Chuyên gia Việt Nam: Triều Tiên không doạ suông

Thuý Đăng Thứ năm, ngày 31/08/2017 07:30 AM (GMT+7)
"Triều Tiên không doạ suông, nhưng họ có mục đích riêng của họ chứ không phải để đánh nhau, gây chiến tranh với Mỹ", Tiến sĩ Trần Việt Thái-Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định khi trả lời phỏng vấn của Dân Việt.
Bình luận 0

img

Hình ảnh tên lửa Triều Tiên do KCNA công bố ngày 30.8. Ảnh Reuters

Ngày 29.8, một tên lửa của Triều Tiên đã bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, khiến hàng triệu người dân miền bắc nước Nhật được báo động. Trước đó hai tuần, Bình Nhưỡng cũng đã đe dọa bắn 4 tên lửa đạn đạo sang đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Ông đánh giá như thế nào về những động thái của Triều Tiên?

- Lần thử mới nhất của Triều Tiên ngày 29.8 là thử tên lửa tầm ngắn mà trong đánh giá của giới quân sự, ý nghĩa của việc thử tên lửa tầm ngắn và tên lửa đạn đạo là hoàn toàn khác nhau. Ngay cả Hàn Quốc lần này cũng không khẳng định là Triều Tiên đã thử tên lửa hay đạn pháo.

Lần thử này, Triều Tiên đã nhằm vào vùng biển Đông Bắc, không nhằm đi đâu và nhằm vào ai cụ thể. Trong lúc đó, Nhật Bản và Mỹ cũng tính được đường đi của tên lửa này. Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa bay qua nước Nhật sáng 29.8  là một tên lửa tầm ngắn, đạt độ cao 550 km và bay được 2.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera đã nói rằng, do tên lửa bay qua không phận Hokkaido trong hai phút, được ước tính không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, nên Tokyo đã không đáp trả.

Việc bắn tên lửa tầm ngắn lần này, Triều Tiên muốn thể hiện thái độ với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, trong đó mục đích đe doạ là chủ yếu.

img

Ông Trần Việt Thái. Ảnh VGP

Theo ông, việc phóng tên lửa lần này của Triều Tiên liệu có phải là cuộc tập dượt để tấn công vào đảo Guam của Mỹ như lời đe doạ trước đó của chính quyền ông Kim Jong Un?

-Nếu nói đây là cuộc tập dượt để tấn công Guam thì không hẳn và không có cơ sở. Nếu nhằm vào Guam thì phải bắn hướng ngược lại là hướng Đông Nam chứ không phải Đông Bắc như tên lửa mà Triều Tiên đã phóng đi sáng 29.8.

Tại đảo Guam, nơi Triều Tiên khẳng định chỉ cần 18 phút để tên lửa Hwasong-12 vượt 3.300 km đến nơi, cấp độ cảnh báo vẫn ở mức bình thường.

Những động thái của Triều Tiên gần đây, các vụ thử tên lửa bất chấp dư luận quốc tế và sự răn đe quân sự từ Mỹ, liệu Triều Tiên có đang tạo ra “tiêu chuẩn mới” cho việc phô trương sức mạnh hay chỉ đơn giản là đe doạ suông, thưa ông?

-Triều Tiên muốn cả thế giới biết về chương trình hạt nhân của họ và muốn chứng tỏ họ có tiến bộ về mặt công nghệ hạt nhân và quan trọng hơn cả, họ muốn chuyển những tiến bộ đó sang bàn đàm phán.

Mục đích trên hết của Triều Tiên là muốn Mỹ và thế giới  công nhận họ là một cường quốc hạt nhân, để từ đó Bình Nhưỡng tạo ưu thế, vai vế trên bàn đàm phán, tạo ra sức ép với dư luận. Việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo, đồng thời đe doạ tấn công Mỹ thực chất là vậy, chỉ để tạo thế trên bàn đàm phán, nhưng Mỹ không đồng ý và như vậy, Triều Tiên sẽ chưa dừng những hành động khiêu khích và các vụ thử tiếp theo. Vì những lý do đó, tôi cho rằng Triều Tiên không doạ suông, nhưng họ có mục đích riêng của họ chứ không phải để đánh nhau, gây chiến tranh với Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 30.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng gạt bỏ mọi cuộc đàm phán ngoại giao với Triều Tiên khi cho rằng "đối thoại không phải là giải pháp", chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh: "Mỹ đã đàm phán với Triều Tiên và bị họ tống tiền trong suốt 25 năm. Đối thoại không phải là giải pháp!". Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo tại Lầu Năm Góc để thảo luận về các biện pháp đáp trả trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ngày 29.8 đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố “cực lực lên án” vụ bắn tên lửa Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.

Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thi hành “nghiêm chỉnh và đầy đủ” các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Triều Tiên.

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tuyên bố rằng “ mọi phương án đang nằm trên bàn”. Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hợp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Triều Tiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem