Chuyện lạ Sóc Trăng, trồng chanh ngọt trông như trái xoài, chủ vườn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Hồng Cẩm Thứ ba, ngày 22/08/2023 18:57 PM (GMT+7)
Đem cây chanh leo ghép với thân cây nhãn lồng (cây lạc tiên), ông Nguyễn Hữu Công (65 tuổi, ấp Phụng Sơn xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã tạo ra giống chanh leo (chanh dây) ngọt có mùi vị độc lạ, trồng không đủ bán. Ông là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Bình luận 0

Đặc biệt ông Nguyễn Hữu Công, nông dân ấp Phụng Sơn xã Song Phụng, huyện Long Phú là một trong những nông dân đầu tiên ở tỉnh Sóc Trăng ứng dụng thành công công nghệ tưới tự động, tạo thương hiệu cho sản phẩm chanh dây độc lạ và bán hàng thông qua mạng xã hội.

Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hữu Công đến từ tỉnh Sóc Trăng với mô hình trồng chanh dây (chanh leo) vàng, trái ngọt. Clip: Hồng Cẩm.

Ghép cây chanh leo với thân cây nhãn lồng (lạc tiên) ra thứ trái độc lạ

Nhắc đến lão nông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công chanh leo ngọt) rất nhiều người từ miền Bắc tới miền Nam đều biết. Bởi vì những clip ông Sáu Công ghép cây, hướng dẫn kỹ thuật, thu hoạch quả chanh leo ngọt… đầy trên các kênh YouTube, Facebook, Zalo… với lượng người xem cao ngất ngưởng.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công chanh leo ngọt), Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 đến từ ấp Phụng Sơn xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NVCC

Nhớ lại quá trình tìm ra giống chanh leo ngọt độc lạ của mình, ông Sáu Công chia sẻ: Khoảng năm 2015, trong một lần đọc báo ông biết chanh leo là thứ quả rất tốt cho sức khỏe nên đã đặt mua 10 hạt giống về trồng. 

Trong số 10 hạt giống đó thì có 5 hạt nảy mầm nhưng chỉ có 2 dây cho trái và trong 2 dây chanh đó có một dây trái có vị ngọt thanh, không giống như những loại chanh leo khác.

Thích thú với vị ngọt của cây chanh leo quý này, ông Sáu Công bèn tính chuyện nhân giống cây ra trồng. Sau nhiều ngày mày mò trên mạng rồi gọi điện thoại trao đổi kỹ thuật từ các thầy ở Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, ông nắm được kỹ thuật ghép cây thân leo.

Một lần đi vườn, ông thấy quả nhãn lồng chín liền hái ăn. Trong lúc ăn ông chợt phát hiện bên trong quả nhãn lồng hạt, thịt và vị chua, ngọt giống với mùi vị cây chanh dây ngọt của mình. Thế là ông nảy ra suy nghĩ táo bạo: Đem ghép cây chanh leo với thân, gốc cây nhãn lồng.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 2.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 - ông Nguyễn Hữu Công bên giàn chanh leo ngọt sắp thu hoạch của mình. Ảnh: Hồng Cẩm

"Cùng là cây thân leo, cùng cho quả có vị chua, ngọt, nhưng quả cây nhãn lồng có mùi thơm hơn, tiếc là quả cây nhãn lồng quá bé. Đặc biệt cây nhãn lồng sống hoang dã, sức sống mãnh liệt, nếu mình đem 2 thân cây này ghép lại sẽ cho ra 1 loại quả có ưu điểm của 2 loại cây, đó là vị ngọt thanh, và thơm đậm đà, mà cây lại khoẻ"- Ông Sáu Công phân tích.

Nghĩ là làm, ông ra vườn tìm những dây nhãn lồng già, cắt lấy thân và gốc đem về thử nghiệm ghép với thân, cành cây chanh leo ngọt của mình. 

Sau 6 tháng cắt ghép, chăm bẵm, lứa chanh leo gốc nhãn lồng đầu tiên cho trái chín, thật bất ngờ mùi vị đúng như phân tích ban đầu của ông. Quả cây chanh dây có vị ngọt thanh và mùi thơm đậm đà, có hương thơm thoang thoảng của nhãn lồng chín. 

Từ đó ông tiếp tục ghép cây và mạnh dạn cải tạo vườn cam lão của gia đình, nhân rộng ra trồng 200 gốc chanh leo thành phẩm. Số chanh leo giống còn lại ông mang cho bà con trong xóm trồng thử người vài dây.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 3.

Chanh leo ngọt của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 - Nguyễn Hữu Công được lai ghép từ cây chanh leo và thân cây nhãn lồng, cho ra quả có vị ngọt thanh, thơm đậm đà. Ảnh: Hồng Cẩm

Năm 2019, ông Sáu Công đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý và thương hiệu "Chanh dây ngọt Sáu Công" cho sản phẩm chanh leo ngọt của mình.

Năm 2020 sản phẩm "Chanh dây ngọt Sáu Công" được công nhật đạt chuẩn OCOP 3 sao.

"Những nhánh ghép đầu tiên tôi trồng lại 15 dây, còn lại chia cho bà con trong xóm trồng thử. Ban đầu mọi người e ngại vì không thích vị chua của chanh leo và không tin chanh leo lại cho quả ngọt. 

Nhưng sau thời gian trồng cho quả ngọt ai cũng thích và hỏi mua thêm cây giống về trồng. Từ đó tôi bắt đầu ghép chanh leo giống bán"- ông Sáu Công vui vẻ kể lại.

200 gốc chanh leo ghép gốc nhãn lồng sau nhiều đợt cho trái thành công, ông Sáu Công báo với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp huyện kết quả lai ghép giống chanh leo ngọt của mình và mạnh dạn đăng ký tham gia trưng bày tại các hội chợ, hội thảo… để giới thiệu giống cây mới.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 4.

Một gốc nhãn lồng được ghép với thân chanh dây 6 năm tuổi của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 - Nguyễn Hữu Công. Ảnh: Hồng Cẩm

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây chanh leo ngọt và bán hàng số hóa

Ông Sáu Công cho hay, đầu năm 2020 hạn mặn bắt đầu xâm lấn khốc liệt, để chủ động cho việc tưới tiêu ông tự mua thiết bị về lắp đặt hệ thống tưới tự động cho 3ha chanh leo của mình. Với hệ thống tưới hiện đại này ông gi ảm được vài triệu đồng chi phí thuê nhân công và tiền điện nước mỗi tháng.

Đặc biệt, đối với hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, ông Sáu Công có thể chủ động tưới nước cho vườn cây ở mọi lúc mọi nơi.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 5.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam (người thứ hai bên trái sang) đến thăm mô hình trồng chanh leo ngọt độc lạ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hữu Công, vào năm 2022. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế, ông cho biết, nếu dùng công lao động 1 người phải mất 10 giờ thì nay chỉ còn 10 phút cho 3.500m2. Chi phí cũng giảm đáng kể, tiền điện tiêu thụ 0,3 kWh/ngày x 2.500 đồng/kWh = 750 đồng/ngày, một tháng tiêu tốn 22.500 đồng tiền điện phục vụ tưới tiêu.

Không chỉ ứng dụng công nghệ tưới phun tự động trong việc tưới tiêu vườn chanh dây, ông Sáu Công còn là một trong những nông dân đi đầu sử dụng mạng xã hội để quảng bá, bán hàng ở Sóc Trăng.

Ông Sáu Công cho biết, từ những năm 2015 - 2016, ông Sáu đã cài đặt trang Zalo cá nhân và trang Facebook "Chanh leo ngọt Sáu Công" để quảng bá, giới thiệu về chanh dây ngọt trên mạng xã hội. Trên trang cá nhân của mình, ông Sáu Công tự viết bài, chụp ảnh và đăng tải giới thiệu về kỹ thuật trồng chanh dây ngọt, giới thiệu sản phẩm, các bài viết đánh giá chất lượng của khách hàng, hay các bài viết từ các báo, đài về giống chanh leo độc lạ của mình…

Để bài viết của mình trên mạng xã hội tạo được sự chú ý của người xem, ông Sáu Công thiết kế hình ảnh sinh động, phong phú; "chăm sóc" bài và trả lời khách hàng thường xuyên.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 6.

Ngoài bán hàng qua các kênh trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, Website Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng... ông Sáu Công còn thường xuyên xúc tiến quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chở từ Bắc chí Nam. (Trong ảnh ông Sáu Công đưa sản phẩm của mình đi trưng bày quảng bá tại An Giang). Ảnh: NVCC

Ông Sáu Công chia sẻ: "Đến vụ thu hoạch, tôi trực tiếp livestream bán các sản phẩm của mình trên trang Facebook. Khách hàng khắp nơi trên cả nước đặt hàng rất đông, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán hết. 

Cũng có những khách hàng lạ khi tôi chia sẻ livestream vào các hội, nhóm họ thấy được quá trình cách chăm sóc, trồng trọt của mình, vẫn mua hàng vì tin tưởng vào nguồn gốc. Có những vụ, dù còn cả tháng mới tới đợt thu hoạch nhưng khách đã đặt hàng hết cả vườn. Những năm 2020, 2021 dù đại dịch Covid- 19 chanh dây của tôi vẫn không đủ bán".

Không những quảng bá, bán hàng trên Zalo, Facebook,  YouTube... ông Sáu Công còn chăm đi quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị từ Bắc chí Nam. Hiện nhiều siêu thị ở TP.HCM, siêu thị Tứ Sơn (An Giang), Công ty phân phối nông sản Việt An… đặt hàng và ký kết ghi nhớ hợp tác mua sản phẩm chanh ngọt quả của ông.

Hiện tại, ông Sáu Công khoảng 6ha trồng chanh leo ngọt, với khoảng 6.000 gốc.

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 7.

Hàng tuần đều có các đoàn khách khắp nơi đến vườn chanh dây ngọt của ông để tham quan, học tập kỹ thuật và mua cây chanh leo vàng làm giống. Ảnh: NVCC

Theo ông Sáu Công cho biết, trung bình mỗi 1ha chanh leo thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn/đợt (mỗi đợt thu hoạch khoảng 2 tháng), cứ 2 năm thu hoạch được 5 đợt. Trong đợt thu hoạch, cứ 2 - 3 ngày ông hái quả một lần, mỗi lần vài trăm ký nhưng không đủ bán. 

Hiện chanh leo ngọt loại 1 của ông Sáu bán ra thị trường giá từ 100.000 - 120.000đồng/kg; bán xô giá 80.000đồng/kg. Ngoài bán chanh quả, ông Sáu Công còn ghép chanh leo giống để bán, mỗi năm ông Sáu ghép bán khoảng 800 - 1.000 cây giống (giá giao động từ 70.000-100.000 đồng/cây).

Để tiện cho khách tham quan và mua cây giống, năm 2022 ông Sáu Công mở rộng diện tích trồng chanh leo với hơn 1.000 gốc chanh đang cho quả và khoảng 300 cây giống. Hàng tuần tại vườn chanh Nam Sông Hậu đều có các đoàn khách từ các địa phương đến tham quan, học hỏi kỹ thuật và mua cây giống.

Có mặt tại vườn chanh dây của ông Sáu Công (trên tuyến đường Nam Sông Hậu), anh Nguyễn Hoàng Danh – Chủ tịch, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), cho biết, anh biết đến ông Sáu Công trong một lần tham gia hội chợ tại TP.Cần Thơ. 

"Thấy gian hàng của ông Sáu Công lúc nào cũng đông khách tham quan, mua hàng nên tôi cũng tò mò ghé qua và trải nghiệm thử quả chanh leo của chú. Thật bất ngờ với vị ngon ngọt của giống chanh leo lạ này nên tôi đã mua 2kg quả và 2 cây giống về trồng. Sau đó tôi trao đổi với Hội Nông dân xã lập đoàn đến đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm để mua cây giống về cho xã viên trồng, phát triển kinh tế".

Đem cây chanh dây ghép với cây nhãn lồng, lão nông ở Sóc Trăng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 8.

Anh Nguyễn Hoàng Danh – Chủ tịch, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Phú Tây (người thứ 2 từ phải sang), cùng đoàn Hội Nông dân xã Tân Phú Tây đến tham quan, học hỏi kỹ thuật và mua cây giống tại vườn chanh leo ông Sáu Công. Ảnh: Hồng Cẩm

Nhận xét về ông Nguyễn Hữu Công, ông Trần Hùng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phụng, (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ông Nguyễn Hữu Công là một nông dân cần cù, chăm chỉ và sáng tạo. Trước khi có mô hình chanh leo ngọt hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao như ngày hôm nay thì ông Sáu Công đã nhiều năm liền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. 

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình, ông Sáu Công cho biêt, ông mong muốn liên kết với nhiều hộ nông dân hơn nữa để tạo vùng nguyên liệu đủ cung cấp nguồn chanh leo quả cho các siêu thị.

Năm 2010 ông Nguyễn Hữu Công vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, với thành tích nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi 5 năm liền.

Năm 2012 ông tiếp tục vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi" từ năm 2007 đến năm 2011.

Năm 2022, ông được Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước của Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2015 – 2020.

Năm 2023, ông tiếp tục vượt qua nhiều nông dân tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng, đại diện nông dân tỉnh Sóc Trăng được Hội đồng Chung khảo bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem