Chuyện rửa 17 mâm bát đũa và những vui, buồn làm dâu thời hiện đại

Nguyên Vỹ (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 02/12/2016 15:03 PM (GMT+7)
Các nàng dâu mới về nhà chồng với những câu chuyện xoay quanh vẫn luôn là tâm điểm chú ý của nhiều người.
Bình luận 0

Thời gian gần đây,  câu chuyện nàng dâu mới (20 tuổi) phải rửa 17 mâm bát đũa trong ngày giỗ được đăng tải trên facebook khiến cộng đồng mạng xôn xao. Hình ảnh cô gái lọt thỏm giữa đống bát đũa ngổn ngang kèm theo dòng tâm trạng đang nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

img

Bức ảnh khiến cộng đồng mạng xôn xao. Ảnh: Fb

Trên dòng status chủ nhân chia sẻ: “Họ nhà chồng toàn cháu trai. Em là dâu trưởng, năm đầu về làm dâu 17 mâm giỗ, to quá chị em ạ. Tự chuẩn bị từ hôm trước luôn. Ở nhà chỉ có ăn, giờ lăn ra làm không biết kêu ai. Lần đầu tiên trong đời em rửa nhiều bát đến thế, may mà 1 năm có một đám giỗ to thế này thôi, không tính đám nhỏ. Nhưng cứ nghĩ cảnh 15-17 mâm, em cũng sợ”.

Trước đó, vào khoảng tháng 3 trên diễn đàn mạng xã hội cũng “nóng hổi” với hình ảnh nàng dâu xinh đẹp đang mặc chiếc áo dài cưới ngồi giữa đống bát đũa hì hục rửa do nickname C.T đăng tải. Đính kèm bức ảnh là lời chia sẻ: “Các chị em ơi, chia sẻ ngày đầu tiên làm dâu đi ạ. 20 mâm ăn hỏi mà các thím rửa cho 18 mâm rồi, còn 2 mâm các mợ ạ, uống mãi không thấy say luôn”.

img

Cô dâu xinh đẹp mặc áo dài cưới 

Nhân vật chính trong bức ảnh là cô gái sinh năm 1995 Nguyễn Thu T. (Hà Giang). Chia sẻ với báo chí, T. cho biết: “Hôm đó là lễ ăn hỏi, lẽ ra tôi ở nhà gái nhưng vì phải cưới hai lần nên tổ chức ăn hỏi xong, nhà trai xin dâu luôn. Lúc đang rửa bát thì một người bạn chụp lại bức hình này, tôi thấy nó hay hay nên đăng lên group chia sẻ với các mẹ cho vui không ngờ lại được mọi người chú ý”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc tại sao cô dâu không thay bộ áo dài rồi ngồi rửa bát cho đỡ vướng. “Các thím, các dì cũng bận rộn cả ngày làm cơm, làm cỗ cho hai vợ chồng rồi, đến lúc rửa bát, còn hai mâm nữa thì tôi cũng xắn tay vào vào rửa cùng cho vui, cho tình cảm chứ cũng không đắn đo gì. Gia đình nhà chồng không ai bắt dâu mới đi rửa bát cả, mọi người dễ tính lắm, tự tôi muốn ngồi cùng mọi người cho vui thôi" – T. chia sẻ.

Vấn đề bếp núc bên nhà chồng luôn là về đề khiến các cô con dâu phải trăn trở. Nấu ăn như thế nào để hợp khẩu vị với các thành viên bên nhà chồng?Những người thân của chồng thích ăn gì, không thích ăn gì là điều các cô gái phải “đau đầu”. Với chị Nguyễn Thị H.  (Vũng Tàu) cũng vậy, khi được người yêu đặt ra vấn đề ở cùng bố mẹ chồng sau khi cưới chị H. đã khá lưỡng lự. Lo lắng vì sợ bị mẹ chồng soi mói về chuyện “nữ công gia chánh” chị đã tính đi học về kỹ năng làm dâu trước khi cưới. Thế nhưng, quá bận rộn với công việc,  mọi thứ đã cuốn chị đi. Và thật may mắn với chị khi ngày đầu tiên về nhà chồng chị đã được mẹ chồng tâm lý giúp đỡ, thông cảm với chị về phận làm dâu.

“Ngày nay không như ngày xưa đâu con. Mẹ hiểu và thông cảm cho những nàng dâu bây giờ vừa làm vợ, làm mẹ mà vừa phải đi làm. Khoảng cách giữa thế hệ mẹ và con có khác biệt về cách sống, nếp sinh hoạt nhưng chúng ta cần phải dung hòa” – Chị H. nhắc về lời dặn của mẹ chồng trong ngày đầu làm dâu.

Sự gần gũi giữa chị và mẹ chồng như: biết mẹ thích sách chị mua sách tặng mẹ, mẹ chồng lại làm những món ăn, thức uống chăm cho cô lúc mang nặng đẻ đau… khiến cho nhiều người phải thốt lên ghen tị.

Mỗi người vợ người mẹ đều có một câu chuyện của riêng mình về cuộc đời làm dâu. Còn với những cô dâu thời hiện đại bên cạnh việc chăm sóc gia đình họ còn bộn bề với công việc trên cơ quan cần sự cảm thông chia sẻ của những người thân yêu bên cạnh. Những câu chuyện trên chỉ là những mảnh rất nhỏ trong muôn vàn các câu chuyện về làm dâu thời hiện đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem