Chuyện những người vợ 20 năm “chia sẻ” chồng với biển

Thanh Hải Chủ nhật, ngày 30/11/2014 06:35 AM (GMT+7)
Là vợ của những người chồng 20 năm có lẻ gắn bó với Trường Sa và các nhà giàn, các chị đã phải vượt qua bao nhiêu lo toan vất vả của cuộc sống đời thường để một mình lo toan gánh vác việc nước, việc nhà.
Bình luận 0

Thời gian ở bên chồng tính bằng… ngày

Chúng tôi đến khu tập thể gia đình Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân ở phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Tàu. Ở đây có khoảng 200 hộ gia đình. Tuy mỗi một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khác nhau, mỗi người một miền quê khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là chồng công tác ngoài đảo xa.

img
Chị Mai - vợ thiếu tá Đậu Đình Phú kèm cặp các con học bài.  
Có dịp ra thăm nhà giàn Phúc Nguyên, cách TP.Vũng Tàu hơn 300 hải lý, tôi đã gặp thiếu tá Bùi Đình Thát. Trò chuyện với anh chúng tôi được biết, anh sinh ra ở quê hương xứ Nghệ, tuy mới gần 50 tuổi nhưng trên đầu tóc đã bạc trắng như sợi cước. Anh có lẽ là người lính có thâm niên lâu nhất ở quần đảo Trường Sa này. Nhớ về kỷ niệm đi biển 26 năm về trước, anh Thát kể: “Ngày ấy sau khi tốt nghiệp Trường Cơ yếu quân đội tôi đã viết đơn tình nguyện ra đảo công tác, khi mới bước chân ra nhà giàn cuộc sống nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn vất vả, như rau xanh, nước ngọt thiếu trầm trọng nhưng tôi và đồng đội đã lao vào công tác, vượt qua tất cả, ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển”.

Và giờ, tiếp chúng tôi trong căn nhà 65/36 đường Đô Lương, chị Trần Thị Tú- vợ anh Thát kể: “Tôi quê Thanh Hoá, vào Vũng Tàu làm ăn từ năm 1993, rồi gặp anh Thát và nên vợ nên chồng. Lúc đó tôi không nghĩ rằng phải xa anh ấy tới 26 năm, thời gian gặp nhau trong năm tính bằng số ngày ít ỏi”.

Ngày mới lấy nhau cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn thiếu thốn. Cưới nhau được hơn một năm, khi chị vừa sinh con trai đầu lòng thì anh lại khoác ba lô ra nhà giàn Phúc Tần công tác. Ở nhà, một mình chị phải lo toan có thể nói là “núi” công việc. Mở mắt ra là lo cho con ăn, chở con đi học rồi đến cơ quan làm việc, trưa lại về lo đón con… có những lúc con ốm con đau, bệnh tật, trái gió trở trời, bao nhiêu công việc đè nặng lên đôi vai, chị lại lặng lẽ một mình âm thầm giải quyết. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị, đơn vị đã tạo điều kiện cấp đất, cho vay tiền để chị nuôi lợn, nấu rượu và tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận hàng gia công về làm để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, cuộc sống tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Tú rất tự hào vì chồng mình đang làm nhiệm vụ nơi biển xa, con trai chị Bùi Tuấn Đạt đang học năm thứ 2 Đại học Bách khoa – TP.Hồ Chí Minh.

Tất cả vì người lính

Chị Phạm Thị Mai, vợ của thiếu tá Đậu Đình Phú ở hẻm 80 đường Đô Lương, cũng có hoàn cảnh như chị Trần Thị Tú. Ngày anh và chị lấy nhau, anh là nhân viên cơ yếu nhà giàn Tư Chính 4, đóng trên thềm lục địa phía Nam. Yêu anh, chị chấp nhận khó khăn, gian khổ của người lính. Chị Mai nhớ lại: “Ngày mới lấy nhau cực lắm, là vợ lính đảo, mình phải tự lập hoàn toàn. 5 năm chung sống thì chỉ có một cái tết vợ chồng được đón giao thừa cũng nhau. Cuộc sống của anh gắn liền với đảo xa, bao nhiêu công việc gia đình xã hội, mình đều lo gánh vác hết”. Ngừng một lát cho bớt xúc động, chị Mai tâm sự: “ Lính là như thế đấy, lấy nhau là chấp nhận cuộc sống vợ chồng xa cách, mình phải biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để tạo điều kiện cho chồng yên tâm bảo vệ Tổ quốc”.

Không chỉ chu toàn việc nhà, nuôi dạy con cái, những người vợ lính Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân còn hết lòng chăm sóc chu đáo gia đình chồng. Điển hình là gia đình chị Tâm ở sát nhà chị Tú. Chị Tâm có chồng đang công tác tại đảo Núi Le, cách đất liền gần 300 hải lý. Lấy nhau hơn 10 năm, nhưng anh đi biền biệt, ít khi có mặt ở nhà. Ở nhà một mình chị không chỉ lo toan xoay xở công việc gia đình, mà còn lo thuốc thang cho mẹ chồng ốm liệt giường không đi lại được. Ngày anh Thu ở đảo về thấy mẹ mình khoẻ mạnh, bệnh tình thuyên giảm, các con học hành tốt, anh mừng rơi nước mắt và rất tự hào vì có người vợ hiền chung thủy, đảm đang công việc nhà.

Hiểu và chia sẻ với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc, cứ mỗi chuyến tàu ra đảo, các chị lại gửi chút quà quê hương, có khi chỉ là gói vải thiều khô, túi trà Bắc, bịch sắn dây khô, những quả chanh gói kỹ có thể để lâu và không thể thiếu lá thư nhà… các anh đều mừng khôn xiết và chia sẻ cùng nhau.

  Chúng tôi hiểu, trong suy nghĩ của những người lính, những gian lao, sóng gió nơi đảo xa không thấm vào đâu so với sự hy sinh của những người vợ nơi đất liền. Các chị đã tích cực lao động cống hiến và chấp nhận hy sinh thầm lặng, để người thân của mình yên tâm với nhiệm vụ được giao, ngày đêm canh giữ biển, đảo, thềm lục địa phía Nam thân yêu của Tổ quốc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem