Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội

Ngọc Huệ Thứ năm, ngày 05/05/2022 11:23 AM (GMT+7)
Làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một làng cổ có tuổi đời lên đến hơn 500 năm. Một trong số công trình được dân làng gìn giữ, bảo tồn những dấu tích "còn mãi với thời gian" đó chính là chiếc cổng làng Cựu.
Bình luận 0


Clip cổng làng Cựu hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội. Clip: Ngọc Huệ

"Báu vật" ở đầu làng cổ

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một ngôi làng cổ có tuổi đời lên hơn 500 năm.

Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 1.

Cổng làng Cựu được người dân gìn giữ, bảo tồn và coi trọng như "báu vật". Ảnh: Ngọc Mai.

Đến nay làng Cựu vẫn còn lưu giữ được cấu trúc của một làng truyền thống dù đã trải qua nhiều biến động. Một trong số công trình được dân làng gìn giữ, bảo tồn dấu tích "còn mãi với thời gian" đó là chiếc cổng làng Cựu.  

Sở dĩ gọi "cổng làng Hậu" là bởi, trước đây làng Cựu có 2 cổng làng, đây là chiếc cổng duy nhất còn tồn tại từ thời rất lâu nằm ở phía cuối làng Cựu với kiến trúc độc, lạ, thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Đi qua những con ngõ nhỏ đặc trưng của làng quê truyền thống Bắc Bộ, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Quang Tiến, 87 tuổi, người hiếm hoi trong làng còn minh mẫn khi nhắc về lịch sử dựng làng, trong đó có chiếc cổng làng Cựu.

Theo dòng hồi tưởng của vị lão làng Trần Quang Tiến, làng Cựu xưa là vùng đồng bằng chiêm trũng, người dân làm lụng quanh năm vất vả, mà vẫn nghèo đói. Cứ đến mùa mưa, nước nguồn tràn về, ngập quanh lối, muốn di duyển hay ra khỏi làng, người ta phải dùng đò đi qua cổng làng.

Mùa khô năm 1920 – 1921, làng Cựu xảy ra vụ cháy lớn, cháy quá nửa làng, dân đã nghèo lại càng đói rách thêm. Nhiều người rời làng đi tha hương cầu thực, tìm kế sinh nhai, đến khi thành đạt, giàu có họ lại mang tiền về dựng làng. Hai chiếc cổng làng là công trình được bà con gom tiền, xây dựng.

Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 3.

Diện mạo cổng làng Cựu trước năm 1972. Ảnh nhân vật cung cấp.

"Trước đây, làng có cổng tiền ở gần đình làng, quay hướng Nam nhưng năm 1972, dân làng tự nguyện phá bỏ, để làm đường thông thoáng cho xe chở lương thực có thể vào làng để cất giữ. Bây giờ chỉ còn lại chiếc cổng làng này gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Lối kiến trúc vẫn được giữ nguyên như ngày đầu xây dựng, quý lắm!", ông Tiến xúc động chia sẻ. 

Bà Nguyễn Thị Nga, 56 tuổi, ở làng Cựu, xã Vân từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trầm tư lục tìm trong ký ức về chiếc cổng làng. "Cổng làng là vị trí cao nhất nhì trong làng nên ngày bé, tôi cùng chúng bạn thường leo lên để được phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn không gian rộng lớn xung quanh làng mình cũng như các làng bên. 

Các bà các mẹ trông thấy, mắng nhiều lắm, mắng vì sợ hỏng, sập cổng, vì sẽ nguy hiểm cho chúng tôi. Hồi đấy bé, chưa nghĩ được nhiều, bị mắng đấy, nhưng rồi lần sau chúng tôi lại trèo lên để "thưởng ngoạn", chẳng sợ gì. Nhìn chiếc cổng là như sống lại miền ký ức vui có, buồn có của tuổi thơ…".

Cổng làng kết hợp hài hòa kiến trúc Ta – Tây

Theo ông Tiến, khoảng những năm 1929 – 1931, hai cổng đầu làng và cuối làng được xây dựng. Cổng đầu làng do cụ Nguyễn Ngọc Du chủ trì xây dựng trước. Cổng cuối làng do cụ Chu Văn Khải xây dựng sau.

"Trên cơ sở rút kinh nghiệm xây cổng đầu làng, cùng sự chủ động tiếp nhận đặc trưng của nền văn hóa mới, nên cổng cuối làng có kiến trúc đẹp hơn, đường nét mềm mại, mượt mà hơn rất nhiều. Theo dòng lịch sử biến động và sự dịch chuyển của địa lý, nhưng đến nay, cổng làng Cựu vẫn giữ nguyên được nét xưa cổ kính", ông Tiến bộc bạch.

Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 5.

Mô hình cổng làng Cựu cổ ngày nay. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chiếc cổng làng bề thế là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, thiết kế kiểu "quyển thư". Đứng ở tâm cổng làng, nhìn sang làng Chản, có cảm tưởng hai cánh cổng làng mở sang hai phía, như trang sách khổng lồ mời gọi. 

Cổng làng Cựu có sự pha trộn kiến trúc Ta – Tây, giống như một cổng trường thành không phải để ngăn mà để hút người ta vào bên trong. "Hút vào trong" là hút vào không gian văn hóa xưa cũ, cổ kính, hiếm có còn tồn tại trên mảnh đất kinh kỳ.

Cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà Chùa, vít hai cửa cạnh, tạo cửa giữa mái vòm. Cổng có tầng, có mái và lối lên xuống. Vọng các của cổng làng có mái ngói, bờ đao cong vút, thể hiện sự bề thế, hiên ngang của ngôi làng trù phú.

Đặc biệt, phía trong và ngoài cổng được đắp các linh vật khác nhau và kiến trúc có sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa Á Đông với phương Tây.

Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 6.

Phía gác lửng với nhiều tượng cổ, dù sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay. Ảnh: Ngọc Mai

Phía ngoài, trên đỉnh 4 cột cổng đắp một đôi thiềm thừ. Đối diện phía trong, đỉnh 4 cột dựng một đôi kỳ lân đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính. Đỉnh 2 cột đắt tượng phượng múa và trên đỉnh đôi cột khác đắp 2 nậm rượu với nụ hoa điểm xuyết rất lạ.

Hai cột ngoài cổng đề đôi câu đối chữ Hán, theo sử sách có ghi "Kỳ ngoại bất bế thanh bình y tạc thử giang sơn/Nhật hậu hữu hưng cao đại tồn nghi dung mã cái". Có nghĩa: "Bên ngoài không đóng nước non vẫn thanh bình như xưa/Ngày sau thịnh vượng vẫn vừa cho ngựa xe lui tới". 

Hai cột phía trong cổng đề câu: "Tả hữu du nghi vân trình đản đản/Bắc Nam cộng hợp đại đạo bình bình". Có nghĩa: "Trái phải sửa sang đường mây rộng mở/Bắc Nam hợp lại đạo lớn thẳng băng".

Chuyện giờ mới kể về “báu vật” án ngữ ngay đầu làng cổ 500 năm tuổi ở Hà Nội - Ảnh 7.

Câu đối mang nhiều ý nghĩa ở phía ngoài cổng làng Cựu. Ảnh: Ngọc Mai.

Ngôi làng trải qua hơn 500 năm nhuốm màu của thời gian, nhiều du khách vẫn tìm về làng Cựu như một khát khao sự hoài cổ, bình yên trong tâm hồn, thăm và chụp ảnh lưu niệm bên chiếc cổng làng. Đường nét trạm trổ, hoa văn có phần mai một nhưng dân làng Cựu luôn yêu và bảo nhau gìn giữ, bảo tồn giá trị cổ qua nhiều thế hệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem