Chuyện lạ Thanh Hóa: Khâu hàng nghìn cái túi chỉ để bọc...măng non

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 22/07/2019 13:06 PM (GMT+7)
Để ngăn không cho sâu xâm nhập vào bên trong thân cây măng, người dân huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) đã khâu hàng nghìn chiếc túi để bọc lấy ngọn măng non. Cách làm hữu hiệu này đang giúp gần 14.000 ha luồng trên địa bàn huyện Lang Chánh tránh khỏi sâu bệnh phá hoại, đảm bảo thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

Ngay từ sáng sớm, nhiều hộ gia đình có diện tích trồng luồng lớn trên địa bàn huyện Lang Chánh đã tất bật cắt, khâu những chiếc túi để bọc vào ngọn măng non nhằm tránh những con bướm đậu vào.

img

Theo người trồng luồng ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, măng luồng được bọc túi kịp thời sẽ phát triển tốt. Ảnh: Vũ Thượng

Theo người dân, ngọn măng luồng mới mọc có vị ngọt, thân mềm nên thu hút nhiều loài bướm bay tới. Khi con bướm đậu vào sẽ đẻ ấu trùng và chuyển hóa thành sâu non (sâu măng). Đám sâu măng này háu ăn, chúng sẽ đục khoét làm cây măng chết, thối, giảm chất lượng cây, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng.

img

Măng luồng mọc chủ yếu vào tháng 6-8 hằng năm. Ảnh: Vũ Thượng

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng luồng, ông Lương Văn Trương (trú tại thôn Cày, xã Trí Nang) kể: "Gia đình trồng 4 sào luồng, hằng năm vào tháng 6-8 dương lịch là mùa măng mọc. Đây cũng thời điểm sâu bệnh phát triển mạnh nên tôi thường quên ăn để đi bọc túi vào ngọn búp măng, tìm bắt con sâu măng. Cây măng chưa kịp bọc túi bị bướm đẻ ấu trùng vào thì coi như chặt bỏ...".

img

Túi bọc ngọn măng. Ảnh: Vũ Thượng 

Những chiếc túi bọc được tận dụng làm từ vỏ bao bì, tấm bạt...với chiều dài 40cm hoặc 60cm , chiều ngang 20cm. Khi ngọn măng đâm lên cao thì những cái túi bọc sẽ bị gió thổi bay nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Ông Lê Phi Năm (xã Trí Nang) nói: "Khi phát hiện bụi măng luồng đã có sâu xâm nhập phải tìm cách bắt bằng được. Ở đây cả xã trồng luồng nên nhà nào cũng phải dùng túi để bọc, chi phí mua túi bọc không tốn kém, chủ yếu tận dụng các bao bì ở nhà bỏ đi rồi cắt, khâu cho vừa với ngọn măng. Khi cây măng luồng già sâu sẽ không đục được vào trong ngọn, thân lúc ấy chúng tôi mới yên tâm...".

img

Sâu măng luồng cũng là món ăn hấp dẫn. Ảnh: Vũ Thượng

Quan sát, sâu măng to bằng ngón tay cái, toàn thân màu trắng vàng, dọc hai bên thân sâu có chấm đen, phần miệng to lớn giống con đuông dừa. Nhiều gia đình bắt sâu măng về rang ăn, khi nếm sâu cảm nhận vị giòn ngon, béo ngậy, có mùi thơm rất hấp dẫn.

Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lương Văn Phúc-Trưởng phòng NNPTNN huyện Lang Chánh cho biết: "Lang Chánh là "thủ phủ" trồng luồng của tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 14.000 ha. Cây luồng đang là cây trồng chủ lực, tạo thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân nên việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phá hại rất được huyện quan tâm. Vào tháng 6-8 hằng năm là thời điểm măng luồng mọc nhiều, sâu măng cũng theo đó phát triển mạnh nên chúng tôi hướng dẫn bà con dùng túi để bọc nhằm tránh con bướm đẻ ấu trùng rồi biến thành sâu hại măng...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem