Đó là ý kiến của ông Dean Cira - chuyên gia về đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12.7, khi giải "bài toán" đô thị hóa ở VN, ngày 12.7.
Ông Dean Cira cho biết: Mật độ dân số trung bình của Hà Nội thấp hơn so với Seoul (Hàn Quốc), Thiên Tân và Hongkong (Trung Quốc) - những thành phố được coi là khá dễ sống. Các nhà quy hoạch đô thị ở VN cũng như ở bất cứ đâu cần phải tập trung vào đảm bảo tính linh động cho lực lượng lao động và người tiêu dùng, cũng như mức giá nhà đất hợp lý cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Về mặt này, các nhà quy hoạch của VN có thể làm tốt hơn nhiều.
|
Theo ông Dean Cira, VN không nên cố gắng hạn chế di cư đến các thành phố. |
Trong khi mật độ dân số của Hà Nội có thể không đặc biệt dày đặc so với các thành phố châu Á khác, nhưng Hà Nội lại thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ dân cư của mình. Người Hà Nội chỉ thực hiện 60 chuyến đi mỗi năm, so với 250 chuyến của người dân ở Barcelona (Tây Ban Nha) - một thành phố với mật độ dân cư tương đương. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở hạ tầng giao thông.
Vấn đề ở đây là các nhà quy hoạch của VN cần tập trung không chỉ vào xây dựng đô thị và các tòa nhà mới, mà còn phải đảm bảo tính linh động trên phạm vi rộng cho người dân và khả năng chi trả giá nhà đất thông qua quy hoạch hợp lý và duy trì tuần tự quá trình phát triển; với trọng tâm chính là sự thống nhất giữa phát triển nhà đất với giao thông vận tải.
Theo ông, VN có nên ngăn chặn hoặc hạn chế dòng nhập cư vào thành phố?
- Có một số bằng chứng cho thấy ở VN, khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ bản ở khu vực thành thị tốt hơn khu vực nông thôn, và ở đô thị lớn tốt hơn đô thị nhỏ. Đây là một lý do phổ biến khiến người dân di cư từ nông thôn đến các khu vực đô thị. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy phần lớn người VN đang di dân đến thành phố vì cơ hội kinh tế tốt hơn (nhân tố kéo) chứ không phải là vì thiếu các dịch vụ ở khu vực nông thôn (nhân tố đẩy).
Đô thị hoá không đảm bảo tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nhưng là một phần không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi của VN từ quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và cao hơn nữa, điều này cũng phụ thuộc khá nhiều vào việc VN quản lý quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông thôn sang thành thị như thế nào.
“Đô thị hoá không đảm bảo tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nhưng là một phần không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và cao hơn nữa”.
Chuyên gia Dean Cira
Thực tế thì VN có quá lo ngại về quá trình đô thị hoá không, thưa ông?
- Gần như tất cả các quốc gia đều đô thị hóa ít nhất 50% trước khi trở thành nước thu nhập trung bình đầy đủ. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mốc này vào năm 2025. Đây là những lý do quan trọng khiến chúng ta không nên cố gắng hạn chế di cư đến các thành phố.
Tuy nhiên, VN sẽ cần phải cẩn trọng cân bằng những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng như khả năng tăng chi phí do tắc nghẽn giao thông, bất bình đẳng vùng miền, gia tăng đói nghèo đô thị, ô nhiễm đô thị và tăng giá cả nhà đất.
Đồng thời, VN phải sẵn sàng để sử dụng đô thị hóa như một công cụ để duy trì tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là, phải đảm bảo khả năng cạnh tranh kinh tế của các vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo tính bền vững kinh tế, xã hội và môi trường của các thành phố, làm cho những nơi này trở thành thành phố mơ ước của tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Thúy Đăng (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.