Những cột mốc sống trên biển đảo Trường Sa

Thứ sáu, ngày 23/05/2014 06:24 AM (GMT+7)
Sau những lần ra Trường Sa, cảm xúc bồi hồi, xúc động, cảm phục mỗi lần một tăng lên. Bà con rất quyết tâm và đầy nghị lực cùng với bộ đội bám biển, bám đảo…
Bình luận 0
Ngày 22.5, Đoàn công tác Hội NDVN đã trở về đất liền sau chuyến đi thăm, làm việc trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Sự có mặt và các hoạt động của đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ, lao động sản xuất trên vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc…

Giữa tháng 5, quần đảo Trường Sa đang trong những ngày cuối cùng của mùa nắng nóng, ngư trường khơi xa nhộn nhịp hơn với các chuyến tàu công tác và hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân…

Ấm tình quân dân…

Tàu cập cảng Trường Sa Lớn, quân dân nơi đây nồng hậu chào đón những người khách đất liền. Những câu chuyện hỏi thăm giữa khách và chủ nhà tưởng như không bao giờ kết thúc.

Anh Nguyễn Phong Danh, vợ là chị Phạm Thị Như Trinh là ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn. Anh chị có 2 con trai, đứa lớn sắp bước vào lớp 2 ngay tại ngôi trường tiểu học khang trang rợp bóng cây xanh trên đảo. Hằng ngày, anh Danh cùng bạn chài ra khơi đánh bắt cá. Như bao phụ nữ khác ở Trường Sa, chị Trinh ở nhà nội trợ, chăn nuôi đàn gà, đàn vịt, trồng rau xanh cải thiện đời sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Duy Lượng trao quà cho cán bộ, chiến sĩ và các hộ ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Duy Lượng trao quà cho cán bộ, chiến sĩ và các hộ ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn.

Sản xuất nông, ngư nghiệp ở Trường Sa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng mỗi người dân ý thức phải đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo. Tâm sự với đoàn Hội NDVN, chị Đoàn Thị Minh Thịnh - vợ anh Tô Hoài khoe: “Năm 2013, vợ chồng em đã thu hoạch được gần 1.000 trái mướp, bầu, bí các loại…”.

Với các hộ dân đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Lạc- Chủ tịch Hội ND tỉnh Khánh Hòa gần như nhớ tên, thuộc từng khuôn mặt bởi trước đó ông đã từng ra thăm, động viên bà con ngư dân đang sinh sống ở nơi khó khăn nhất của tỉnh Khánh Hòa và cũng là nơi khó khăn nhất của đất nước. “Sau những lần ra Trường Sa, cảm xúc bồi hồi, xúc động, cảm phục mỗi lần một tăng lên. Bà con rất quyết tâm và đầy nghị lực cùng với bộ đội bám biển, bám đảo…”.

Đầy bất ngờ và cảm phục cũng là trạng thái cảm xúc của nhiều người khi lần đầu tiên đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác đã lắng nghe, chia sẻ nhiều tâm sự của những anh bộ đội có nhiều năm ăn tết trên đảo. Rồi cũng vì xa cách đất liền, điều kiện tiếp xúc hạn chế nên có anh chưa tìm được ý trung nhân, chưa lập gia đình…

Với đoàn công tác Hội NDVN, trung tá Lương Xuân Giáp - Chính trị viên đảo Trường Sa bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên đảo Trường Sa đón đoàn của Hội NDVN ra thăm và công tác. Sự có mặt của đoàn đã góp phần động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ cũng như ngư dân trên đảo tiếp tục vượt khó khăn, hăng hái lao động sản suất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...”.

Đảm bảo ngư dân ra khơi xa

Hoàng Sa-Trường Sa là những ngư trường rộng lớn, giàu hải sản. Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự bảo vệ của hải quân và các lực lượng trên biển, hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản của bà con ngư dân trên 2 ngư trường này ngày càng thuận lợi. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây là một điển hình.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đắc - chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2014, đảo đã đón nhận hơn 800 lượt tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ra vào khu dịch vụ hậu cần nghề cá để tiếp nhiên liệu và các vật tư phục vụ khai thác và đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa. Đội tàu của khu dịch vụ hậu cần nghề cá còn tỏa đi các điểm, đảo xa trên quần đảo Trường Sa để cung cấp kịp thời nhiên liệu, vật tư cũng như hỗ trợ ngư dân vận chuyển, tiêu thụ hải sản ngay trên biển.

Quân chủng Hải quân cũng đang duy trì một đội nuôi cá lồng bè trên đảo Đá Tây. Trung tá Đặng Văn Bình - đội trưởng đội nuôi cá lồng bè trên biển cho biết thêm, qua nhiều năm nghiên cứu, nuôi thử nghiệm, đến nay đã có nhiều loài cá biển quý, giá trị kinh tế cao được nuôi thành công như cá chim trắng, cá mú, cá hồng đen, cá chẽm, cá giò…

Đại tá Lê Bá Sổ - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khẳng định: “Khu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như các họat động của các đơn vị, lực lượng Hải quân đã thu hút, khuyến khích ngày càng nhiều tàu thuyền của ngư dân trong đất liền ra đánh bắt và khai thác hải sản. Dân không chỉ khai thác, đánh bắt hải sản mà còn giúp quân đội nắm bắt, cung cấp thông tin về tình hình tàu bè trên biển…”.

Luôn hướng về biển đảo quê hương

Cũng như nhiều người khác lần đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa, trên những đảo nổi, đảo chìm, cán bộ Hội ND một số tỉnh thành đã “chạm” được tới cuộc sống đời thường cũng như trong huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ.

Ông Lê Ngọc Thắng- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội bày tỏ: “Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, cán bộ, hội viên, ND thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia các cuộc vận động, chương trình hướng về Hoàng Sa, Trường Sa…”. Trong 2 năm 2013-2014, thông qua các chương trình, trong đó có cuộc vận động “Nông dân với Trường Sa”, cán bộ, hội viên, ND thủ đô Hà Nội đã ủng hộ Trường Sa gần 1 tỷ đồng…

Đoàn công tác Hội NDVN do Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng dẫn đầu đã thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; viếng mộ, thắp hương các liệt sĩ; viếng và thắp hương tại Nhà tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Vinh; tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam DK1.

Tại đảo Đá Đông và nhà giàn DK 1/9 thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, thay mặt các đoàn từ đất liền ra Trường Sa, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng đánh giá cao, cảm phục tinh thần, trách nhiệm cao, vượt qua nhiều khó khăn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, phòng thủ vững chắc, sẵn sàng chiến đấu cũng như hăng say lao động sản xuất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và khu nhà giàn DK1.

Ông Nguyễn Duy Lượng khẳng định: “Cùng với ngư dân trong đất liền, bà con ngư dân ở Trường Sa chính là những cột mốc sống về chủ quyền lãnh thổ nơi biển đảo liêng liêng của Tổ quốc…”.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng đề nghị, qua thực tế chuyến công tác, tùy vào nhiệm vụ, chức năng của mình, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trong đoàn công tác sẽ tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, những cá nhân, tập thể đã anh dũng hy sinh; có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ biển đảo; tham gia đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về các vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các vùng biển đảo nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng…

Bà Đỗ Thị Huê - Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng CSXH VN


“Đến đây tôi mới cảm thấy hết biển đảo Trường Sa đẹp, giàu có nhưng cũng đầy khắc nghiệt. Đến đây tôi mới cảm nhận trọn vẹn được nghị lực, quyết tâm và tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam…”.

Ông Lê Ngọc Thắng - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội


Chuyến công tác đã đem lại cho tôi những trải nghiệm thực tế, ấn tượng và đầy xúc động. Cảm nhận rõ nhất của tôi sau chuyến đi là thêm tin tưởng hơn rất nhiều đối với các lực lượng quân dân đang làm nhiệm vụ, lao động sản xuất trên quần đảo Trường Sa.


Phương Đông (Phương Đông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem