Chuyên gia Úc: Ít nhất 5 năm nữa mới có vaccine phòng dịch tả lợn

Trần Khánh Thứ năm, ngày 28/11/2019 18:12 PM (GMT+7)
Úc là nước mới nhất lên tiếng cảnh báo khả năng lây nhiễm dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Các biện pháp truyền thống vẫn được ưu tiên sử dụng, bởi theo nhận định, phải mất ít nhất 5 năm nữa mới có vaccine phòng chống loại dịch bệnh này.
Bình luận 0

Hiện DTLCP đang lan nhanh chóng trên khắp châu Á. Đông Timor, một trong những nước láng giềng gần Úc nhất, đã báo cáo có dịch bùng phát.

img

Nếu dịch bệnh này xâm nhập vào, Úc vẫn sử dụng các phương pháp dịch bệnh truyền thống để kiểm soát bệnh.

Tại Phòng thí nghiệm Sức khỏe Động vật Úc ở bang Victoria, TS Trevor Drew đánh giá, ít nhất phải mất 5 năm nữa mới có vaccine hữu hiệu bảo vệ đàn lợn.

Chưa có vaccine, Úc vẫn sử dụng các phương pháp kiểm soát dịch bệnh truyền thống nếu dịch bệnh này xâm nhập vào. Lợn nhiễm bệnh sẽ bị tiêu hủy, xác lợn bệnh được chôn lấp, và các trang trại được khử trùng.

Sau đợt bùng phát virus tại Trung Quốc, các chuyên gia thế giới ước tính trên thế giới cứ 4 con lợn thì có 1 con đã chết.

Tại Hội nghị lần 3 nhóm chuyên gia quốc tế về DTLCP diễn ra ở TP.HCM từ ngày 28/11, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có gần 9.000 điểm bùng phát dịch.

TS Lucia Escati của OIE nhận định: Virus DTLCP đặt ra khá nhiều thách thức trong việc kiểm soát và diệt trừ vì chưa có vaccine. Virus này có sức đề kháng cao, sống bền bỉ trong môi trường, thân thịt và các sản phẩm lợn chưa nấu chín.

img

Việc khống chế virus DTLCP ở châu Á đặt ra những thách thức.

Việc khống chế virus DTLCP ở châu Á cũng lại đặt ra những thách thức khác vì đây là nơi có mật độ chăn nuôi lợn cao, chuỗi giá trị phức tạp cùng với nhiều căn bệnh đặc hữu khác đang tác động trên đàn lợn.

Ít nhất 60% tổng đàn lợn thế giới tập trung ở phía Đông và Đông Nam châu Á. Đây cũng là khu vực có hoạt động xuyên biên giới quốc gia. Các thực hành văn hóa xung quanh việc sử dụng lợn và tiêu thụ thực phẩm có thể tạo ra thêm nhiều con đường rủi ro cho việc lây nhiễm.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, ngay khi xuất hiện DTLCP ở các nước láng giềng, nhiều giải pháp phòng chống đã được tại Việt Nam triển khai. Những nỗ lực này của Việt Nam đã được các chuyên gia ghi nhận.

Tuy nhiên, đường truyền lây rất của virus phức tạp. “Do đó, nếu không có giải pháp hữu hiệu, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại và trở thành thách thức lớn cho ngành chăn nuôi”, ông Tiến nói.

img

Trong nước, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp tối ưu lúc này

Ngay tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết dù đã rất nỗ lực khống chế nhưng DTLCP cũng đã làm thiệt hại rất nặng cho đàn lợn của tỉnh. Hiện đàn lợn trên địa bàn còn khoảng 1,4 triệu con, giảm gần 50% so với thời điểm tháng 4.

Giá lợn hiện đang ở mức cao từ 72.000 - 75.000 đồng/kg và có khả năng tiếp tục biến động tăng. Điều này không chỉ đến nhu tác động đến nhu cầu sử dụng thịt lợn của người tiêu dùng mà còn khiến sản xuất chăn nuôi không bền vững.

“Một trong những giải pháp nhằm góp phần ổn định cung cầu, bình ổn giá cả và phát triển đàn lợn bền vững là từng bước tổ chức chặc chẽ tái đàn lợn trên địa bàn bằng giải pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y) cho rằng, việc phòng bệnh trong chăn nuôi và tái đàn heo hiện nay mấu chốt vẫn là an toàn sinh học. “Trong đó, chăn nuôi qui mô lớn có thể thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì khó hoặc không thể nào phòng được”, ông Long nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem