Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên đã tìm đến xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thời gian này cũng đúng là lúc người dân vào vụ thu hoạch mía.
Người dân xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía bán cho thương lái chở đi TP.HCM bán lại cho các quán, cơ sở làm nước ép
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Lý Thị Hiền, ngụ ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình có 2.000m2 đất trồng mía. Hiện số diện tích này đang được thu hoạch để bán cho thương lái chở đi TP.HCM bán lại cho các quán, cơ sở làm nước ép (còn gọi là nước mía).
Người dân đốn mía xong bó lại thành chục bán cho thương lái
"Tôi bán cho thương lái chở đi TP.HCM bán lại cho các quán, cơ sở làm nước ép là vì họ mua được với giá 400 đồng/kg, họ đến tận ruộng thu mua, tôi không cần tốn thêm chi phí thuê nhận công. Nếu tôi để bán cho nhà máy sản xuất đường thì được giá 500 đồng/kg (thương lái mua với giá trên sau đó bán lại cho nhà máy - PV) nhưng phải thuê nhân công thu hoạch với giá 240-250 đồng/kg mía, tức là lỗ hơn so với bán mía để làm nước ép" - bà Hiền nói.
Với mức giá 400 đồng/kí, người dân bị thu lỗ nặng
Theo tính toán của bà Hiền, với mức giá 400 đồng/kg, bà lỗ khoảng 3 triệu đồng cho 1.000m2 mía.
Ông Lý Út Nhiều cùng ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho hay, ở địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu làm nước ép, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.
"Người dân ở đây phần lớn chỉ bán cho thương lái chở đi TP.HCM bán mía ép, tức là làm nước mía. Các thương lái này cho nhân công đến đốn, cân và chở đi, mình không cần phải tốn thêm chi phí lúc thu hoạch nữa. Nếu bán cho nhà máy sản xuất đường ở địa phương thì phải tốn tiền thuê nhân công nhưng nhân công rất khó thuê, nếu thuê được cũng phải giá rất cao" - ông Nhiều nói.
Ông Nhiều có 2.000m2 trồng mía, đợt thu hoạch lần này ông thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.
Ông Lý Út Nhiều buồn rầu vì gặp nhiều khó khăn trong sản xuất mía
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, đến nay, toàn huyện này đã thu hoạch được 1.700ha, trong đó có 1.300ha được bà con bán mía chục, tức là đốn mía xong bó lại thành chục bán cho thương lái. Các thương lái này sẽ chở đi TP.HCM bán lại cho các điểm bán nước mía. Còn lại 450ha bán cho nhà máy đường.
Theo ông Tuấn, năm nay, ở địa phương chỉ còn 1 nhà máy sản xuất mía đường hoạt động, 2 nhà máy còn lại đã đóng cửa, do đó tiến độ thu hoạch rất chậm.
"So với cùng kỳ năm trước thì chậm hơn 2.000ha. Tức là thời điểm này năm trước hơn 50% diện tích đã được thu hoạch rồi nhưng hiện nay chưa tới 30% đã thu hoạch" - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Hiện bà con cần thu hoạch gấp từ 2.000- 2.100ha vì số diện tích này mía đã đạt chữ đường cao rồi, nếu khoảng nửa tháng nữa không thu hoạch kịp mía sẽ xuống lá, khô héo rồi chết dần".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.