Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..."

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/02/2022 08:51 AM (GMT+7)
Sinh ra trong gia đình hiếu học Nguyễn Lân nổi tiếng tuy nhiên, Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng, truyền thống đó không phải là do gen di truyền.
Bình luận 0

Nhân dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dân 2022, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với "Bạn của nhà nông" - Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng. Ông Nguyễn Lân Hùng chính là người con thứ 5 của cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.

Clip chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trả lời PV báo Dân Việt. Clip: Cao Oanh

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..." - Ảnh 2.

Chào ông Nguyễn Lân Hùng! Nhân dịp năm mới, báo Dân Việt xin kính chúc gia đình ông nhiều sức khỏe, hạnh phúc, vạn sự như ý. Nhân dịp này, ông có thể chia sẻ một năm qua đối với ông thế nào?

- Năm nay tôi 77 tuổi nhưng tôi không bao giờ ngừng nghỉ. Tôi không chỉ làm trong giáo dục mà còn liên quan đến nông nghiệp mà chủ yếu là bà con nông dân. Khi đất nước chuyển mình tạo nên các phong trào mới, khí thế mới thì các nhà khoa học cần tiếp cận được với ngành nghề mới, thông tin mới để ứng dụng vào sản xuất, ứng dụng trong đời sống.

Gần 2 tháng qua, chúng tôi đã phối hợp với NXB Nông nghiệp xuất bản cuốn sách 1001 cách làm ăn cho nông dân. Tôi rất mừng khi chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết lời giới thiệu: "Hy vọng bộ sách sẽ là cẩm nang để nông dân mọi miền có thể áp dụng và tự vươn lên ngay chính trên mảnh đất của mình". Đây là nguyện vọng của Chủ tịch nước nhưng cũng là mệnh lệnh, nhiệm vụ mà chúng tôi phải giải quyết. Theo dự kiến mỗi tháng chúng tôi sẽ ra một cuốn sách gửi tới bà con nông dân.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen nhưng không phải..." - Ảnh 1.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng. Ảnh: Cao Oanh

Quả thật, xưa nay mọi người gọi ông là "Bạn của nhà nông" vì những nghiên cứu của ông đều gắn với nông dân. Quay trở lại quá khứ, từ bao giờ ông có niềm đam mê với sinh học và với nông nghiệp đến vậy?

- Có lẽ lý do tôi đến với sinh học vì nhà tôi có rất nhiều người làm về sinh học. Chị tôi là Nguyễn Tề Chỉnh dạy khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Nguyễn Lân Dũng giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Nguyễn Lân Cường học ngành khảo cổ, Nguyễn Lân Việt làm bác sĩ… Tôi vào học khoa Sinh học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội từ năm 1963.

Sống trong môi trường gia đình mà mọi người tham gia nghiên cứu khoa học sinh học đã động viên tôi. Bản thân tôi trong quá trình đi học tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người thầy giỏi, nhiệt tình tạo nên hào hứng hơn với nghề sinh học. Sau này con tôi cũng theo ngành sinh học. Tuy nhiên, tôi không nghiên cứu cơ bản mà đi sâu vào ứng dụng vì nông thôn là lĩnh vực rất rộng lớn. 

Ngần ấy năm trong ngành, trên hành trình rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước, ông thấy những điều nông dân cần làm hiện nay là gì?

- Tôi đã đi qua 63 tỉnh thành trên cả nước, kể cả việc đến 8 nhà tù. Kỷ niệm của tôi là trong một lần đến trại giam Tân Lập ở Hạ Hòa, Phú Thọ dạy cho đối tượng tù chung thân, tử hình, tôi thấy họ rất nhanh nhẹn. Cùng một khoảng thời gian, kỹ sư bình thường chỉ chiết được 60-70 cành nhưng họ chiết được 150 cành. Tôi thấy họ ngồi khóc, họ thú nhận đã biết được sai lầm của mình. Hay có lần tôi lên bản người Mông ở Sơn La. Tôi nói không ai hiểu tiếng nên tôi bảo tôi làm gì thì hãy làm theo. Cả làng kéo ra làm theo tôi. Tôi chặt gỗ, đục lỗ… người dân làm theo. Chúng tôi như người câm với nhau nhưng một tháng sau tôi lên mộc nhĩ kín đặc cây gỗ. Cả làng vui mừng hò reo.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen nhưng không phải..." - Ảnh 2.

Một trong những cuốn sách dạy cách làm ăn cho nông dân. Ảnh: Cao Oanh

Hoặc khi tôi dạy nuôi giun, thấy tôi bốc phân bò ngoài đường, mọi người ngạc nhiên nhưng kết quả là sau 1 tuần giun lên kín đặc. Tháng sau tôi lên lại và không có bãi phân nào ngoài đường. Nói các ví dụ trên để thấy, khoa học kỹ thuật cần thật cụ thể, hướng dẫn cho nông dân cũng bằng những việc thật cụ thể thì mới mang lại hiệu quả.

Được biết, ông giữ rất nhiều trọng trách như là một nhà giáo, một nhà khoa học, một chuyên gia nông nghiệp, một nhạc sĩ, một người bạn của nhà nông… Vậy với ông, các vị trí đó đã hỗ trợ nhau như thế nào?

- Với âm nhạc tôi có sở thích từ nhỏ. Năm 1955, khi mới 10 tuổi, tôi đã tham gia văn nghệ, những ngày đầu đó giúp tôi đam mê âm nhạc. Khi là sinh viên, tôi đã được Huy chương Vàng chỉ huy dàn nhạc. Âm nhạc giúp nhiều trong cuộc sống của tôi. Không những thích nhạc, tôi còn sáng tác nhạc. Hiện nay tôi là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội và in ra nhiều tuyển tập nhạc. Âm nhạc không phải là nghề nhưng giúp tôi gắn bó với sản xuất, gắn bó công việc, lạc quan trong cuộc sống.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..." - Ảnh 5.

Với tư cách là Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông có điều gì trăn trở với ngành cũng như kế hoạch phát triển ngành sinh học Việt Nam?

- Sinh học là lĩnh vực rất rộng bao gồm động vật, thực vật, vi sinh vật, môi trường… nhưng để nhà khoa học gắn vào đó rất khó. Hiện nay, các nhà khoa học gắn bó với nhà trường, với sách vở nhiều hơn nên giờ làm thế nào để gắn với thực tiễn, với địa phương, với sản xuất là điều không đơn giản. Chúng tôi phải theo sát từng nhà khoa học ở từng đề tài để giúp họ hoàn thành nghiên cứu cơ bản từ đó gắn với thực tiễn sản xuất. 

Việt Nam chúng ta có rất nhiều cây ăn quả, cây dược liệu phong phú nhưng không khai thác hết. Trong khi đó, Singapore không có cây cối, đất đai để trồng nhưng đã thu mua nguyên liệu về làm thuốc và cả thế giới đến Singapore để mua thuốc. Tại sao Việt Nam chúng ta lại không làm được? Đó là động cơ để giúp chúng tôi trăn trở và gắn bó với nông nghiệp nhiều hơn.

Tôi làm tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam gần 40 năm. Tôi thấy rất hào hứng với việc này và xem là trọng trách để làm hết sức mình. Ngay khi Hiệp hội Mắc ca thành lập, tôi cũng được giới thiệu tham gia. 

img
img

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng luôn trăn trở với nông dân. Ảnh: Cao Oanh

Có bao giờ ông nhận được phản hồi tiêu cực không thưa ông?

- Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, bị phản đối nhiều. Ví dụ như tôi hướng dẫn nuôi dế, mọi người bảo tôi vớ vẩn. Thế nhưng nếu không có con dế làm sao tôi nuôi được hàng vạn con cà cuống hay hàng trăm, hàng nghìn con tắc kè có giá 1 triệu đồng/3 con?

Sinh học luôn gắn với nông nghiệp. Lâu nay mọi người nghĩ nông nghiệp chỉ có lúa, lợn nhưng thực tế có rất nhiều ngành nghề, tiềm năng lớn từ sinh học. Trước đây tôi viết cách nuôi 13 con như ếch, lươn, ba ba, cua biển, dế, cà cuống… Tôi nhớ khi tôi viết con ba ba, có người còn phê bình tôi con vật này không được nuôi. Hay con ếch, khi cơn mưa rào xuống không có tiếng ếch kêu vì mọi người bắt rất nhiều nhưng mọi người lại không nuôi. Chúng tôi phải huy động nhiều ngành để thực hiện.

Thời gian đầu chúng tôi tư vấn trồng cây mắc ca bị phản đối. Có người bảo tôi đừng làm, thất bại đấy nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Bây giờ tôi rất mừng vì trồng mắc ca thành phong trào lớn, hướng đi đúng phủ xanh Tây Nguyên và Tây Bắc. Trồng mắc ca rất hiệu quả kinh tế: sau 3 năm thu hoạch, 5 năm thu nhiều, 7 năm thu lớn. Cây có thể thu hoạch 40-60 năm, có cây đến 100 năm. Quả đồi đó xanh vĩnh cửu.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen nhưng không phải..." - Ảnh 4.

"Trách nhiệm là các nhà khoa học phát huy được thế mạnh của mình thì các bạn trẻ sẽ làm theo", chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ. Ảnh: Cao Oanh

Vừa qua ông có tham dự kỷ niệm 70 thành lập khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo ông, ngành sinh học cần làm gì để thu hút các bạn trẻ trong khi xu hướng hiện nay giới trẻ yêu thích những ngành như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin?

- Hiện nay các bạn trẻ có xu hướng tìm việc theo thu nhập nên lựa chọn như vậy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngành sinh học trên thế giới phát triển rất mạnh. Nếu chúng ta đưa công nghệ, khoa học, tạo những ngành mới, đối tượng mới, sản phẩm mới mang lại thu nhập cao. Ví dụ nuôi ốc nhồi thu được cả tỷ đồng... Như vậy sẽ thu hút được các bạn trẻ đến với ngành nông nghiệp, sinh học. Trách nhiệm là các nhà khoa học phát huy được thế mạnh của mình thì các bạn trẻ sẽ làm theo. 

Tuy nhiên, theo tôi, phần ứng dụng, đóng góp ngành sinh học cần mạnh hơn chứ không nên nặng về bằng cấp, lý thuyết. Các bạn trẻ học hiện nay vẫn lấy bằng là chính. Đây là lỗi của nhà nước, nặng về bằng cấp. Tôi không dám khẳng định nhưng bằng rởm rất nhiều. Đã đến lúc nhà nước phải xem lại, làm thế nào để khuyến khích người làm khoa học một cách thực chất, phải là bằng thật chứ không phải bằng giả.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..." - Ảnh 8.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, ông có cảm nghĩ gì về điều này?

- Công đầu tiên phải nói là từ cha tôi. Dù sinh ra trong nghèo khó nhưng ông luôn ham học. Ông thọ 98 tuổi nhưng làm việc đến năm 95 tuổi. Ngày nào ông cũng miệt mài 10 tiếng và rất nghiêm túc. Đúng 8h sáng làm việc, trưa nghỉ rồi 1h chiều dậy làm việc, kể cả thứ 7, chủ nhật. Anh Nguyễn Lân Dũng rất chăm chỉ. Anh còn ngủ luôn ở phòng thí nghiệm. Nhà tôi 8 anh em đều dạy đại học, đến thế hệ các cháu cũng noi gương nghiên cứu khoa học.

img
img

Những hình ảnh kỷ niệm được treo trang trọng tại nhà chuyên gia Nguyễn Lân Hùng. Ảnh: Tào Nga

Mọi người bảo do gen nhưng tôi cho rằng gia đình chúng tôi cũng bình thường, do không khí gia đình thôi. Các thành viên trong nhà luôn động viên nhau, bảo ban nhau học tập, người đi trước nối tiếp làm gương cho người đi sau.

Ngoài ra, gia đình chúng tôi rất gắn bó, đoàn kết. Khi cha tôi còn sống, con cháu mỗi tháng gặp nhau một lần. Tháng nào có sinh nhật hay ai đó thành công, đạt thành tựu nào đó đều gặp nhau chúc mừng. Tối 30 Tết chúng tôi về nhà thắp hương, các ngày giỗ, ngày Ông Táo và ngày mùng 2 gặp nhau cả nhà. Theo tôi, các buổi gặp gỡ này rất quan trọng, tạo không khí hiểu biết, gần gũi từ đó động viên nhau, có khuyết điểm, sai sót thì giúp đỡ nhau. Các cháu vươn lên trong học tập lại là nguồn động viên lại cho cha ông.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..." - Ảnh 7.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nhận được được bằng khen, giấy khen trong sự nghiệp của mình. Ảnh: Cao Oanh

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn từng chia sẻ với báo Dân Việt rằng: "Bố tôi là người truyền lửa và cũng là người dẫn dắt tôi vào ngành sinh học. Sự nhiệt huyết của ông luôn thôi thúc tôi phải không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên", ông có thể tiết lộ về gia đình nhỏ của mình?

- Tôi có 3 con là Nguyễn Lân Hùng Quân, hiện làm ở Đại sứ quán Pháp. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hằng Giang, làm kế toán tài chính và có 6 cháu là Nguyễn Nga Nhi, Nguyễn Nga Thy, Nguyễn Lân Bảo, Nguyễn Lê Bảo Linh, Đỗ Phương Khanh và Đỗ Xuân Vũ. Cháu nội Nga Nhi được học bổng du học Mỹ, lớp 6 đã nhận học bổng Singapore. Cháu cho biết quyết định chọn trường học không phải là trường tốt nhất Mỹ nhưng có đến 6 tổng thống Mỹ ở đó. Cháu ngoại tôi cũng vừa đi du học Hà Lan.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: "Mọi người bảo gia đình tôi hiếu học do gen, nhưng không phải..." - Ảnh 11.

PV báo Dân Việt trao đổi với Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng. Ảnh: Cao Oanh


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem