Tên lửa Triều Tiên giới thiệu trong cuộc duyệt binh hồi tháng 4.
Theo Washington Post, 4 tháng trước vụ thử tên lửa ngày 4.7, Triều Tiên đã cho thế giới thấy công nghệ động cơ tên lửa mới nhất của nước này. Bình Nhưỡng tuyên bố động cơ này đủ sức đưa đầu đạn đến các thành phố Mỹ.
Đoạn video do truyền hình nhà nước Triều Tiên đăng tải cho thấy cỗ máy rất giống với phiên bản của Liên Xô.
“Điều này khiến tôi cảm thấy sốc”, Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói. Elleman nhận ra sự giống nhau giữa động cơ mà Triều Tiên thử từ hồi tháng 3 với loại Nga sử dụng vào cuối Chiến tranh Lạnh.
Elleman, người từng là cố vấn của Lầu Năm Góc và nhiều chuyên gia Mỹ khác đều xác nhận rằng, thiết kế động cơ tên lửa của Triều Tiên có nhiều nét tương đồng với loại mà Liên Xô từng sử dụng từ những năm 1960, gọi là R-250.
Sau vụ thử ICBM của Triều Tiên, nhiều chuyên gia tự hỏi: “Làm thế nào chương trình tên lửa của Triều Tiên có thể tiến bộ nhanh chóng đến thế bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế và cấm xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang nước này?”
Thu thập công nghệ Liên Xô
R-27 của Liên Xô trở thành nguyên mẫu cho tên lửa Hwasong-10 Triều Tiên.
Một số chuyên gia vũ khí tin rằng sự tiến bộ thời gian qua phản ánh năng lực kỹ thuật quốc phòng thực sự của Triều Tiên. Số khác cho rằng thành công của Triều Tiên nhờ nhân tố bên ngoài tác động.
Đó có thể là các nhà khoa học Nga cung cấp thiết kế hoặc công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị giúp Triều Tiên chế tạo hệ thống dẫn đường cho tên lửa hiện đại.
Theo Washington Post, nhiều khả năng Triều Tiên đã nắm trong tay thiết kế tên lửa từ thời Liên Xô.
Ngày 15.10.1992, có 60 nhà khoa học tên lửa Nga cùng với người thân đã bị chặn lại ở sân bay Sheremetyevo-2, khi đang định lên đường sang Triều Tiên. Các nhà khoa học này cho biết họ được một tập đoàn thuê để giúp Triều Tiên xây dựng một hạm đội tên lửa hiện đại.
Ở thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà khoa học Nga không có nhiều dự án để làm và họ hướng đến nước ngoài để kiếm thêm thu nhập. “Chúng tôi muốn kiếm tiền rồi trở về nước”, một trong những nhà khoa học lúc đó giải thích với phóng viên Nga.
Washington Post cho rằng, nhiều nhà khoa học Nga đã thực sự sang được Triều Tiên, mang theo khối kiến thức và kinh nghiệm hàng thập kỷ, cùng với các phần của những bản thiết kế vũ khí.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 lần đầu được phóng thử ngày 4.7.
Điều này khởi đầu cho sự ảnh hưởng của các yếu tố Nga đối với kho tên lửa của Triều Tiên, trong đó phần lớn là các loại vũ khí cũ như tên lửa Scud đời đầu.
Cũng trong khoảng thời gian này, Triều Tiên đã có được công nghệ hạt nhân từ nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan.
Chính phủ Nga khẳng định họ không liên quan đến việc bí mật chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Nhưng các chuyên gia cho rằng thiết kế Liên Xô đã trở thành hình mẫu cho loạt tên lửa đạn đạo tầm trung mà Triều Tiên chế tạo và thử nghiệm trong suốt 2 thập kỷ sau này.
Nhân tố Kim Jong-un
Ngoài chiến lược thu thập bí mật công nghệ của Liên Xô, nhân tố mới đưa Triều Tiên đến với thành công trong việc phát triển tên lửa tầm xa chính là nhà lãnh đạo Kim Jong-un, theo Washington Post.
“Ông Kim hoàn toàn nghiêm túc và bày tỏ sự quyết tâm trong việc phát triển loại tên lửa đủ sức đe dọa Mỹ”, Elleman nói.
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, Bình Nhưỡng cũng đã tự mình thêm vào một số tính năng riêng.
Màn pháo hoa ăn mừng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-14 thành công.
Giới chức Mỹ coi tên lửa Hwasong-10, loại tên lửa đạn đạo tầm trung đủ sức bắn tới căn cứ Guam, là phiên bản Triều Tiên của tên lửa R-27 Zyb Nga. Thiết kế tên lửa được cho là thu thập từ Nga những năm 1990 và Triều Tiên tự bắt tay vào sản xuất.
Chuyên gia Elleman tin rằng động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng được phát triển theo hướng này, nghĩa là tìm cách mua thiết kế từ thị trường chợ đen rồi công khai chế tạo như một phần của chương trình tên lửa mang động cơ mới.
“Quá trình phát triển không hề đơn giản, Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tên lửa trong 15 năm qua. Đây là bước khởi đầu cho sự xuất hiện của nhiều tên lửa tầm xa hiện đại dưới thời Kim Jong-un”, ông Elleman nói.
Cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David S. Cohen nhận định, dù công nghệ tên lửa Triều Tiên đi sau Mỹ hàng thập kỷ, nhưng giới lãnh đạo nước này đã thể hiện quyết tâm đạt thành công bất chấp cô lập và cấm vận.
“Thật là sai lầm khi nghĩ rằng đây chỉ là một quốc gia bị cô lập và không được tiếp cận Internet”, Cohen nhấn mạnh. “Họ có rất nhiều bất lợi nhưng vẫn vượt qua để đạt bước tiến lớn trong công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa. Điều tôi lo ngại nhất là mọi người đang đánh giá thấp Triều Tiên”.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hút thuốc ngay gần quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.