trái phiếu ít nhất một lần và doanh nghiệp có tỉ lệ đòn bẩy cao, nguồn tiền mặt thấp và biên EBITDA thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem