Cả nhà anh dũng
Xóm Tây ngày ấy, gia đình ông Nguyễn Biểu được mọi người nể trọng bởi làm ăn giỏi, thật thà, chất phác. Họ có ngôi nhà xây 4 gian, lợp tranh, ruộng đất đến 2 mẫu - là mơ ước của nhiều gia đình bần nông lúc đó. Thời chống Pháp và chống Mỹ, ông bà thường xuyên nuôi giấu cán bộ, du kích.
|
Anh Nguyễn Hữu Bông bên các bằng Tổ quốc ghi công của gia đình. |
Ban Thường vụ Thị ủy Hội An (trong đó có đồng chí Lưu Văn Lộc- Bí thư Thị ủy) đã ở đây và chỉ đạo phong trào cơ sở. Hình ảnh ông Biểu ngày thường chăm chỉ bên thửa ruộng, khi giặc giã thì đến từng nhà vận động nhân dân, rồi khăn đóng, áo dài vào khu vực địch để nắm tình hình báo cho cách mạng... đã khắc sâu trong ký ức của nhiều người.
Bà Kiều nhỏ bé mà can trường, một tấc không đi, một ly không rời, quanh năm đầu tắt mặt tối, chân đồng chân chợ nuôi nấng chu toàn chồng con và các đoàn cán bộ, du kích liên tục đi về. 6 người con của ông bà theo truyền thống gia đình, lớn lên đều tham gia cách mạng.
Năm 1964, cái tang đầu tiên đến với họ Nguyễn nhà ông bà Biểu - Kiều. Con trai lớn Nguyễn Đủ - Trung đội trưởng du kích bị trúng đạn khi đi truy địch ở Gò Nông. Năm 1965, người con trai kế Nguyễn Đông - Xã đội phó tiếp tục ngã xuống. Năm 1966, Nguyễn Thị Đều - cán bộ phụ nữ xã hy sinh anh dũng khi chặn xe tăng Mỹ không cho chúng chà xát xóm thôn. Năm 1967, lão nông Nguyễn Biểu trong một lần đi vận động nhân dân đã bị bọn địch bắn chết, để lại bao tiếc thương cho làng xóm.
4 cái tang liên tiếp, những bộ phản trong nhà lần lượt cưa xẻ làm hòm, bà Kiều không còn nước mắt khóc chồng con. Nhưng bà kiên cường đến lạ lùng, lại động viên các con dâu thờ chồng, nuôi con, tiếp tục giúp đỡ cách mạng. Ngôi nhà với những người đàn bà bé nhỏ trụ bám giữa nỗng cát ấy là cái gai trong mắt kẻ thù. Sáng 25.2.1968, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên lùa nhân dân xóm Tây vào bãi đất trống, trong đó có bà Kiều, con gái đầu Nguyễn Thị Điểu- cán bộ phụ nữ thôn và 2 đứa con của chị, cùng cháu Trúc 3 tuổi (con liệt sĩ Nguyễn Thị Đều). Bọn lính khát máu dùng tiểu liên, lựu đạn giết sạch 126 người. May mắn cháu Trúc chỉ bị thương, được cứu chữa kịp thời.
Hai anh Nguyễn Mãn, Nguyễn Lương tối đó về ôm thi thể mẹ, chị, các cháu mà khóc, chẻ vội thanh tre làm hòm quách chôn cất. Vậy mà chỉ hôm sau, bọn địch dã man cho xe tăng nghiền nát mộ, vùi lấp thi thể, vun xác thành đống. Người thân chỉ còn biết làm 2 nấm mộ tập thể. Năm 1969, du kích Nguyễn Lương trên đường công tác bị pháo địch sát hại khi anh chưa kịp có mối tình hay có đứa con nối dõi như mẹ anh mong ước. Hai năm sau nữa, người con trai cuối cùng của gia đình là Nguyễn Mãn - Bí thư Đảng ủy xã cũng hy sinh trong một trận giặc càn.
Khắc ghi nguồn cội...
Thắp nén hương trên căn phòng thờ san sát các tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Huỳnh Thị Ngó - vợ liệt sĩ Nguyễn Mãn cầm bàn tay cậu con trai Nguyễn Hữu Bông sụt sùi kể lại: “Sau vụ thảm sát xóm Tây, địch bắt tôi đi tù mấy lần, buộc cả nhà tản cư ra Đà Nẵng, cả hai chị dâu và các cháu cũng thế. Trong 6 đứa cháu còn lại của ông bà chỉ còn lại Bông là cháu nội trai duy nhất. Bọn địch muốn gia đình tuyệt tự, nhiều lần tìm cách sát hại nhưng nhờ có người tốt che chở nên thoát nạn.
Có lần ông Mãn cải trang ra Đà Nẵng, đi ngang qua nhà ngắm mặt thằng Bông. Tôi chỉ biết đứng nhìn chồng như người xa lạ. Thi thoảng tôi về quê tiếp tế cho du kích và để cho cha có dịp gặp con. Tháng 2.1971, chồng tôi và các đồng chí của ổng đã tử thủ khi địch phát hiện hầm bí mật. Bọn địch cột dây thép kéo xác 6 người phơi trên chợ Bến Cá.
Bà Nguyễn Thị Kiều và con gái Nguyễn Thị Điểu đều được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Anh Nguyễn Hữu Bông hiện là Phó Công an xã, cháu nội trai duy nhất hiện đang thờ tự các thế hệ của đại gia đình.
Được cơ sở nhắn tin tôi tức tốc ôm cháu Bông bắt xe về. Đến nơi thấy bọn cảnh binh bu kín, chỉ chờ chúng tôi xuống là có cớ bắt luôn, hai mẹ con đành lánh mặt. Đồng bào đã chôn cất các liệt sĩ chu đáo, làm dấu mộ từng người. Khi giải phóng, về cải táng, tất cả vẫn còn nguyên từ áo mưa, bật lửa, bộ móc khóa... ai thấy cũng khóc. Dẫu sao, cha cháu cũng may mắn chứ mộ bác Đủ, bác Đông, cô Đều, chú Lương đều bị địch cày xới, không tìm thấy một ai”.
Anh Nguyễn Hữu Bông cho biết thêm về những người thân còn lại của gia đình: Chị Lê Thị Hiệp nguyên là giao liên trong chiến tranh, con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểu, hiện sống tại xã Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, không lập gia đình, ở vậy để thờ phụng cha mẹ, anh trai và 2 em mình.
Cha chị Hiệp là ông Lê Khế - vùng đội trưởng và anh trai Lê Công Xuân - cán bộ an ninh đều là liệt sĩ. Cô Nguyễn Thị Đều có chồng là Nguyễn Tính, bộ đội tập kết ra bắc, sau vào Nam cũng đã hy sinh.
Con gái cô Đều là chị Trúc, bị thương nặng trong trận thảm sát, nay sống với chồng con ở Điện Bàn. Ba con gái của bác Đủ, bác Đông hiện ở Đà Nẵng. Anh Bông có hai con trai và một gái, cháu lớn là công an tỉnh Quảng Nam.
Ngày giỗ ông bà, chạp họ tộc, các con cháu ở khắp nơi quây quần về quê thắp hương cho người đã khuất. Ai nấy đều tự hào về truyền thống gia đình, làm gì cũng nhớ nguồn cội, xứng đáng là gia đình cách mạng tiêu biểu...
Hồng Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.