Chuyên gia nói về giá xăng dầu: Cách tính vẫn thiếu minh bạch

Mai Hương Thứ tư, ngày 09/07/2014 07:21 AM (GMT+7)
Chưa trao quyền định giá cho doanh nghiệp (DN), mà chỉ sau 2 tuần giá xăng dầu lại tăng lên mức kỷ lục- hơn 26.000 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng, sắp tới khi nghị định xăng dầu được Chính phủ ban hành, giá xăng dầu sẽ còn được các DN đẩy lên “chóng mặt”...
Bình luận 0

Liên tục tăng, vẫn “phù hợp”

Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính ngày 8.7, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá thừa nhận: Mặt hàng xăng đã điều chỉnh tăng giá 5 lần từ đầu năm tới nay với tổng cộng 1.430 đồng/lít. Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh ông Tuấn đều đánh giá, “phù hợp với thị trường để tránh sốc về giá”. Nhờ “sự điều chỉnh phù hợp” này nên 6 tháng qua lạm phát chỉ ở mức 1,38% thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Giải thích về việc giá xăng dầu chỉ sau 2 tuần điều chỉnh tăng lại tiếp tục tăng lên, ông Tuấn cho biết, theo quy định, chu kỳ tính giá là 10 ngày. Từ 20.6 tới nay đã hơn 10 ngày của chu kỳ này. Bộ Tài chính luôn công khai giá các mặt hàng xăng dầu trên Cổng thông tin điện tử để người dân theo dõi, giám sát.

Nếu theo dõi sẽ thấy 1 tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục và tăng cao. Gần đây nhất, ngày 6.7 biến động giá xăng dầu từ 116 USD/thùng lên tới 126 USD/thùng vào 1.7. Tính bình quân một tháng gần đây thì giá xăng dầu ở mức 122 USD/thùng.

Quan điểm
img
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
  Thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa nên doanh nghiệp tăng giá đều được lý giải là phù hợp, còn người dân không có quyền lựa chọn giá khi mua xăng... 
“Chênh lệch giá giữa giá cơ sở và bán lẻ quá lớn, do vậy, các DN xăng dầu hoàn toàn có quyền điều hành giá phù hợp với biến động của giá cơ sở”- ông Tuấn nói. Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã điều hành theo hướng điều chỉnh tăng giá, kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và Nhà nước.

 

“Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá 500 đồng/lít thì xăng còn tăng giá nhiều hơn mức hiện nay. Bởi theo giải thích của ông Tuấn, chênh lệch giá bán và giá cơ sở là 918 đồng, dùng quỹ bình ổn giá 500 đ/lít, phần còn lại 418 đồng/lít thì các DN điều chỉnh tối đa 410 đồng/lít xăng là phù hợp”-ông Tuấn nói.

Chưa tính đến lợi ích người dân...

Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang chỉ đảm bảo lợi nhuận cho các DN xăng dầu chứ chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. “Người tiêu dùng kêu ở đây là kinh doanh xăng dầu vẫn đang thiếu minh bạch, dẫn tới giá cả thiếu minh bạch. Người dân khó có thể giám sát việc tăng giá của DN nếu chỉ dựa trên các thông tin được công bố này, vì người dân không thể biết, giá xăng dầu thực sự được hình thành như thế nào”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Rõ ràng, quyền lợi người tiêu dùng ở đây đã không được đặt nặng. Thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa nên DN tăng giá đều được lý giải là phù hợp, còn người dân, DN không có quyền lựa chọn giá khi mua xăng nên nói đúng thì quyền lợi của người dân sẽ chỉ ở trong tay một vài DN xăng dầu lớn như hiện nay”.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các DN giải thể, phá sản 6 tháng đầu năm nay khá lớn, song các DN trong các ngành như điện, xăng dầu vẫn “ung dung”, không lo lỗ vì kinh doanh độc quyền và phải có lãi. Thực tế, mỗi lần báo cáo tài chính, lãi của các ngành điện, xăng dầu bất chấp khó khăn của nền kinh tế đều đưa lại các con số khủng. Điệp khúc người tiêu dùng kêu thì cứ kêu còn giá xăng dầu, điện nước thì vẫn cứ tăng vù vù xem ra khó có thể thay đổi được...

 "Người dân khó có thể giám sát việc tăng giá của DN nếu chỉ dựa trên các thông tin được công bố này, vì người dân không thể biết, giá xăng dầu thực sự được hình thành như thế nào”.
Bà Phạm Chi Lan
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem