Trong tâm thế đó nên chúng tôi chẳng yêu cầu anh tài xế gì cả, ghé nhà nào tuỳ anh. Xe chạy vào làng, tôi chỉ thấy đó là con đường quen. Tự dưng, xe dừng bên trái, ghé ngôi nhà mà tôi cũng chẳng nhìn tấm bảng, cứ vào thẳng nhà thôi. Bước thẳng vào nơi có người phụ nữ trẻ đang dùng đôi bàn tay của mình đi vòng quanh trục gốm vừa đi vừa nặn cái chậu hoa. Chẳng có khuôn nào hết, mỗi sản phẩm đều có kiểu dáng khác nhau, không có cái nào giống cái nào.
Trong lúc các bạn cùng đoàn dạo quanh nhà, tôi cúi chào người đàn bà đang ngồi ăn trầu trên tấm chiếu trải giữa sân. Nhìn bà quen lắm, trong ký ức, tôi nhớ đã từng gặp bà ít nhứt vài lần. Tôi lần vào trong chiếu, hỏi liều: “Bà dì ơi, có phải ngày xưa bà dì đã từng bán đồ đất nung này ở chợ Lạc Nghiệp không?”. Tôi nhìn thấy ánh mắt của bà sáng lên, bà cười vui và ra hiệu biểu tôi ngồi xuống.
Bà tên Phan, năm nay 70 tuổi. “Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nha!” – đó là lời giới thiệu của bà. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của người phương Tây: “Mỗi người già là một thư viện. Khi người già mất đi, cái thư viện biến mất”, nên tranh thủ trò chuyện cùng bà.
Bà kể, bà cưới chồng năm 18 tuổi, đến 19 tuổi sinh con, mỗi năm sinh một người con, bà có 11 người, nuôi hết. Chồng mất năm 42 tuổi. Tôi hỏi: “Thời đó lúc sinh nở, bà có đến trạm xá không?” – “À, sinh tới đứa thứ tư mới có chớ thời trước vẫn có bà mụ đỡ sinh. Bà mụ đó hay lắm, ai đẻ bà cũng đỡ”, bà nói và chỉ về phía xa xa: “Ngày trước ở đây toàn rừng, bà mụ còn được ông cọp mời vô rừng đỡ đẻ cho cọp cái nữa”. Câu chuyện trở nên huyền bí: “Cọp đến trước nhà bà mụ, cõng bà mụ trên lưng đưa vô rừng, đỡ xong cõng trở ra và còn trở lại đem thịt cám ơn nữa. Nhà bà mụ đó đỡ đẻ nhiều đời, tới thời con cháu của bà vẫn còn. Ngày đó, bà mụ lấy cái vỏ hến nhỏ xíu dưới sông để cắt rún cho đứa nhỏ”.
Trong trí nhớ của tôi về hình ảnh của những người Chàm (hồi trước ai cũng gọi vậy chứ không gọi người Chăm như bây giờ) mà tôi đã từng gặp gần 40 năm trước ở chợ quê mình, nên được dịp là hỏi hết. Ngày nhỏ, mỗi lần đi chợ thấy mấy người bán thuốc là lo chạy cho nhanh, vì thấy ánh nhìn của họ “lạ” nên bọn nhỏ chúng tôi đố có đứa nào dám lại gần. Ngày trước, những dịp giáp tết, mấy ông bà Chàm thường đem đồ gốm lên bán ngay trước chợ nhứt là những dịp gần tết, họ ở đó chừng mươi bữa, bán hết mới về lại Phan Rang. Tôi ấn tượng miết với hình ảnh những bà Chàm đội cái lu to đùng đi bán dạo tận các thôn xa xa. Hỏi sao bà đội đồ trên đầu nặng quá, có bí quyết gì không? “Ờ, phụ nữ Chăm ai cũng biết đội vậy, hồi đó cũng tập chớ, đội trên đầu không bị đau vai, mỏi cổ. Có người đội cả 70 ký, không sao”. Hỏi bà giờ có đau vai không, bà nói không thấy sao. Bạn thường thấy dáng người phụ nữ Chăm rất đẹp, lưng cổ đều thẳng, dáng đi cũng vậy. Họ được học và được tập luyện đó. Khi tôi hỏi về chuyện học hành ngày trước, bà nói, đa số đều được học tiếng Việt, mỗi tuần học viết tiếng Chăm một ngày thôi, học tới lớp 5. Ông bà dạy cho con cháu học múa ở một nhà trong làng nên ai cũng biết múa. Tôi hỏi bà về áo dài Chăm, bà kể vanh vách, áo dài có từ ba thế kỷ trước rồi, như áo của con đang mặc đây (bà chỉ cái áo dài của tôi) cũng bắt chước áo của người Chăm và xẻ hai tà ra thôi. Bà vẫn mặc trang phục truyền thống mỗi ngày. Tôi quay sang hỏi các cô con gái của bà, các em nói vẫn có trang phục truyền thống nhưng ít mặc ra đường, cứ mặc đồ như vầy thôi. Người đàn bà 70 tuổi bất chợt thốt lên: “Đó, tôi nói mà, không mặc đồ Chăm, ai cũng tưởng mình là người Việt”. Tôi hỏi chuyện nghề gốm, hỏi xem các cô con gái có thích nghề không? Bà cười vui: “Con thì thích nên đang làm, cháu cũng còn nhỏ nên cho nó quẩn quanh đây để nhìn, để thương rồi học làm. Đất sét lấy cũng không xa mấy vì còn có ruộng, nung gốm ngay cái sân kia, giờ còn rơm nên cũng đỡ”. Hỏi xem giờ thu nhập có đủ giữ nghề không? Bà nói bán cũng được, nhưng hồi đó tui nuôi con toàn sữa của mình, giờ tụi nó mua sữa ngoài từ nhỏ nên cũng tốn lắm.
Câu chuyện sẽ không dứt nếu tôi còn thời gian ngồi lại. Tạm biệt người đàn bà ăn trầu gần tám năm, tôi hỏi vui: “Trầu ngon không bà?” – “Ui, ghiền rồi!”. Ra phía trước nhà, chúng tôi mua thêm vài món đồ nữa để vừa ủng hộ làng nghề, mà thật ra có nhiều món đáng mua như lọ xông tinh dầu, cái chặn giấy, chậu hoa treo, đồ đựng trái cây vừa đẹp lại không đắt nữa. Tôi còn muốn bưng cả bộ khuôn bánh xèo bằng đất nung kia.
Mong rằng những món đồ gốm mỹ nghệ và cả những món đồ gia dụng như lu đựng gạo, nồi đất, niêu cơm… vẫn được người xứ mình chuộng như xưa để làng nghề còn. Nếu như có chủ trương nào đó chê cái làng nghề làm ô nhiễm do khói thì cũng thiệt là oan. Khói của vài cành cây khô trong vườn, khói của rơm rạ đâu bằng khói độc hại của những cái nhà máy kia, phải không bạn?
Thanh Thuý (Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.