Để trả lời đầy đủ những thắc mắc của một số phụ huynh và dư luận về chi tiết Thánh Gióng có tắm ở Hồ Tây trong cuốn sách “Tiếng Việt 5 – Tập 2” và “Hướng dẫn học Tiếng Việt 5 – Tập 2A”, tòa soạn xin đăng tải các tư liệu về Thánh Gióng tại thần tích làng Phù Đổng (Gia Lâm, HN) và đền Sóc (Phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, HN) do PGS.TS Nguyễn Trí, nguyên Vụ phó Vụ Giáo viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.
PGS.TS Nguyễn Trí cho biết, thần tích tại đền Thánh Gióng tại xã Phù Đổng – nơi có Lễ hội Đền Gióng đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ghi chi tiết: …”Đánh xong trận ở Trâu Sơn và Hà Lỗ, Gióng cho ngựa phi đến bến Bồ Đề và dừng lại uống nước sông Hồng… Tiếp đó, Gióng lại phi ngựa vượt ngược lên Hồ Tây rồi buộc ngựa vào gốc đa bên bờ, nhảy xuống hồ tắm. Nơi này về sau được dân làng lập đền thờ cúng”…
Lễ hội đền Gióng ở làng Phù Đổng đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010 (Ảnh: Internet)
Ngôi đền được nhắc đến trong thần tích trên là đền Sóc, di tích lịch sử cấp Quốc gia, nay thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Tại ngôi đền này, PGS.TS Nguyễn Trí cũng đã thu thập được tư liệu nói rõ việc Thánh Gióng đã dừng chân và tắm ở Hồ Tây.
Trên tấm bia về lịch sử hình thành được đặt tại di tích đền Sóc có ghi rõ: “Giặc tan Gióng phi ngựa vượt sông Cái (sông Hồng) về phía Tây Hồ Tây buộc ngựa vào gốc cây trên đỉnh Gò Phượng Hoàng. Dân làng Cảo Động mang cơm cà dâng cho Gióng ăn. Ăn no Gióng xuống Hồ Tây tắm mát. Rồi phi ngựa thẳng về núi Vệ Linh, bỏ lại giáp trụ người ngựa bay về trời. Đó là ngày mồng chín tháng tư lịch trăng”.
Tấm bia Giới thiệu Di tích lịch sử đang đặt tại Đền Sóc (Xuân Tảo) cũng ghi rõ về chi tiết Thánh Gióng có tắm mát ở Hồ Tây.
“Như vậy, trong cả 2 thần tích trên đều có ghi Thánh Gióng đã tắm ở Hồ Tây. Cố nhà văn Nguyễn Đình Thi chắc chắn cũng đã nghiên cứu rất kỹ các tài liệu chép lại về Thánh Gióng còn lưu lại trong các thần tích và truyền thuyết trước khi viết cuốn “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” năm 1944. Cuốn sách có đoạn văn đã được trích dẫn trong sách Tiếng Việt lớp 5 – Tập 2 và Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 – Tập 2A”, PGS.TS Nguyễn Trí khẳng định.
Qua đây, ông Trí cũng đưa ra ý kiến của mình về những tranh cãi mấy ngày qua xung quanh chi tiết Thánh Gióng dừng chân tắm ở Hồ Tây. Theo ông, đây cũng là một lời nhắc nhở về tính dị bản của các tác phẩm dân gian nói chung và các truyền thuyết lịch sử nói riêng để khi sử dụng cần dẫn chứng rõ nguồn gốc tư liệu đã sưu tầm và các dị bản nếu có.
“Đây cũng là những nguồn cung cấp cho các thầy cô thêm nhiều tư liệu thú vị khi giảng giải cho học sinh về truyền thuyết Thánh Gióng nói riêng và các truyền thuyết lịch sử nói chung. Đồng thời cũng giải tỏa cho các vị phụ huynh, các vị quản lý giáo dục và xã hội trước một câu hỏi đặt ra có phần hơi vội vã và không cần thiết” – PGS.TS Nguyễn Trí nói.
Báo Người Đưa Tin cũng thông tin, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đăng tải trên trang cá nhân rằng, trước Nguyễn Đình Thi hơn trăm năm, mục Sóc Thiên vương thực lục trong thần tích xã Xuân Tảo, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm), có ghi: “Đứa bé nghiêm giọng nói: Ta là thiên tướng. Rồi cưỡi lên ngựa sắt, rong ruổi chạy như bay. Nháy mắt đã đi trăm dặm. Tắm ở bến nước Hồ Tây”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết thêm thông tin: “Riêng chuyện Thánh Gióng, sớm nhất được ghi lại trong sách An Nam chí lược thế kỷ 14, thì lại chép: “Miếu Xung Thiên ở làng Phù Đổng, trong nước loạn, bỗng thấy một người, có uy đức, dân đều quy thuận ông. Bèn lãnh đạo mọi người dẹp loạn ấy, xong thì bay lên trời bỏ đi, gọi là Xung Thiên vương. Dân bèn lập đền thờ ông””.
“Trong hai trường hợp này, chi tiết tắm ở Hồ Tây rõ ràng là chi tiết tưởng tượng, thường thấy ở những câu chuyện dân gian. Câu chuyện mọi người tiếp nhận là sản phẩm sau khi đã được Bộ giáo dục lựa chọn, biên tập, thay vì cung cấp những thông tin khác nhau để người học tự cảm nhận (với tác phẩm văn chương) và tự phê phán (đối với cứ liệu lịch sử)”, ông Đức khẳng định.
Như vậy, chi tiết “Thánh Gióng tắm ở hồ Tây” ít nhất đã được ghi chép trong một sử liệu là thần tích của xã Xuân Tảo, tỉnh Hà Đông (cũ).
(Tổng hợp theo Khám Phá, Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.