Có một công việc thầm lặng, đến mức “bí mật” vì nó vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong cất giữ hàng hóa, lại phải đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta. Đó là điều tôi cảm nhận được sau khi đến thăm những cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo quản súng đạn ở kho KV2, đóng tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Bước vào “làng lửa” Mặc dù đã có công văn và sự chỉ đạo của cấp trên từ trước, lại cùng là nhà binh với nhau, nhưng khi xe của chúng tôi đến cổng kho KV2, đại tá Trương Ngọc Sơn - cán bộ Phòng Thi đua - Khen thưởng của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐNDVN) - người dẫn đoàn công tác vẫn phải vào “báo cáo” với mấy anh vệ binh.
Sau khi làm mọi thủ tục cần thiết, anh Sơn lên xe nói: “Vào các đơn vị chiến đấu khác thì đơn giản hơn vì là bộ đội với nhau, nhưng vào kho KV2 này thì mình phải tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn do họ đề ra”.
Xe qua khỏi cổng gác, chúng tôi chính thức đã được vào bên trong của “làng lửa”, nhưng nó hoàn toàn không giống những gì chúng tôi nghĩ về kho chứa các loại đạn, tên lửa này là phải hàng rào kẽm gai giăng kín, rồi nhà kho với tường cao hào sâu, nội bất xuất ngoại bất nhập... Thay vào đó là một thảm thực vật xanh đến ngút ngàn, những con bò, con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, từng đàn lợn rừng chạy tung tăng... Nó giống như một trại sản xuất chăn nuôi hơn là một nơi chứa vũ khí, khí tài đặc chủng.
Tiếp chúng tôi, đại tá Bùi Đình Vân - Chính ủy kho cho hay, KV2 thuộc Cục Quân khí, được thành lập từ năm 1979 có nhiệm vụ là kho đạn dự trữ chiến lược của Bộ Quốc phòng, đảm bảo sẵn sàng cấp phát tiếp nhận đạn dược cho các đơn vị hướng tuyến phía Bắc, Đông Bắc huấn luyện sẵn sàng cơ động và chiến đấu.
Giải thích về việc đoàn công tác cũng phải làm mọi thủ tục an toàn khi vào kho, trung tá Trần Văn Thắng - Chỉ huy lực lượng cảnh vệ của kho KV2 cho hay: Ngay cả cán bộ chiến sĩ, công nhân viên khi vào kho làm nhiệm vụ, lực lượng an ninh bảo vệ kho cũng phải thẩm tra. Còn khi vào làm rồi thì thủ kho, bảo quản viên hàng ngày vẫn phải nộp sổ bảo mật văn thư lưu trữ.
Riêng với kho KV2, đơn vị phải thiết lập tới 2 vành đai an toàn, vành đai ngoài được xây bằng tường bao, vành đai trong được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai, và liên tục có 2 vòng bảo vệ vừa đi tuần vừa cắm chốt bảo vệ suốt ngày đêm. Đơn vị thường xuyên xây dựng những phương án phòng chống cháy nổ, đánh địch tập kích, phòng chống bạo loạn...
Nơi “khám bệnh” âm thầmKho KV2 không chỉ là nơi cất giữ đạn dược, mà nhiệm vụ của những cán bộ chiến sĩ ở đây còn là bảo quản, sửa chữa những quả đạn lớn. Chúng tôi gọi đó là “khám bệnh” cho đạn, đây là một công việc lặp đi lặp lại một cách tỉ mỉ đến mức nhàm chán.
Với những người ngày đêm “khám bệnh” cho đạn, thì ngoài việc phải giữ gìn đạn dược luôn ở trạng thái tốt nhất để sẵn sàng chiến đấu, thì 1 nhiệm vụ bắt buộc là tính an toàn phải được đặt lên hàng đầu, bởi lúc nào họ cũng phải tiếp xúc với những quả đạn có sức công phá khủng khiếp, nếu mắc sai lầm thì sẽ bị trả giá bằng tính mạng của mình và các đồng đội. Nhưng khi làm chủ được kỹ thuật rồi, thì họ không hề run sợ mà luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí dũng cảm của người lính Cụ Hồ.
Với sự sáng tạo và ý chí vươn lên của những người lính, họ đã biết biến cuộc sống nguyên tắc của mình thành một nơi sinh động và đáng yêu hơn, để nhà kho của họ, không chỉ có “giữ lửa” mà còn là một ngôi làng với những sự sống sinh động, yên lành.
|
Tại trạm sửa chữa đạn của kho KV2, những người thợ sửa đạn lúc nào cũng cần mẫn như ong thợ, họ làm việc theo sự phân công nhiệm vụ của mình và hầu như làm việc theo ký hiệu vì phải hạn chế nói.
Anh Nguyễn Thế Phát là thợ sửa chữa lâu năm ở trạm này tranh thủ lúc giờ nghỉ sau khi tháo nút phòng ẩm của quả đạn pháo 85mm đã nói với chúng tôi: Để làm được công việc ở trạm sửa chữa này, ít nhất chúng tôi cũng phải có trình độ sơ cấp về đạn, và phải tuân thủ kỷ luật lao động vô cùng nghiêm ngặt.
Tuy chúng tôi đã là công nhân viên có thâm niên hàng chục năm rồi, nhưng mỗi khi vào làm việc đều được bộ phận an ninh kiểm tra rất kỹ, nghiêm cấm mang theo điện thoại di động, bật lửa, và nói chuyện trong giờ làm việc. Khi làm không được nghĩ về bất cứ điều gì khác mà phải thực hiện nghiêm công việc mình được giao, khi nghỉ giải lao cũng phải ra vị trí quy định để uống nước nói chuyện...
Anh Phát giảng giải cho chúng tôi hay về công việc bảo quản đạn hàng ngày: Đạn được đưa từ kho vào trạm sửa chữa, đầu tiên là mở hòm, sau đó cạo mỡ, tháo nút phòng ẩm, kiểm tra bề mặt thuốc nổ, tẩy gỉ thân đạn, lau sạch, lau khô, sơn đầu đạn, in ký hiệu, bao gói và vận chuyển về kho. Đó chỉ là những đầu việc chính, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất là một công việc vô cùng tỉ mỉ và kiên trì.
Anh Phát ví dụ: Chỉ trong công đoạn kiểm tra bề mặt thuốc nổ thôi, có những quả đạn tuổi đã gần 4 thập kỷ thì chúng tôi phải lấy thuốc phóng ra, đi hóa nghiệm xem có đủ tiêu chuẩn không? Nếu mọi tiêu chí thông số kỹ thuật trong ngưỡng cho phép thì tiếp tục được sử dụng lại, còn nếu thuốc phóng hỏng thì quả đạn đó phải hủy, có như vậy mới đảm bảo duy trì trạng thái và phát huy được tính năng, hiệu quả của đạn trong khi sử dụng vào công tác huấn luyện, chiến đấu.
Ngoài công tác khám bệnh cho đạn tại trạm sửa chữa, những người lính ở kho KV2 cũng có một nhiệm vụ quan trọng khác là chăm sóc cho những quả đạn ở trong nhà kho. Dẫn chúng tôi vào tham quan nhà kho số 22 nơi bảo quản đạn hỏa tiễn Kachiusa, thượng úy Lê Ngọc Đương - trợ lý kỹ thuật của đơn vị cho biết, đối với công tác bảo quản trong kho, ngoài những việc kê dồn dịch, từng lô từng số của đạn, đảm bảo không bị ẩm mốc, mối mọt tấn công thì phải lo đảm bảo an toàn cháy nổ. Đạn cũng rất “đỏng đảnh”, nếu nhiệt độ ngoài trời quá 35 độ C là ngay lập tức người quản lý kho phải bật hệ thống làm mát trên nóc nhà kho được thiết kế bằng dàn mưa nhân tạo, trên nóc nhà kho để hạ nhiệt, đảm bảo cho những quả đạn ngoan ngoãn nằm im như trẻ con ngủ.
Phủ xanh doanh trại
Sau những giờ được thực mục sở thị tìm hiểu những công việc vô cùng vất vả và tỉ mỉ của những người lính kho KV2, chúng tôi được đại tá Bùi Đình Vân bật mí thêm: Đơn vị chúng tôi không chỉ làm tốt nhiệm vụ được cấp trên giao, mà chúng tôi đã biến kho thành một “ốc đảo” xanh bởi đơn vị đã phủ xanh toàn bộ diện tích được phép trồng cây bằng những cây nguyên liệu.
Đơn vị đã phát triển đàn lợn rừng lên đến hơn 300 con, trâu bò có hàng chục con, còn gà thì có lẽ không đếm được vì nhà kho nào cũng nuôi và số lượng thì mỗi ngày một tăng. Hàng năm chúng tôi cũng thu hoạch được hàng chục tấn cá cải thiện cho đời sống bộ đội. Ngoài chăm lo đến vật chất cho cán bộ chiến sĩ, đơn vị còn quan tâm đến công tác giáo dục. Kho cũng có trường mầm non phục vụ công tác chăm sóc con em cán bộ chiến sĩ để họ yên tâm khi làm việc...
Cứ tưởng làm việc ở một tổng kho đạn dự trữ chiến lược như KV2, thì chỉ có biết đến những nguyên tắc, những nhà kho được canh phòng cẩn mật và những quả đạn có sức công phá lớn... Nhưng với sự sáng tạo và ý chí vươn lên của những người lính, họ đã biết biến cuộc sống nguyên tắc của mình thành một nơi sinh động và đáng yêu hơn, để nhà kho của họ, không chỉ có “giữ lửa” mà còn là một ngôi làng với những sự sống sinh động, yên lành.
Nguyễn Gia Tưởng (Nguyễn Gia Tưởng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.