Những nét tương đồng đặc biệt ở hai vị Tổng Bí thư
Những nét tương đồng đặc biệt ở hai vị Tổng Bí thư Trường Chinh và Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Quốc Phong
Chủ nhật, ngày 28/07/2024 08:00 AM (GMT+7)
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, vào những thời điểm khó khăn nhất, Đảng ta luôn xuất hiện những nhà lãnh đạo kiệt xuất, đó là Tổng Bí thư Trường Chinh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở cả hai đều có những nét tương đồng đặc biệt.
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, vào những thời điểm khó khăn nhất, Đảng ta luôn xuất hiện những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Trong giai đoạn đầu của Tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, khi đó Tổng Bí thư Trường Chinh là người đứng mũi chịu sào.
Và sau này, khi đất nước phải tuyên chiến với "giặc nội xâm" tham nhũng, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu cuộc chiến chống giặc nội xâm.
Có bề dày ở vị trí "Tứ trụ"
Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) là nhà lãnh đạo từng có 16 năm làm Tổng Bí thư (1941-1956 và năm 1986), 16 năm làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (1960-1975) cùng 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (1976-1981) và cuối cùng là 5 năm làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981-1987) không kể giai đoạn ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau khi đã thôi tham gia Bộ Chính trị. Vì thế, ông là nhân vật rất cần được nhắc đến trong bài viết này bởi ông có đến 42 năm cả thảy đảm trách các cương vị thuộc dạng "Tứ trụ".
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024), ông cũng là một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm bởi khi có đến trên 20 năm đảm đương các vị trí "Tứ trụ" của nước nhà như gần 14 năm làm Tổng Bí thư (2011-2024), hơn 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (2006-2011), hơn 2 năm làm Chủ tịch Nước (2018-2021) chưa kể 6 năm ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Cả hai ông đều từng có 3 lần được Đảng tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư và đó cũng là điều cực kỳ đặc biệt trong Đảng.
Những nhà báo lớn của Cách mạng Việt Nam
Với Tổng Bí thư Trường Chinh, ngay sau khi ông được phân công làm Trưởng ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, ông cũng là phụ trách một số tờ báo của Đảng hoạt động trong bí mật. Đến khi ông đã là Tổng Bí thư của Đảng, ông vẫn trực tiếp làm Tổng Biên tập báo Cờ Giải phóng rồi báo Sự thật.
Nhà báo Hồng Chương (1921– 1989), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận xét: "Nếu Bác Hồ là người cha của báo chí cách mạng Việt Nam, thì đồng chí Trường Chinh là người anh cả trong làng báo cách mạng nước ta. Đồng chí Trường Chinh cũng là nhà báo có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới khi liên tục chủ trì, tổ chức hàng chục tờ báo để "dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ".
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông xuất thân từ một nhà báo thuộc cơ quan lý luận quan trọng của Đảng, rồi trở thành một nhà lý luận và tư tưởng sắc bén của Đảng.
Ông đã là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản rồi trở thành Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương sau khi rời trọng trách Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Cả cuộc đời của hai ông, cho dù đã ở cương vị lãnh đạo rất cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhưng các ông vẫn tích cực viết báo và thực sự đều là những nhà báo lớn, nhà tư tưởng lớn, sắc sảo của Đảng ta, của báo chí Cách mạng Việt Nam...
Có những ý tưởng xuất thần, đóng góp to lớn cho Đảng lúc Đảng gặp khó khăn
Với Tổng Bí thư Trường Chinh, có hai dấu đặc biệt nhất mà ông đã để lại cho Đảng, cho dân tộc là giai đoạn Tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và giai đoạn Đổi mới (1986).
Ở quãng thời gian trước Tổng khởi nghĩa, trong những lúc khó khăn nhất của cuộc Cách mạng nước nhà, những tư tưởng xuất thần của Tổng Bí thư Trường Chinh đã đem lại những thành công đặc biệt vang dội.
Đó là tư tưởng chỉ đạo và hành động rất đúng lúc, đúng thời điểm để phát động cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, giành Độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam ở châu Á.
Rồi vào lúc kinh tế xã hội của nước nhà đang bị khủng hoảng (1986) sau những bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, ông Trường Chinh đã có một quyết định rất táo bạo và sáng suốt khi nhận lại trọng trách Tổng Bí thư (do Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời), nhất là khi đã cận kề Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng.
Khi đó, ông Trường Chinh đã ở tuổi 79. Ông hiểu rõ hơn ai hết khi tuổi đã cao mà lại được Trung ương, được Bộ Chính trị tin tưởng giao phó.
Tôi còn nhớ, năm 1984 khi tôi là một thượng uý quân đội, tôi đã hân hạnh được gặp ông bởi tôi cũng là chỗ họ hàng gần gũi với ông. Sau khi trò chuyện thân mật, ông bất ngờ quay sang hỏi tôi về một bài báo chính luận mà ông viết có liên quan đến vấn đề Trung Quốc (thực ra báo Nhân Dân đã đăng cách đó đến cả năm). Ông hỏi trong quân đội, các thủ trưởng của cháu nhận xét thế nào về vấn đề ông nêu trong bài viết?
Tôi hơi bất ngờ vì không được chuẩn bị. Nhưng may là hồi bài báo đó ra, dư luận xã hội đã đánh giá rất cao nên tôi cũng dựa theo dư luận và bạo miệng... khen ông. Tôi cũng có nói, bài của ông viết sắc sảo và đúng với phong cách viết của ông, của một nhà tư tưởng lý luận lớn...
Ông hồn nhiên cười và nói: "Cũng là bình thường thôi cháu à, bởi ông là lão tướng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng. Cũng như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng của cháu, là lão tướng trên mặt trận quân sự ấy...".
Ông nói thêm: Giờ ông đã cao tuổi cho nên trước khi làm bất cứ một việc gì, viết thứ gì cũng luôn luôn cảnh giác với hai thứ bệnh - "bệnh gàn" và "bệnh lẫn". Ông luôn tự đặt câu hỏi: Mình viết thế, nói thế có gàn không, có lẫn không?
Không ngờ, hai năm sau đó, ở cương vị Tổng Bí thư, ông đã có quyết định rất táo bạo. Đó là phải xây dựng lại văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI theo tư tưởng Đổi mới dù thời gian rất gấp. Bởi theo ông, Đổi mới lúc này là cần thiết, là cấp bách và tư tưởng đó mang tính chất sống còn của cả một chế độ, một đất nước.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở thành vị "Tổng Bí thư của Đổi mới" như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá. Sau này, dưới sự lãnh đạo của các vị Tổng Bí thư kế nhiệm và cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nghiệp Đổi mới sau gần bốn chục năm, đã đem về cho nước nhà một diện mạo mới rất đáng tự hào.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay sau khi trúng cử và được bầu làm Tổng Bí thư không lâu, ông đã mạnh mẽ tuyên chiến với quốc nạn tham nhũng. Ông quyết tâm tẩy trừ nó ra khỏi hệ thống chính trị và đã thúc đẩy công cuộc đó một cách quyết liệt, quyết tâm và liên tục.
Khi ông tái cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, nhiều người chưa thật hiểu ông, đã nghĩ rằng ông ham muốn quyền lực mà chưa bàn giao cho lớp kế cận. Ba năm qua, hệ thống chính trị của chúng ta cực kỳ phức tạp đã cho thấy, thực sự ông chưa tìm được người kế cận đủ tin cậy gánh vác vận mệnh nước nhà mà Đảng trao.
Trong thực tế, ông đã làm việc hết mình, tận hiến cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển đất nước đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. 3 năm cuối đời với cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, khi tuổi đã 78 (gần tuổi như ông Trường Chinh), ông đã bước đầu ngăn chặn được tiêu cực trong hệ thống chính trị của chế độ ta. Đây là điều cực kỳ khó với một nhà lãnh đạo đã cận kể tuổi 80.
Những tấm gương sáng và mẫu mực về đạo đức, lối sống
Tổng Bí thư Trường Chinh lúc sinh thời sống rất mực giản dị và nguyên tắc. Khi bị ngã cầu thang rồi đột ngột ra đi, bộ phận văn phòng cùng gia đình kiểm phòng ông làm việc thì thấy ôn gcó 1 cuốn sổ tiết kiệm. Hóa ra đó là số tiền nhuận bút ít ỏi do ông viết sách có được. Ông đã chia nó ra làm nhiều phần. Phần mua quà gửi thăm mấy cơ sở cách mạng trước đây ông từng hoạt động bí mật. Phần chia cho cộng sự giúp việc và phần đưa cho phu nhân để thêm vào việc hàng ngày cần tiêu. Thế nên chỉ còn có khoảng 3 nghìn đồng. Tức là chỉ đủ mua được 12 gói mỳ tôm ngày đó.
Có lần, thấy áo đại cán của mình đã sờn cổ tay, ông cùng với đồng chí Quy, bảo vệ tiếp cận đi ra hiệu may Quốc tế ở phố Lê Thái Tổ. Ông muốn may một bộ mới. Nhưng ông cứ đứng tần ngần và vân vê tấm vải như đang cân nhắc gì đó. Thấy đồng chí bảo vệ bên cạnh, ông hỏi: Anh thấy thế nào, có đẹp không?
Một lúc sau, ông nói với đồng chí Quy: Để tháng tới lĩnh lương, ta sẽ quay lại mua mấy mét rồi may đo. Hoá ra ông chưa có tiền mà nói vậy.
Về nhà, đồng chí bảo vệ rỉ tai với ông Đỉnh - Trưởng phòng Quản trị của Văn phòng Trung ương Đảng ngày đó. Thế là Văn phòng mời ngay thợ đến nhà công vụ để may đo cho ông. Bữa đó, ông tỏ ra không vui. Ông cảm ơn, xin lỗi người thợ và mời ra về mà không may đồ.
Bữa sau đó, đồng chí bảo vệ ông cùng bộ phận hậu cần Văn phòng Trung ương bị ông nhắc nhở. Ông nhắc rằng, đây đâu phải việc của cơ quan phải lo bằng tiền ngân sách mà là chuyện cá nhân thì ông phải lo.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông cũng không hề khác chút nào. Có một câu chuyện tôi được nghe trực tiếp từ nữ nhà báo Thu Hồng, người 20 năm làm phóng viên chuyên trách của Đài PTTH Hà Nội luôn được cử đi theo ông Nguyễn Phú Trọng.
Chị kể lại: Năm 2012, chị được cử làm phóng viên tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Anh quốc công tác. Con trai chị là cháu Lê Hồng Anh ngồi ở nhà dõi theo chương trình thời sự trên truyền hình. Cậu thấy bác Nguyễn Phú Trọng mặc bộ vest mọi ngày trong buổi hội kiến với Thủ tướng Anh lúc đó là ngài David Cameron.
Ngay khi chị Thu Hồng về nước sau chuyến công tác, cháu Hồng Anh ngập ngừng rồi tâm sự với mẹ: "Hôm nọ con để ý thì thấy khi tiếp bác Trọng, Thủ tướng David Cameron mặc bộ đồ vest rất đẹp, mà bác Trọng lại mặc bộ vest giản dị quá! Bác đẹp thế, nếu mà mặc một bộ vest thời trang thì còn tuyệt nữa".
Chị Thu Hồng ậm ừ cho qua chuyện, nhưng trong đầu cũng nghĩ rằng: Thằng bé khá tinh ý, đúng là bác Trọng mặc bộ vest này có lẽ cả chục năm rồi.
Hôm sau, nhân lúc đang vui chuyện, chị Hồng kể lại câu chuyện của Hồng Anh với bác Trọng. Bác Trọng cười hiền hậu và đáp rằng: "Em hãy nói với cháu rằng, có như thế thì bác mới là bác Nguyễn Phú Trọng!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.