Chuyển "nhà" sang HOSE, cổ phiếu ngân hàng có hấp dẫn hơn?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 23/10/2020 10:51 AM (GMT+7)
Với điểm chung là tin tức xung quanh việc chuyển sàn từ UPCOM và HNX sang HOSE, cả ba ngân hàng LPB, SHB và VIB đều tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm, tương ứng là 80%, 197% và 95% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận 0

Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng TMCP niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức, theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".

Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn Upcom (Ngân hàng Bản Việt, Nam Á Bank) vào năm 2020, và các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HOSE (OCB, Maritime Bank, SeaBank) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Đo độ hấp dẫn của cổ phiếu chuyển sàn LPB, SHB và VIB - Ảnh 1.

Cổ phiếu "vua" đua niêm yết, chuyển sàn sang HOSE

Điều thú vị là các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý (vì đã niêm yết trên HNX như SHB hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom như VIB và LPB trong gần 3 năm) cũng có kế hoạch chuyển sang HOSE trong quý 4/2020, bất chấp các điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.

Theo đó, HNX vừa có văn bản thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với gần 977 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank từ ngày 26/10. Ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM là ngày 23/10.

Trước đó, ngày 14/10/2020, gần 977 triệu cổ phiếu mã LPB đã được chấp thuận niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) theo Quyết định số 621/QĐ-SGDHCM.

Đại diện Ngân hàng TMCO Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng cho hay, việc sáp nhập 2 Sở được thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2023, nhưng Ngân hàng khả năng sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE trong năm nay.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) hiện đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và cũng dự kiến "chuyển nhà" vào tháng 11 tới.

Chuyển sàn sang HOSE – Áp lực từ bên ngoài hay động lực tự thân?

Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nhu cầu "hối thúc" chuyển sàn của các cổ phiếu "vua" như trường hợp của SHB, VIB hay LPB một phần có thể do áp lực cạnh tranh. Bởi các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HOSE.

Ngoài ra, điều này có thể là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HOSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Chưa kể, các ngân hàng không có thách thức đáng kể nào khi niêm yết trên HOSE hay không gặp khó khăn cụ thể nào khi chuyển niêm yết sang HOSE.

Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý việc công bố thông tin tại HOSE chặt chẽ hơn UpCom. Ví dụ, UpCom chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm, trong khi HNX và HOSE yêu cầu báo cáo tài chính quý. Song, LPB và VIB đều có thể đáp ứng các yêu cầu này.

Trong khi đó, niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là việc có thêm nhiều cơ hội tăng vốn hơn chính là lợi ích nổi bật nhất.

SSI chỉ ra rằng, việc chuyển từ UpCom sang HOSE sẽ khiến VIB và LPB đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ, giúp cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ được phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng kể từ ngày niêm yết.

Thêm vào đó, tính minh bạch, cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UpCom. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UpCom.

Trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, trong khi 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng nhỏ trên UpCom. SSI ước tính, nếu các ngân hàng này đều niêm yết trên HOSE, vốn hóa thị trường của ngành ngân hàng trên tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng từ 27% lên 30%.

Ngoài ra, hiện, một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UpCom. Do đó việc chuyển sang HOSE sẽ khiến VIB và LPB có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận. Tuy nhiên, trong trường hợp của VIB, lợi ích này không nhiều, vì không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu chuyển sàn có hấp dẫn?

Cổ phiếu SHB, LPB và VIB là những ngân hàng cấp 2 nhanh nhạy về quy mô tài sản trong hệ thống ngân hàng, với thị phần từ 1,6% đến 3%. 

VIB có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất, chiếm khoảng 80% dư nợ cho vay, tiếp theo là LPB với khoảng 40% và SHB là 21%. 

Điều này phần nào giải thích cho xếp hạng biên lãi ròng (NIM) của những ngân hàng này, trong đó VIB có NIM là 4%, trong khi LPB là 3% và SHB là 2,4%.

Đo độ hấp dẫn của cổ phiếu chuyển sàn LPB, SHB và VIB - Ảnh 3.

Các ngân hàng được nhiều lợi ích khi chuyển sàn (Ảnh minh họa)

SSI kỳ vọng rằng các ngân hàng này sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và NIM sẽ tiếp tục mở rộng trong các quý tới. Tuy nhiên, LPB gặp nhiều khó khăn hơn do sử dụng nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn và tiền gửi không kỳ hạn giảm.

Về chất lượng tài sản, theo quan điểm của SSI, SHB và LPB vẫn có một số tài sản nghi ngờ là các khoản vay có vấn đề (SHB) hoặc cho vay nhiều vào các ngành có tính chu kỳ dẫn đến rủi ro tín dụng cao (LPB). Cụ thể, dư nợ cho vay của LPB trong các ngành xây dựng, bất động sản và nhà hàng, khách sạn chiếm gần 30% tổng dư nợ cho vay, hoặc gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và dự phòng. Đối với SHB, tổng tài sản xấu ước tính chiếm 53,2% tổng vốn chủ sở hữu và dự phòng. 

Dù vậy, với điểm chung là tin tức xung quanh việc chuyển sàn từ UPCOM và HNX sang HOSE, cả ba ngân hàng LPB, SHB và VIB đều tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm, tương ứng là 80%, 197% và 95% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng này, LPB vẫn có tiềm năng tăng giá 16,7% và SHB có khả năng tăng 5,9%. Trong khi đó, tiềm năng này thấp hơn ở VIB do cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài và thị giá đã ở mức tương đối cao.

Về động lực trong thời gian tới, theo SSI, lợi nhuận của LPB được kỳ vọng sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2020, nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính hồi phục trong giai đoạn hậu Covid-19 trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập cải thiện đáng kể. Đồng thời, việc chuyển sàn từ UPCOM sang HoSE trong tháng 11/2020 sẽ thúc đẩy việc định giá lại.

Trong khi đó, do phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng, đặc biệt là cho vay bán buôn, SHB sẽ nhạy cảm hơn với diễn biến của thị trường. Xu hướng giảm của lãi suất tiếp tục là yếu tố hỗ trợ chính để SHB có thể xử lý các tài sản có vấn đề.

Đáng chú ý, SHB huy động vốn chủ yếu từ khách hàng cá nhân (chiếm 68%) và giải ngân phần lớn cho khách hàng doanh nghiệp (chiếm 79%). Sự mất cân đối này thường thể hiện chênh lệch lãi suất hẹp.

Với VIB, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong 2020 và 2021 dự báo sẽ giảm so với mức tăng trưởng 80% của giai đoạn 2016-2019 do triển vọng của mảng cho vay ô tô bị sụt giảm.

Các nhà băng đang làm ăn ra sao?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, VIB ghi nhận 7.854 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng từ đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ. Ngân hàng thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38%.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 213.000 tỷ, dư nợ tín dụng đạt 151.000 tỷ, tăng 14,2% so với đầu năm và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu cùng thời điểm của VIB ở mức dưới 2%.

Trong hoạt động kinh doanh, thế mạnh lớn nhất của VIB là việc đứng đầu thị phần cho vay mua ôtô trong nước (trên 25%). Ngân hàng này còn chiếm thị phần số một (80%) trong mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential.

Những năm gần đây, VIB là một trong số ít ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận 6 năm liên tiếp (từ 2013). Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh từ 2017 đến nay với mức bình quân trên 80%/năm.

Với LienVietPostBank, 9 tháng đầu năm nhà băng này báo lãi trước thuế 1.740 tỷ, vượt kế hoạch cả năm nay và cao hơn 6% so với cùng kỳ. Lãnh đạo nhà băng cho biết với dự báo nền kinh tế phục hồi trong quý cuối năm, nhu cầu vay vốn kinh doanh, tiêu dùng tăng trở lại, LienVietPostBank ước tính lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ vượt 2019 và đạt mức cao nhất 12 năm hoạt động.

SHB đến thời điểm hiện tại chưa công bố Báo cáo tài chính quý III/2020. Kết thúc nửa đầu năm, SHB ghi nhận gần 1.662 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm trước, do SHB trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,4 lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem