Từ một người xinh đẹp, nết na
Theo các tài liệu chính sử, Phụng Dương sinh năm 1244, mất năm 1291, là con gái của Thái Sư Trần Thủ Độ với phu nhân Bảo Châu. Vì được vua Trần Thái Tông yêu mến nên Phụng Dương được nhận làm con nuôi và mang thân phận như một công chúa của nhà Trần.
Đến tuổi trưởng thành, Phụng Dương được đem gả cho Trần Quang Khải (con trai thứ của vua Trần Thái Tông). Bấy giờ Quang Khải là người tài hoa, khí phách anh hùng, có tài thơ ca và tính tình phóng khoáng, cùng lúc lại say đắm những mỹ nhân khác mà có phần lạnh nhạt với công chúa Phụng Dương. Tuy nhiên, bà tuyệt nhiên không có hờn ghen với chồng và có ý giấu chuyện này với cha mẹ đẻ.
Phụng Dương hiểu và thông cảm cho tính cách của Quang Khải. Bà đối tốt và bao dung với các tì thiếp của chồng, ân cần chỉ dạy cho họ cách cử xử cho phải đạo. Nhờ vậy, Quang Khải có thời gian dồn tâm sức cho chuyện quốc gia đại sự. Ở tư gia, Phụng Dương chăm lo quán xuyến gia đình, cư xử đúng mực với mọi người giữ được gia phong, gia sản nên được Quang Khải hài lòng hết mực.
Ngoài việc nhà chồng, bà còn thường xuyên thu xếp về nhà thăm, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Khi thân phụ Trần Thủ Độ qua đời, Phụng Dương lại đích thân lo cơm nước, hầu hạ mẹ chuẩn mực như một thôn nữ hiếu thảo.
Đến người vợ hi sinh vì chồng
Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất năm 1258, đế chế Mông Cổ chưa từ bỏ tham vọng và quyết tâm trả thù nhà Trần bằng một cuộc vũ trang xâm lược vào cuối năm 1284 đến năm 1285. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 của Đại Việt, nhằm tránh đối đầu với sức tấn công của giặc, phát huy sở trường của ta, quân đội nhà Trần đã thực hiện chiến pháp "Vườn không nhà trống".
Lần rút lui về Thiên Trường năm ấy, Trần Quang Khải cùng phu nhân Phụng Dương được lệnh bí mật hộ tống triều đình xuôi sông ngay trong đêm. Nửa đêm, vì bất cẩn, có một chiếc thuyền trong đoàn bốc cháy, mọi người hoảng loạn, kẻ la, người hét và cho rằng thích khách của Mông Nguyên đã đột nhập.
Bấy giờ Phụng Dương vẫn giữ được bình tĩnh, bà đánh thức Quang Khải dậy, nhanh chóng đưa cho chồng tấm khiên gỗ để phòng thân và không ngần ngại liều mình lấy thân che chắn cho chồng. Thật may, sự việc đã nhanh chóng được kiểm soát. Tuy nhiên, chính lòng can đảm và sự bình tĩnh đến lạ thường của Phụng Dương đã góp phần tích cực vào việc "cảm hóa" Quang Khải. Sau đó bà được sủng ái hết mực.
Nhờ công đức của người vợ hiền thục Phụng Dương mà công trạng của Trần Quang Khải thêm dày. Chính ông cũng từng nhận xét rằng "Nàng là người làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử".
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.