Gặp chị Đào Lưu Nhân Văn (sn 1978), một phụ nữ cởi mở, duyên dáng, ít ai nghĩ rằng đây là một người có cá tính rất mạnh.
Và trong suốt 15 năm kể từ khi kết hôn, người đảm nhận công việc nấu nướng trong nhà chị không ai khác chính là chồng chị, anh Lê Ngọc Sơn, một kỹ sư địa chất.
Mối tình “sét đánh ngang người”
Gặp nhau lần đầu trong hội trại sinh viên, anh Lê Ngọc Sơn cực kỳ... choáng váng trước lời đề nghị thẳng thừng “để lại tiền cho nồi cháo lớp tớ” của một cô gái chưa từng quen biết, là chị Nhân Văn. Và rồi người bạn gái này khiến anh Sơn ấn tượng đến mức đúng sáng hôm sau anh đã có mặt tại nhà chị Văn chỉ để rủ đi hội trại.
Vợ chồng anh Lê Ngọc Sơn và chị Đào Lưu Nhân Văn.
Và khoảng 1 tuần sau đó với vỏn vẹn có đúng 3 lần gặp mặt, chị Văn chính thức nhận lời yêu anh. Bạn bè khi đó có lời ra tiếng vào nhưng quan điểm của chị luôn rõ ràng: yêu không cần giữ kẽ, càng không cần phải giấu trong lòng.
Còn anh Sơn thì không ngờ mình lại có cảm xúc mạnh với một người bạn mới quen như vậy. Anh gọi đây là mối tình “sét đánh ngang người”.
Suốt những năm yêu nhau, cũng như bao đôi bạn trẻ khác, họ cũng trải qua nhiều hạnh phúc lẫn giận hờn. Tuy nhiên, khác với những cô gái khác, ngay từ thuở hẹn hò, chị Văn luôn khẳng khái tâm sự với anh Sơn rằng chị không giỏi nội trợ, không yêu thích việc nội trợ và đề nghị anh Sơn sẽ làm thay chị điều đó khi hai người kết hôn.
Câu chuyện tưởng như đùa này hóa trở thành sự thật khi hai người chính thức trở thành vợ chồng và cùng chung sống dưới mái nhà có nhiều thế hệ.
Anh Sơn là con trai duy nhất trong nhà, lại quen được bố mẹ chăm bẵm từ nhỏ nên đối với anh công việc bếp núc là điều hoàn toàn xa lạ. Bởi vậy nên những ngày đầu sau khi cưới, có vợ mà anh lại bỗng dưng phải lĩnh thêm nhiệm vụ nấu nướng, thú thực anh cũng không thoải mái.
Tuy nhiên, phần vì lời hứa danh dự với vợ trước khi cưới rằng chấp nhận việc vợ sau này sẽ không làm nội trợ, phần vì muốn giữ cho gia đình ấm êm, lâu dần anh Sơn cũng quen với “trật tự” trong gia đình.
Cô con gái đầu lòng cực kỳ dễ thương của vợ chồng chị Nhân Văn.
Và thế là hàng ngày, sau khi tan sở, thay vì la cà quán bia như bạn bè, anh lại vội vã về nhà đi chợ mua đồ, nấu nướng và tắm cho con.
Hạnh phúc là sự sẻ chia
Để đưa một công tử bột trở thành một người đàn ông đảm đang nội trợ sau giờ tan sở không bao giờ là chuyện giản đơn, đặc biệt với một người có cá tính mạnh như anh Sơn.
Tuy nhiên, đối với chị Văn, chị đơn giản chỉ chứng minh rằng chị không có khả năng nấu nướng. Chị thường nói với chồng rằng chị cũng phải đi làm ngày 8 tiếng như chồng, sức khỏe chị kém hơn trong khi đêm về anh có thể nghỉ ngơi thì chị vẫn phải nghiên cứu mẫu áo dài, và trả lời khách hàng. Thêm nữa, chị còn phải mang bầu, sinh con rồi chăm em bé.
Chị Nhân Văn và cô con gái thứ hai trong một buổi đi chơi.
Làm bếp không phải là công việc mặc định cho phụ nữ. Chị luôn nghĩ vậy nên hàng ngày mỗi khi chồng chị nấu nướng, chị để cho anh quyết định mọi việc từ ăn thứ gì, nấu ra sao. Chị để chồng tự giác mọi việc và đặc biệt không bao giờ nói: “Anh làm hộ em” bởi theo đó là nhiệm vụ của cả vợ và chồng chứ không phải của riêng ai.
Hàng ngày, nhìn con trai phải hì hụi trong bếp, nhiều lần bố mẹ chồng chị cũng tỏ ý không hài lòng. Nhưng chị cũng có lý lẽ để thuyết phục bố mẹ chồng. Nhiều lần chị lựa lời tâm sự rằng cách san sẻ việc nhà này sẽ giúp chồng gắn bó với gia đình và tránh xa các tật xấu như rượu bia, cờ bạc... sau giờ tan sở. Và lâu dần thấy cách quản lý và sắp xếp gia đình như vậy là hợp lý, bố mẹ chồng chị cũng quen dần.
Không chỉ riêng trong chuyện bếp núc, chị luôn tâm sự với chồng rất rõ ràng rằng chị già đi xấu đi là vì gia đình, vì vậy nên chị cũng luôn mong anh chia sẻ mọi việc từ chăm con, quan hệ nội ngoại đến kiếm tiền.
Nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân của chị là phải thương lấy bản thân mình thì mới mong chồng thương.
Không đảm đang việc nội trợ, bếp núc nhưng bù lại chị Văn lại luôn là một người bạn tâm giao cực hợp với chồng. Chị luôn cho rằng cảm xúc cuộc sống là điều cực kỳ quan trọng và chị luôn nỗ lực mang đến một không khí gia đình yên bình. Vì lẽ đó nên dù chồng ở cơ quan căng thẳng đến đâu, hay có điều gì phiền muộn đến mức nào thì cứ khi trở về nhà và được chuyện trò với vợ, mọi nỗi buồn lại dịu vợi.
Chị Nhân Văn và con gái.
Chia sẻ về tổ ấm của mình nhân 15 năm ngày cưới, chị Văn đã gửi đến chồng những dòng đầy cảm xúc: “Giờ này cách đây 15 năm, hắn và mình gặp nhau. Lời nói đầu tiên mình dành cho hắn là đòi nộp tiền vì đã tham gia hội trại ăn uống. Cũng chỉ 1 câu đùa vậy mà mình đã khiến cuộc đời hắn nở hoa (mình tin là hắn nghĩ thế trong tim)...
15 năm vẫn chí choé, vẫn mỗi ng một sở thích, 15 năm vẫn nói, vẫn nhắn tin chỉ để nói câu "iu" nhau mỗi ngày, 15 năm mình chưa nấu ăn hay là lượt quần áo cho hắn, 15 năm hắn vẫn cứng đầu và ngang bướng còn mình.
Cũng vậy, 15 năm vẫn có vài lần mình gào lên đòi chia tay (1 mình mình đơn ca bài này vì hắn vẫn thủng thẳng "Em sao thế? Anh không đòi bỏ em thì thôi...".
Tất nhiên là có vài lần say sưa với bạn, hắn cáu, hắn nói đuổi mình về nhà mẹ -mà sau hắn thanh minh đại ý kiểu như là hắn muốn mời mình về nhà mẹ mình chơi vậy. Lúc tỉnh thì không dám nói vì không có mình thì hắn nấu ăn cho ai thưởng thức? Ai sẽ làm cuộc đời của hắn luôn "sôi động"? Đôi khi nghĩ, nếu hắn không lấy mình thì ai muốn lấy mình đây”.
Giờ đây đã 15 năm ở bên nhau nhưng đôi vợ chồng này ngày nào cũng vẫn nhắn tin: “Em yêu anh/Anh yêu em” như thuở mới hẹn hò. Dẫu vậy, khi chia sẻ về hạnh phúc của mình, họ chỉ nhẹ nhàng bảo rằng: Họ vẫn đang học cách để hiểu nhau hơn.
Đào Vũ (Người đưa tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.