Người Dao thoát nghèo nhờ “mỏ vàng” từ rừng bồ đề

Chu Khôi Chủ nhật, ngày 01/12/2019 13:38 PM (GMT+7)
Trước đây, người dân Văn Bàn (Lào Cai) chưa biết giá trị của nhựa cây bồ đề (còn gọi là cánh kiến trắng) nên phần đông bà con các đồng bào dân tộc sống ở gần rừng mà không có thu nhập từ rừng, nhiều hộ quanh năm thiếu thốn, làm đủ nghề mà không thoát khỏi cảnh nghèo.
Bình luận 0

Nhưng 2 năm trở lại đây, gần 100 hộ người dân tộc Dao tại 2 xã Nậm Tha và Chiềng Ken đã có nguồn thu nhập mới việc khai thác nhựa cây bồ đề bán cho doanh nghiệp, nhiều hộ khấm khá dần lên.

Có tiền từ nhựa bồ đề, không còn lén lút phá rừng

Tại khu rừng bồ đề ở xã Nậm Tha, những cây bồ đề mọc thẳng đứng cao vút, trèo lên thật không hề dễ dàng. Ông Triệu Tài Lâm (51 tuổi) phải đeo loại guốc chuyên dụng vào chân để trèo lên. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6, người dân địa phương đã trèo lên cây bồ đề, dùng dao cắt vỏ thành hình bao diêm trên thân, mỗi điểm cách nhau khoảng 90 cm. Sau 2-4 tháng, nhựa bồ đề chảy ra thì người dân sẽ thu hoạch.

img

Ông Triệu Tài Lâm trèo cây bồ đề để khai thác nhựa. Ảnh: Chu Khôi

Nay đã là tháng 8, bà con lại rủ nhau lên rừng, trèo lên từng cây bồ đề cẩn thận gỡ những cục nhựa khô, cho vào chiếc giỏ đeo bên hông. 

Ông Triệu Tài Lâm cho biết: “Tôi gắn bó với cây bồ đề đã hơn 20 năm qua, từ khi chính quyền địa phương thuê người dân trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Rừng cây lớn lên, chúng tôi không được phép khai thác gỗ, vì đây là rừng phòng hộ. Trong khi số tiền công bảo vệ rừng quá thấp, mỗi ha chỉ được Nhà nước trả vài trăm nghìn đồng mỗi năm nên người dân chán nản, không quan tâm đến việc bảo vệ rừng, cuộc sống quanh năm thiếu trước hụt sau”.

“Cũng do gia đình không có nguồn thu nhập nên thỉnh thoảng lén lút vào rừng chặt cây bán lấy gỗ. Nhưng từ 3 năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu chuyển qua lấy nhựa, vừa không phá rừng lại vừa có nguồn thu nhập", ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Lâm, mỗi cây bồ đề 10 năm tuổi trở lên sẽ cho khoảng 0,7 kg nhựa mỗi năm và được Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú thu mua với giá 350.000 đồng/kg. Vào mùa khai thác, mỗi ngày ông trèo cây thu được khoảng 12-15kg nhựa, là có gần 4 triệu đồng. Mỗi năm, chỉ khai thác trong thời gian một tháng, ông Lâm có 70-80 triệu đồng, là khoản thu nhập khá cao đối với gia đình.

Ông Trần Văn Đính, Phó Giám đốc kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú (Hà Nội) cho hay, năm 2017, công ty được Tổ chức Helvetas Việt Nam chọn và mời tham gia làm đối tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhựa bồ đề cánh kiến. Công ty đã tổ chức, liên kết với các tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình và Lào Cai để thu mua sản phẩm nhựa cây bồ đề. Sản phẩm nhựa bồ đề sau khi sơ chế sẽ được xuất khẩu sang Pháp, làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh và nước hoa.

img

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn, Lào Cai) có thêm thu nhập từ nhựa cây bồ đề (cánh kiến trắng). Ảnh: Chu Khôi

“Mỏ vàng” giúp đồng bào thoát nghèo

Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết, diện tích đất lâm nghiệp và rừng ở Lào Cai lên tới 286.000ha, chiếm hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên của tỉnh (327.000ha), trong đó có hơn 4.000ha rừng cây bồ đề. Trên địa bàn có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và sống dựa chủ yếu nhờ vào nguồn tài nguyên rừng. Thế nhưng, làm thế nào để tạo ra và nâng cao nguồn thu nhập ổn định từ rừng cho người dân vẫn đang là điều trăn trở của ngành Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai từ nhiều năm nay.

“Nhận thấy mô hình trồng cây bồ đề và khai thác nhựa từ cây bồ đề là sinh kế đem lại thu nhập cho người dân, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, đồng thời muốn ngăn chặn được việc người dân vào rừng tự nhiên lấy gỗ thì phải tìm sinh kế cho họ, nên Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai rất đồng tình hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức để nhân rộng mô hình này” – ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, thực tế triển khai và qua tính toán cho thấy, năng suất nhựa của 1 cây bồ đề 7 - 10 năm tuổi là khoảng 0,3 kg/năm; giá trị thu nhập từ 1 cây ước khoảng 90.000 đồng/năm. Đối với cây trên 15 năm tuổi, có thể thu hoạch được khoảng 1 kg/cây/năm. Tính sơ bộ, mỗi ha chỉ cần có 1.000 cây cho thu hoạch nhựa thì bà con có thể thu nhập 90 triệu đồng/năm.

“Đó là chưa kể sau khi thu hoạch nhựa khoảng 10 năm thì gỗ bồ đề lại được bán với giá gỗ lớn (khoảng 2 triệu đồng/m3), ước đạt 80m3/ha thì sẽ có thu nhập thêm khoảng 160 triệu đồng. Rõ ràng, nhựa bồ đề là hướng thu hoạch lâm sản ngoài gỗ rất giá trị. Thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đang phối hợp với Công ty Đức Phú hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong việc cắt vỏ cây bồ đề và khai thác nhựa, đảm bảo cây sinh trưởng phát triển bình thường, không để cây chết hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của cây”, ông Minh nói.

Hiện nay, nhựa bồ đề đang được xuất khẩu sang Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cao cấp, mỹ phẩm. Nhựa bồ đề loại 1 có giá bán lên tới 450.000 đồng/kg nên các vùng rừng bồ đề tự nhiên đang trở thành “mỏ nguyên liệu” giúp đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem