Chuyện lạ xứ Mường: Theo người Dao đi xin... rể ăn đời ở kiếp

Xuân Tuấn Thứ năm, ngày 02/01/2020 13:36 PM (GMT+7)
Không giống như cộng đồng các dân tộc khác, người Dao ở xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) vẫn còn tục “cưới” rể về cho con gái. Gia đình nhà gái, nếu mong muốn con rể ăn đời ở kiếp nhà mình thì phải tổ chức cưới cho nhà trai để xin rể về. Chú rể sau khi thành hôn sẽ về ở nhà bố mẹ vợ.
Bình luận 0

Xóm Đồng Khụ - nơi cư trú của gần chục hộ dân người Dao nằm lọt thỏm trong thung lũng. Nơi này từng được phủ kín bởi màu xanh của đại ngàn. Các hộ dân người Dao sống quây quần dưới chân núi. Bao năm sống nơi thâm sơn cùng cốc, người Dao nơi này còn giữ được nhiều tục lệ mà nó còn tồn tại đến ngày nay. Đó là tục xin rể - tức là khi đôi trai gái tổ chức đám cưới, nhà gái có thể đề đạt với họ nhà trai cho chú rể về bên ngoại ở trọn đời.

Nếu như nhà trai đồng ý, nhà gái làm vài chục mâm cỗ đãi họ hàng nhà trai là được phép dẫn chú rể về trở thành “công dân” của bản. Chú rể cứ theo cái tục đó mà “khăn gói quả mướp” về nhà vợ… ở rể.

Vất vả đi xin… rể

img

Một nghi thức trước khi tổ chức đám cưới của người Dao ở Hòa Bình. Ảnh: X.T

Người Dao đã tạo điều kiện thuận lợi để con cái hòa hợp đến với nhau dễ dàng. Họ chú ý đến từng hoàn cảnh gia đình, không phân biệt nhà trai - nhà gái. Chẳng hạn như bố mẹ nhà gái sinh con một bề, già yếu không người chăm sóc, nhà trai không đủ sính lễ... đều được quan tâm, giải quyết một cách hợp lý. Đây là nét nhân văn sâu sắc, cái nhìn tiến bộ tích cực của đồng bào Dao.

Vợ chồng anh Triệu Văn Vinh (ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất) chỉ sinh được một người con gái. Năm nay, con gái anh đã có người yêu. Cậu rể tương lai này cũng là người dân tộc Dao. Chúng mến nhau như đôi chim cu, chẳng thể rời nửa bước. Đôi trẻ có mong ước được góp gạo thổi cơm chung và ở cùng một nhà. Biết nhà mình neo người, anh Vinh đã đích thân về nhà người yêu của con gái để “đàm phán” chuyện tổ chức cưới cho đôi trẻ.

Nhà trai ở xã Ba Vì, TP.Hà Nội. Nơi này cũng có nhiều người Dao sinh sống. “Tôi muốn cậu rể tương lai này về ở nhà tôi. Tôi cũng đã bàn với vợ, phải thuyết phục bằng được nhà trai cho con rể về ở với gia đình. Có chúng nó, vợ chồng tôi cũng đỡ cảnh hiu quạnh khi tuổi già” - anh Vinh khẳng định quyết tâm của mình.

Mấy lần anh Vinh đã đi xe máy về thăm nhà của con rể tương lai. Khi biết anh ngỏ ý định muốn “xin” rể, gia đình chú rể chưa ưng cái bụng lắm. Giờ nhà nào cũng đẻ ít con, ai cũng muốn con cái ở nhà, chứ không lỡ để con trai đi ở rể. Anh Vinh thì mong ngày, mong đêm là nhà có thêm người. “Nghe chiều họ chưa xuôi lắm. Chắc tôi cũng phải vài lần nữa về đó nói chuyện, mong họ hồi tâm chuyển ý” - anh Vinh cho biết.

Nếu như họ nhà trai đồng ý, anh Vinh chắc phải bán đôi bò để làm cỗ mời họ hàng của chú rể “đánh chén” một bữa. Ngoài ra, nhà trai có quyền thách cưới, nhà gái phải bỏ một cái lễ nữa để xin rể. Cũng theo anh Vinh, nhà anh vốn nghèo khó. Cả nhà chỉ có duy nhất 3 con bò là có giá trị nhất. Nếu họ hàng nhà chú rể đồng ý, mình cũng phải cố vay mượn cho đủ. Tốn kém tý, mình lại có thêm người ở lo gì, của cải chỉ là vật ngoài thân.

img

  Ông Toàn và đứa cháu ngoại của mình. Ảnh: X.T

Ở đầu xóm Đồng Khụ có một “công dân” mới toanh đó là anh Lý Hữu Trọng nhà ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Anh này lấy con gái của ông Triệu Văn Bình. Từ ngày lấy vợ, Trọng phải xa gia đình về ở với nhà bố vợ. Ban đầu còn ngại ngần, bỡ ngỡ nhưng dần dần Trọng cũng đã quen. Giờ thì Trọng lại có quyết tâm ăn đời ở kiếp nơi này rồi. Vợ chồng Trọng cũng vừa sinh được đứa con kháu khỉnh. Đứa bé đặt theo họ mẹ, Trọng cũng không phản đối bởi cái lệ nó thế.

Thay tên đổi họ

Ông Triệu Văn Hòa (ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất) đồng thời cũng là thầy mo của xã. So với các gia đình khác nơi nay, nhà ông Hòa thuộc hộ khá giả, có của ăn của để. Không những vậy, ông luôn là đầu tầu kinh tế của xóm Đồng Chụa. Ông Hòa năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm. Đôi chân vẫn leo núi thoăn thoắt, giọng nói vang như chuông đồng buổi sớm. Ông nói là làm, mọi việc vào tay ông là cứ trôi băng băng.

Nói về cái phong tục xin rể, ông Hòa không giấu giếm: “Bao đời nay người Dao vẫn vậy, con nuôi, con đẻ hay con rể xin về đều được coi là thành viên trong gia đình và có quyền thừa kế như nhau. Người Dao không coi trọng con nuôi hay con đẻ, cứ về làm con ở gia đình là được đổi họ, đổi tên theo phong tục của người Dao và trở thành thành viên của cộng đồng”.

img

  Xóm núi Đồng Khu - nơi tục xin rể đời vẫn còn lưu giữ. Ảnh: X.T

Điều đó mặc định tồn tại từ nhiều đời nay các lớp con cháu sau này cứ theo cái nếp đó mà làm. Gia đình ông Hòa cũng có một người con ở rể. Ngày đôi trẻ yêu nhau và chúng quyết định đi tới hôn nhân, ông Hòa không phản đối. Ông đến nhà anh con rể để thương thuyết nhà trai cho con rể về ở nhà mình. Gia đình ông Hòa thuộc diện đông con, nhiều cháu, trai có, gái có, nhưng ông vẫn muốn xin cậu con rể này về xóm Đồng Chụa ở cho chúng có anh, có em. Ông Hòa cũng phải mất nhiều ngày đi lại, thuyết phục, nhà trai mới chịu cho cậu con rể về ở nhà ông.

Nhiều năm trôi qua, vợ chồng người con rể này đã có con cái đề huề. Cậu rể cũng đã quen với việc là thành viên trong gia đình ông Hòa. Dường như các chàng trai người Dao này cũng rất dễ tính và dễ thích nghi. Con đường nhà mình đi từ tấm bé, cánh rừng sau đã thuộc từng đường ngang, lối tắt… vậy mà các chàng trai này vẫn sẵn sàng từ bỏ quê hương để theo vợ về nhà ở. “Cậu rể này cũng thích nghi nhanh, nó chịu khó làm lụng và giờ trở thành người của cái xóm này rồi” - ông Hòa chia sẻ.

Cái xóm nhỏ người Dao ngày nào, giờ đã có cả mấy trăm nóc nhà. Người Dao sống gần gũi và chân thành. Họ luôn giữ được những luật tục vô cùng chặt chẽ và tốt đẹp. Trai, gái người Dao hầu như không mắc nghiện ma túy. Hơn nữa, nơi này an ninh cực tốt, chẳng nhà ai mất đồ bao giờ. Ai mà bị phát hiện lấy đồ của người khác sẽ bị phạt nặng, bêu tên trước toàn thể dân làng. Cái lệ nó cứ thể mà tồn tại đến ngày nay, lớp sau kế cận lớp trước mà thực hiện.  

Theo ông Hòa, người Dao còn tồn tại hình thức ở rể (còn gọi là rể đời) là do bố mẹ bên gái sinh con một bề nên muốn lấy rể về hoặc do hoàn cảnh người con trai quá nghèo, mồ côi không lo được hôn lễ nên phải làm rể mới lập được gia đình. Khi làm rể đời, chàng trai phải bỏ tên họ của mình, mang tên họ bên vợ, được quyền thừa kế tài sản, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ, con cái cũng phải mang họ bên vợ. Những người muốn làm rể đời phải chưa làm lễ cấp sắc vì nếu đã làm lễ cấp sắc rồi thì không được đổi tên họ theo bên vợ nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem