Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng hàng đầu.
Trong bài xã luận đăng tải ngày 20.6 trên nhật báo Cumhuriyet, ông Guller cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên kỳ cựu, gia nhập cách đây 70 năm nhưng “chẳng được hưởng bất kì lợi ích nào”, theo Sputnik. Cumhuriyet là nhật báo được đánh giá uy tín, xuất bản lần đầu năm 1924, có trụ sở tại thành phố Istanbul.
Ông Guller bác bỏ những lo ngại cho rằng Mỹ có thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO để rộng cửa kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Theo chuyên gia Guller, một NATO “không có Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm phá sản kế hoạch của Mỹ về việc biến Biển Đen thành vùng biển NATO”.
“Xa hơn nữa, NATO không có Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa rằng Mỹ mất ảnh hưởng ở vùng Caucasus và mục tiêu lâu dài là chi phối vùng Trung Á”, ông Guller nhận định.
Theo ông Guller, NATO không có Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến việc thể chế hóa quan hệ hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran và không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Sáng kiến Đối tác Á-Âu Mở rộng do Moscow khởi xướng. Ankara cũng có cơ hội “xây dựng một thế giới mới” cùng với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Như vậy, Mỹ không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO mà ngược lại, sẽ làm mọi cách để giữ lại Ankara. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ và NATO có “lợi ích mạnh mẽ trong việc cố gắng giữ Thổ Nhĩ Kỳ gắn bó với phương Tây và thúc đẩy liên kết trong các vấn đề quan trọng khác”.
Tuy nhiên, ông Guller cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần luôn sẵn sàng “giải thoát khỏi sự trói buộc nếu cần thiết” và tự đưa ra những quyết sách riêng không cần phải tuân theo ý muốn của Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ những năm qua trở nên căng thẳng khi Washington loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích F-35, không giao nộp giáo sĩ Fethullah Gulen, hỗ trợ đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là người Kurd. Washington cũng bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào năm 2016.
Gần đây, Mỹ công khai ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bất chấp việc hai nước này có căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ “về vấn đề chứa chấp khủng bố và cấm vận vũ khí”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố cứng rắn rằng không đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập nếu hai nước này không đồng ý với bản yêu sách gồm 10 điểm mà Ankara đã đưa ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.