Khóc ra pha lê
Theo lời Fatima, cô bé không thể điều khiển được những lần “khóc” kỳ dị đó. Nó xuất hiện khoảng 3 - 4 lần mỗi ngày mà không có lấy một dấu hiệu cảnh báo và có thể kéo dài tới vài chục phút. “Những hạt đá nhỏ kỳ quái đó rơi mọi lúc mà không vì một lý do nào cả.
Nó có thể rơi ra khi tôi ở trường, ở nhà hoặc đang ngủ. Tôi không biết khi nào nước mắt chảy ra, và rồi nó tự đông cứng thành hạt nhưng may thay, nó không làm tôi đau đớn”, Fatima cho hay.
Theo Gulf news, cô bé thấy mắt tự dưng rất khó chịu, cụ thể là bị ngứa và cộm dày. Bố cô bé, ông Mohmmad Zafar, có đi mua một vài loại thuốc nhỏ mắt chuyên dùng để vệ sinh vùng mắt, nhưng Fatima không thấy đỡ. Lúc rửa mặt cho con, khi chạm tới vùng xung quanh mắt, anh Mohammad tiếp tục thấy những hạt thủy tinh nhỏ ấy lại rơi, lăn lông lốc, anh Mohammad chìa tay ra đỡ. Mỗi lần như thế, anh đỡ được đến 20 - 25 hạt. Cứng, trong suốt, không tan chảy, không sắc lẹm, không mùi, có vị hơi mằn mặn. Đó là những đặc tính nổi bật của những hạt “thủy tinh”, “pha lê” kỳ quái này.
Đi từ ngạc nhiên, sợ hãi đến tò mò, lần này anh Mohammad muốn tận mắt mình nhìn thấy quá trình chuyển hóa từ nước mắt thường sang những hạt thủy tinh của Fatima. Anh ấn tay nhẹ vào mí mắt dưới của Fatima, mắt của cô bé bắt đầu có những giọt nước chảy ra, lúc đầu là chất lỏng bình thường nhưng khoảng một phút sau, những giọt nước mắt này sẽ đông cứng lại thành những hạt đá nhỏ trông giống như hạt thủy tinh. Thực hiện lại nhiều lần, kết quả vẫn cho như vậy.
Ngay sau khi hiện tượng kỳ lạ của cô bé Fatima được đăng lên báo, rất nhiều bác sĩ đã đề nghị được thăm khám cho Fatima. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra bằng máy siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp CT, do những chuyên gia giỏi đến từ nước Mỹ tiến hành đều không tìm ra được nguyên nhân vì sao. Một nhóm bác sĩ tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã đề nghị giúp đỡ tìm hiểu việc hình thành các tinh thể trong ống dẫn nước mắt của cô bé Fatima. Dường như cô bé bị một khuyết tật về mắt. Họ tuyên bố sẽ tiến hành những điều tra cần thiết và sẽ theo đuổi đến cùng trường hợp này cho đến khi tìm được nguyên nhân.
Theo Tiến sĩ Barrett G. Haik, Giám đốc Viện nghiên cứu Mắt Hamilton thuộc Đại học Tennessee (Mỹ), là bác sĩ có 30 năm kinh nghiệm chữa trị bệnh mắt ở trẻ, ông Haik thực sự bất ngờ khi tiếp xúc với trường hợp của Fatima. Ông Haik phải thừa nhận đây là hiện tượng rất lạ mà trong suốt quá trình làm việc ông chưa từng biết đến. Theo ông Haik, rất có thể cô bé Haik đã mắc bệnh mà tạm đặt nôm na là “kết tủa ở nước mắt”.
Đây là bệnh thường gặp ở những người bị trầm cảm nghiêm trọng hoặc có nồng độ muối quá cao trong cơ thể. Nhưng Fatima không mắc phải cả hai vấn đề trên. Haik nói: “Từ trước tới nay, cả thế giới chưa gặp một trường hợp khóc ra thủy tinh hay pha lê như trường hợp của cô bé Fatima”.
Ông Haik có dẫn một trường hợp “rùa biển mau nước mắt”. Thí nghiệm cho thấy, khi người ta lấy một ống dẫn thông qua thực quản của rùa biển, bơm vào dạ dày một lượng nước biển bằng một nửa thể trọng của nó, sau 3 - 4 giờ, 90% lượng muối vào cơ thể nó đều được thải ra ngoài nhờ nước mắt. Tuyến lệ nằm sau hốc mắt của rùa biển là cơ quan bài tiết ra ngoài lượng muối thừa trong cơ thể. Các nhà động vật học gọi cơ quan này là “tuyến muối”. Phải chăng, cô bé Fatima cũng có “tuyến muối” ở mắt giống rùa biển?
Do trường hợp của Fatima là “độc nhất vô nhị”, các chuyên gia tin rằng Fatima sẽ phải trải qua hàng loạt các xét nghiệm nữa, bao gồm những cuộc thử do nhiều chuyên gia hàng đầu về máu, mắt, mũi, tai và họng để có câu trả lời cuối cùng.
Theo bác sĩ J. Ạkhan (Khoa kết giác mạc Bệnh viện Mắt Al Qasimi), hiện tượng khóc ra thủy tinh rất có thể là một triệu chứng khác của bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) mật độ nặng. Các trường hợp bị viêm kết mạc cấp tính xuất huyết mạnh và thoát thành dịch kèm theo vỡ các mạch máu nhỏ. Trên nhãn cầu chúng ta đều có một thứ to như đầu ngón tay út gọi là tuyến lệ, nó giống như một xưởng gia công, gia công máu thành nước mắt.
Do đó, trong nước mắt tự nhiên có chứa muối, ở trường hợp của cô bé Fatima, hàm lượng muối quá cao. Khi lượng muối này theo dòng nước mắt ra ngoài đã xảy ra quá trình phản ứng “đặc biệt” nào đó, khiến chúng “biến” thành các hạt nhỏ, cứng, trong suốt như những hạt thủy tinh. Ông cũng đề xuất ra một phương pháp điều trị đối với trường hợp của Fatima.
Trong suốt thời gian qua cô bé và bố mẹ của mình đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình với hy vọng có thể tìm được người có thể cứu chữa khỏi căn bệnh này. Mẹ của Fatima rất lo lắng: “Chúng tôi cảm thấy các bác sĩ đã thử hết mọi khả năng. Chúng tôi đã gặp khoảng 15 chuyên gia từ New York cho tới Pakistan. Thật nản lòng khi thấy con tôi phải chịu đựng căn bệnh như vậy. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện ai đó ở ngoài kia có năng lực giúp đỡ được cho con tôi”, bà nói.
Những người khóc ra... máu
Bệnh khóc ra máu được biết với tên khoa học là Haemolacria, là một trong những bệnh lý hết sức nguy hiểm và hiếm gặp trong số các bệnh về mắt mà cho tới nay các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Trên thế giới đã xuất hiện một số trường hợp “khóc ra máu” nhưng đến nay nó vẫn là một bí ẩn thách đố y học chưa có lời giải đáp...
Calvino Inman (15 tuổi) sống ở tiểu bang Tennessee, nước Mỹ đã khóc ra máu ít nhất 3 lần một ngày. Mỗi lần bị như vậy, Calvino cảm nhận được dấu hiệu báo trước triệu chứng sẽ xảy ra. Calvino cho biết: “Cháu có thể cảm nhận được nó giống như nước mắt sắp tuôn trào, hai mắt mọng nước. Thỉnh thoảng, cháu còn cảm thấy đau rát mỗi khi hiện tượng này xảy ra”.
Lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng này của con, mẹ của Calvino đã phát hoảng lên và nhanh chóng gọi cấp cứu. “Điều khủng khiếp nhất của cuộc đời tôi là nhìn thấy con trai mình khóc và mỗi khi nó nói “Mẹ ơi, con sẽ chết phải không?”, mẹ của Inman kể lại. Căn bệnh kỳ lạ đã khiến Calvino gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở trường, khi nhìn thấy mắt cậu chảy máu, bạn bè Calvino rất sợ hãi, thậm chí có người còn cho rằng cậu bị ma ám. Hai mẹ con đã đi tìm gặp các bác sĩ nhưng chẳng ai có thể đưa ra câu giải thích thỏa đáng về hiện tượng này.
Rashida, một người phụ nữ trẻ đến từ thủ phủ Patna, miền bắc Ấn Độ cũng không may mắn và đang mang trên mình chứng bệnh Haemolacria. Hàng ngày, Rashida phải đối mặt với những giọt máu từ trong khóe mắt ứa ra. Nhiều người Ấn Độ theo đạo Hindu thậm chí còn tin rằng, Rashida là thánh sống bởi vì cô có thể khóc ra máu và có rất nhiều người đến gặp cô để có thể tận mắt chứng kiến phép lạ của thần thánh.
Twinkle là một thiếu nữ 13 tuổi ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. So với 2 trường hợp trên, Twinkle là người phải chịu chứng bệnh này một cách nặng nề nhất. Từ hơn ba năm nay, mỗi ngày Twinkle chảy máu trung bình từ 5 đến 20 lần và kết quả là cô bé mất rất nhiều máu. Twinkle không những bị chảy máu ở mắt mà còn ở cả mũi, chân tóc, cổ và cả lòng bàn chân. Dường như tất cả những tuyến bài tiết trên da của Twinkle đều... rỉ máu. Cũng giống như Rashida Khatoon, hiện tượng này không làm cho Twinkle cảm thấy đau đớn.
Cho đến tận năm 12 tuổi, Twinkle vẫn là cô bé bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đột nhiên vào một ngày, toàn thân cô bé bài tiết ra máu khắp mọi nơi mọi lúc. Một thời gian sau khi mắc phải chứng bệnh, Twinkle không được phép tới trường, dù bố mẹ đã cố gắng xin cho cô bé tới một số trường học khác để theo học nhưng đều bị từ chối.
Một lần nữa, các bác sỹ thua cuộc trong “trận chiến” với haemolacria đối với trường hợp của Twinkle. Họ không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng để giải thích hiện tượng trên và cũng chẳng có phương pháp điều trị nào có thể làm giảm được căn bệnh đó. Những người dân ở địa phương nơi Twinkle sinh sống thì lại cho rằng cô bé bị một lời nguyền độc địa nào đó. Một chuyên gia Anh đã giải thích hiện tượng của Twinkle là do rối loạn đông máu. Chứng bệnh này có thể điều trị được. Tuy nhiên, do gia đình Twinkle quá nghèo nên không thể có đủ tiền để điều trị lâu dài.
Những trường hợp bệnh nhân khóc ra máu thường xảy ra, tuy nhiên cơ chế hoạt động như thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Chuyên gia nổi tiếng về các bệnh về mắt người Scotland, William Stewart Duke Elder đã liệt kê ra những căn bệnh có thể kèm theo hiện tượng khóc ra máu như thiếu máu trầm trọng, bệnh vàng da, máu trắng, bệnh máu khó đông và rất nhiều những bệnh liên quan tới máu khác.
Trong thời gian gần đây, các chuyên gia còn tìm ra nguyên nhân gây bệnh do giãn tĩnh mạch mắt hay một trường hợp khác là do viêm màng kết nhú thứ cấp.
Những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh khóc ra máu đều chưa tìm thấy dấu hiệu cho thấy tổn thương nội tạng sau khi kiểm tra tổng thể. Hiện cũng chưa có tài liệu khoa học nào thống kê về số người mắc bệnh này cũng như việc bệnh khóc ra máu có thể chữa được không. Đây vẫn là một căn bệnh bí ẩn của y học.
Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện “khóc ra máu” nhất là vào mùa dịch đau mắt đỏ, bệnh này thường tăng nhanh chóng. Theo các bác sĩ, hiện tượng chảy máu mắt là một triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) mật độ nặng. Các trường hợp bị viêm kết mạc cấp tính xuất huyết mạnh và thoát thành dịch kèm theo vỡ các mạch máu nhỏ tạo nên hiện tượng chảy máu mắt.
Triệu chứng này tương đối nặng hơn bình thường. Ngoài ra, một số trường hợp khóc ra máu còn do các nguyên nhân khác như biểu hiện của các khối u, u mạch máu, u mi mắt, u kết mạc. Trường hợp rất hiếm gặp khác là bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.