Chuyên gia từ VCCI: "Ngồi không" cũng có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại

An Linh Thứ hai, ngày 26/12/2022 12:00 PM (GMT+7)
Chúng ta không làm gì, không bán phá giá vẫn bị kiện như bình thường, hay nói vui là ngồi không cũng bị kiện.
Bình luận 0

Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với PV Dân Việt xung quanh câu chuyện doanh nghiệp Việt chủ động thế nào trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Chuyên gia từ VCCI: "Ngồi không" cũng có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo đại diện VCCI, không giống như một số ngành nghề khác thường xuyên bị điều tra về C/O, ngành thuỷ sản Việt Nam với lợi thế về chi phí sản xuất và giá thành rẻ, vì vậy luôn bị các nước, nhất là thị trường Mỹ kiện chống bán phá giá.

Bà Trang cho rằng, thực tế các điều tra về C/O bản chất là xuất xứ là tránh chống lẩn tránh thuế. Chúng ta bị vạ lây vì sử dụng nguyên phụ liệu của những đối tượng bị áp thuế từ các nước bị áp thuế. Đối với ngành thủy sản, nguy cơ bị kiện lẩn tránh thuế không quá lớn vì chúng ta tương đối tự chủ về nguyên liệu và sản xuất.

Thế nhưng, không có nghĩa là ngành thủy sản "miễn dịch" trước các nguy cơ này. Ngành thủy sản đang gia tăng chế biến mạnh nhưng nguồn chế biến không tăng tương ứng do đó chúng ta phải tăng nhập khẩu. 

Từ đó, có thể tạo ra nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế. Với chống bán phá giá, không phải ngành nào có lợi thế về chi phí thấp, giá thành rẻ mới có nguy cơ, mà bất cứ ngành nào cũng có thể đối mặt với nguy cơ này.

Thậm chí, nước nhập khẩu còn lạm dụng các biện pháp đó. Tôi còn nhớ trong vụ điều tra đầu tiên các DN cá tra, cá basa còn rất bỡ ngỡ và cảm thấy bức xúc rằng "mình đâu có bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường", nhưng thực tế nước nhập khẩu lạm dụng biện pháp đó thì DN không làm gì DN cũng bị kiện. 

Thị trường lớn không công nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường, nên luôn luôn bị kiện và bị áp thuế cao.

"Có một điểm tôi nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản được cải thiện nhanh chóng. Hiện ngành thủy sản là đối thủ đáng gờm cửa bất kỳ nguồn cung thủy sản nào ở bất cứ thị trường nào, thậm chí đe dọa với nguồn cung nội địa của nước nhập khẩu", bà Trang nói.

Theo đại diện VCCI, chúng ta không làm gì, không bán phá giá vẫn bị kiện như bình thường, hay nói vui là ngồi không cũng bị kiện. Chính vì vậy, câu chuyện ở đây là chúng ta phải "sống chung với lũ", chấp nhận nó. 

"Phải luôn sẵn sàng đối mặt với các biện pháp PVTM, theo dõi sát tình hình để không bị bắt ngờ, có chiến lược kháng kiện phù hợp, hiệu quả. Ngành thủy sản là ngành vô địch trong hội nhập, ứng phó với PVTM, là tấm gương cho các ngành khác", đại diện VCCI cho hay.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, các vụ PVTM gia tăng do guyên nhân thứ nhất và cũng là lớn nhất đó chính là năng lực và khả năng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay chúng ta thực hiện mở cửa, tham ra nhiều Hiệp định thương mại song phương trên thế giới. 

Nguyên nhân thứ 2, trước tác động của dịch Covid, nhiều nước nhiều ngành gặp khó khăn, chính vì thế nhiều nước họ có nhiều biện pháp bảo vệ ngành trong nước, ngành công nghiệp nền tảng, có thể liên quan đến an ninh quốc gia như ngành thép, vì thế họ có nhiều biện pháp ngăn chặn nhập khẩu họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. 

Yếu tố thứ 3, đó là một số nước có nền kinh tế lớn có nền cạnh tranh, họ sẽ định hình lại chuỗi cung ứng, rộng hơn là các liên kết kinh tế. Đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta, họ kiểm tra chặt chẽ hơn về nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, trong năm 2022, trong các biện pháp phòng vệ thương mại mới, chống lẩn tránh thuế tương đối lớn. Vì thế, chúng ta cần lưu ý, khi nhập nguyên liệu từ các nước khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem