Chuyên gia Nhật "mách nước" nông dân Việt làm nông nghiệp hữu cơ

Thứ tư, ngày 15/03/2017 18:45 PM (GMT+7)
Ba chuyên gia từ Nhật Bản sang Bến Tre, cùng bà Ino Mayu, chuyên gia phát triển cộng đồng chia sẻ câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ với nông dân thuộc dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Sạch – bẩn bây giờ là chuyện tồn vong, nhưng ai cũng nói khó. Người Nhật cũng thấy khó, nhưng họ quyết tâm làm, thậm chí họ làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ.
Bình luận 0

img

Các chuyên gia Nhật đi tham quan vườn rau hữu cơ thuộc hệ thống rau hữu cơ PGS ở Bến Tre (ảnh IT) 

Kinh nghiệm của Nagasawa Genichi

Đối với ông Nagasawa Genichi (thạc sĩ, nông dân, giáo viên tại ĐH Doshisya) làm giàu bằng nông nghiệp hữu cơ là câu trả lời bằng trải nghiệm thực tế. Nagasawa Genichi, 64 tuổi, từng trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh vào năm 32 tuổi. Sau đó ông ngộ ra rằng “nếu cứ sử dụng thuốc hóa học thì chết chắc”.

“Tôi xỉu tại vườn khi đang phun thuốc trừ sâu cho cây cà tím – cà tím cao hơn tôi, sau đó tôi trồng hành Kujyo thay cà tím nhưng cũng sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu”, Nagasawa Genichi là thế hệ thứ 16 của họ Nagasawa làm nông nghiệp, kể lại.

Hiện tại, gia đình ông áp dụng phương pháp nông nghiệp hữu cơ với quy mô 9.500m2. Hơn 60% sản phẩm của trang trại bán tại Kyoto và vùng xung quanh Tokyo là 40%. Các nơi mua rau của ông gồm cửa hàng chuyên bán các loại rau chất lượng cao Kanematsu Nishiki Honten, nhà hàng cao cấp Kiccyo Arashiyama Honten, trung tâm thương mại Keihan tại Moriguchi và Kuzuha, công ty Agri Japan, BIO Market… Năm 2001, ông là người đầu tiên tại Kyoto được bộ trưởng Nông lâm thủy sản cấp chứng nhận JAS (Japanese Agriculture Standard) hữu cơ.

img

Nông dân Bến Tre bắt đầu làm quen với cách thức sản xuất rau hữu cơ (ảnh IT) 

Thực tế dạy cho ông hiểu nông nghiệp hữu cơ là nuôi đất, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học, không sử dụng các loại giống biến đổi gen, không gây hại và phải thân thiện với môi trường để duy trì nguồn lợi cung – cầu này.

“Tôi trồng cà theo phương pháp hữu cơ có chứng nhận JAP bán với giá tương đương 80.000 đồng tiền Việt Nam. Tôi đã trồng và phải nói “hết hàng rồi, không còn nữa”, sản lượng ít nhưng chính giá trị của nguồn cung nên nhiều nơi chuyên làm những món ăn cho khách quý, kể cả quốc khách, người ta dùng rau của tôi”. Kinh nghiệm xương máu của ông là đừng vay vốn mở rộng quy mô vì quá lớn sẽ không giữ được chất lượng, sẽ mất uy tín với khách hàng. Quan trọng là phải phát huy tiềm năng của các hộ nông dân sản xuất an toàn, (sản xuất các loại rau bản địa), theo mùa”.

Cách sống tử tế

Năm 2009, ông Nagasawa Genichi dạy môn nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ tại Đại học Doshiya. Tháng 3/2014, ông lập một nhóm hành động để chứng minh khả năng làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm của trang trại gia đình và nhóm làm nông nghiệp hữu cơ khiến ai mua rau phải đến tận trang trại chở về. Các cửa hàng, công ty ở Tokyo và khu vực Kanto đều như vậy, cái chính là ông làm cho họ tin vào sự an toàn của sản phẩm, sự an tâm của khách hàng và vì ông luôn cải tiến hương vị, rau ngon, đẹp, sản xuất với chất lượng cao nhất có thể.

“Nuôi đất” để đất nuôi dưỡng cây trồng, trồng đúng theo mùa, áp dụng luân canh cây trồng chuẩn tránh rủi ro, đa dạng hóa các loại rau, cân bằng bảo vệ môi trường với cách tạo nguồn thu bền vững từ lòng tin của khách hàng là bài bản được ông truyền dạy.

Theo ông Takashi, điều quan trọng là ông Nagasawa Genichi làm để người ta phải đến tận nơi mua rau của ông ấy, phải tạo được niềm tin của địa phương đó, làm cho người tiêu dùng tuyên truyền với nhau về nơi sản xuất hữu cơ, là giá trị của chỉ dẫn địa lý, phải khai thác tìm thị trường cho sản phẩm của mình, phải có sản phẩm mới mà người tiêu dùng rất cần nhưng chưa ai có, như vậy mới có thị trường mới.

Không chỉ bán sản phẩm mà phải bán câu chuyện về sản phẩm đó. Bột bánh mì được xem là “ngon” phải làm 100% nguyên liệu từ Kyusyu chứ không phải từ nguyên liệu nơi khác. Tại sao Kyusyu rất nổi tiếng ở Đài Loan? Vì nhiều người Đài Loan rất thích ăn món ăn và văn hóa Nhật đặc biệt là Kyusyu và một công ty Nhật đã mở cửa hàng ở Đài Loan để cung cấp nguyên liệu ngon và an toàn cho mọi nhà.

img

Dự án trồng rau hữu cơ tại Bến Tre được hỗ trợ từ tổ chức Seed to Table (ảnh IT) 

Ino Mayu triển khai dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bến Tre (tổ chức Seed to Table ) từ năm 2014 với mong muốn hỗ trợ các nông hộ sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp hữu hiệu như thế này. Năm đầu tiên chỉ có ba xã thuộc huyện Bình Đại, đến năm 2017 có thêm hai xã của huyện Bình Đại và bốn xã của huyện Ba Tri.

Cô mời bà Icyohara, giám đốc công ty Towa Okamisan Ichi, tỉnh Kochi, chuyên tổ chức sự kiện, tour du lịch thiên nhiên và giới thiệu các món ăn văn hóa của Nhật đến du khách tới chia sẻ.

Với một nhóm cộng sự chừng 50 người, phần đông là phụ nữ, những người muốn tạo nguồn thu độc lập, tránh phụ thuộc vào “ông xã”, Công ty Towa Okamisan Ichi làm mọi việc, từ cung cấp rau cho trường học, đi toàn thành phố để trình diễn món ăn, mở lớp dạy nấu các món ăn địa phương, truyền thông cho trẻ em, tạo sự giao lưu kết nối giữa người dân các địa phương, tổ chức buffet để duy trì văn hóa ẩm thực địa phương…Nhờ duy trì chất lượng nên ngày càng nhiều người ưa chuộng.

Trước khi thành lập công ty, nhóm Towa Okamisan Ichi được chính quyền địa phương tài trợ trong khung chính sách phát triển kinh tế và cộng đồng của Towa. Năm 2015 nhóm này được hỗ trợ kinh phí 1.500.000 yên (3/4 tổng chi phí), cử cán bộ tư vấn, giúp tổ chức sự kiện và thu gom sản phẩm.

“Chính phủ Nhật Bản có chính sách bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm từ địa phương đó, bảo hộ nhãn hiệu tập thể địa phương đó”, Giáo sư Fukui Takashi, nói tiếp: “Táo của Nhật có rất nhiều siêu thị Việt Nam, nghe đến táo là nghĩ đến tỉnh Aomori, rất nổi tiếng với táo Aomori. Mỗi năm bán táo được 1.000 tỉ yên.”

Hoàng Lam - Nam Việt (TGTT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem