Chuyện tình tưởng như không... có thật

Chủ nhật, ngày 29/12/2013 07:36 AM (GMT+7)
Người chồng: mù cả hai mắt, tay trái cụt tới cùi chỏ, hai chân bị thương nên cũng yếu hẳn. Người vợ: là hoa khôi của làng. Đôi đũa lệch ấy tưởng chừng như không thể ở cùng nhau một ngày nào...
Bình luận 0
Thế nhưng, suốt 35 năm qua kể từ ngày người chồng tàn phế, họ vẫn luôn sống hạnh phúc…

Chiều về, trong căn nhà nhỏ ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có một người đàn ông ngồi trước thềm nhà hướng tai ra trước ngõ như đang cố nghe ngóng, chờ đợi một điều gì đó. Rồi ông quay sang nói với tôi “bà ấy sắp về đến nhà rồi”.

Đúng như lời ông nói hơn năm phút sau có một người phụ nữ dáng người tất tả trên chiếc xe đạp về đến đầu ngõ. Vợ ông vừa đi quét lá dương về đã vội vã vào nhà bật điện, nhóm lửa nấu cơm, căn nhà ấm lên khi có đôi bàn tay phụ nữ. Đã 35 năm qua, ông vẫn giữ thói quen ngồi trước thềm nhà chờ người vợ đi làm về.
Hơn 35 năm qua sau lưng ông Tý luôn có người vợ hiền Phan Thị Tư
Hơn 35 năm qua sau lưng ông Tý luôn có người vợ hiền Phan Thị Tư

“Thách thức” nghĩa vợ chồng…

Năm 1967, ông Phan Văn Tý tròn 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng ông hăng hái tham gia vào đội du kích thôn, ngày làm đồng, chuyển thư từ tài liệu mật. Tối lắng ra bãi biển rồi ngược về hướng núi nghe giảng dạy lý tưởng cách mạng. Có đêm, những thanh niên như ông “mò” vào hang ổ địch trộm vũ khí mang cho cách mạng.

Trong một lần ông bị bắt và truy vào tội chống “chính quyền quốc gia” và bị giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó ông bị đưa vào giam ở nhà lao Hòa Cầm (Đà Nẵng), được một thời gian ông và đồng đội bị đưa lên tàu. Sau gần 20 ngày bị giam trong phòng tối dưới khoang tàu bồng bềnh trên biển, ông được đưa lên một hòn đảo nhỏ, mà sau này ông mới biết là đang bị giam ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Trong tù anh em đấu tranh dữ dội, nhiều cán bộ đảng viên tìm cách trốn trại, ông cũng không ngoại lệ, nhưng điều bất thành, ở nhà tù Côn Đảo đòn roi tra tấn của kẻ thù khiến chàng trai Tý cường tráng ngày nào mình đầy vết thẹo. Đến năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh tại Tây Ninh. Về quê ông tiếp tục cầm súng trở lại chiến trường Bình Trị Thiên.

Ngày còn con gái chị Phan Thị Tư cũng là một cô gái xinh đẹp có tiếng trong làng. 20 tuổi chị lấy chồng, cả làng ai cũng chúc mừng cho cô hoa khôi khi lấy được anh chồng tốt. Chồng chị là anh lính Phan Văn Tý mới trở về từ chiến trường và đang là cán bộ ở bưu điện Bình Trị Thiên. Cuộc sống tưởng chừng tươi đẹp với hai vợ chồng trẻ khi trong cơ thể chị một mầm sống dần hình thành.

Nào ngờ, sau khi lấy vợ một thời gian ông được đơn vị chuyển công tác lên Khe Sanh, làm việc được hai tháng, trong một lần đào trụ ông đào trúng phải một quả bom sót lại sau chiến tranh.

Mặc dù đã được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện nhưng sức mạnh của trái bom đã khiến cánh tay trái và đôi mắt của ông không còn nguyên vẹn, khuôn mặt biến dạng, đôi chân suy yếu hẳn “lúc đó bác sĩ nói chồng tôi sẽ tàn phế mãi mãi”- bà Tư nhớ lại.

Không cam chịu để chồng mình tàn phế bà đưa ông vào Bệnh viện Huế chạy chữa. Gần một năm bà cùng ông chiến đầu với số phận nghiệt ngã. Khi chị trở dạ cũng là lúc bác sĩ thông báo sẽ cứu được đôi chân, ông có thể đi lại được. Như được tiếp thêm niềm tin và hy vọng khi một bé trai kháu khỉnh ra đời. Bà ôm con đến bên giường bệnh của chồng, ông Tý gắng gượng chồm dậy ôm đứa con. Trên khóe mắt mù lòa rỉ ra hai giọt nước mắt.

Từ một người bình thường, bỗng dưng biến thành một người tàn phế, cú sốc lớn như thế nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến cái chết. “Được sự chăm sóc tận tâm của vợ, tôi chỉ còn biết cố gắng chóng lành bệnh về nhà thôi”- ông Tý nói. Xuất viện về đến quê, cảm giác đớn đau lại một lần nữa xé lòng ông. Những người chúc phúc cho vợ chồng ông khi trước bây giờ lại khuyên vợ ông gửi đứa con vào cô nhi viện, viết đơn ly dị, rồi đi lấy chồng mới chứ ở với thằng què thì khổ cả đời, “lúc mất đôi mắt cánh tay không đau bằng miệng đời”- ông Tý chia sẻ.

Có lần, ông giả vờ ngủ nghe chính người hàng xóm qua nói với vợ mình có một người đàn ông ở xóm trên hỏi cưới bà và chấp nhận nuôi con riêng. Nghe đến đây, ông lại chảy nước mắt. Nhưng ông nghĩ: “Mình thế này chỉ làm khổ cô ấy. Thôi thì để cô ấy đi lấy chồng mới”. Những ngày sau đó, ông liên tục quậy phá và gán cho bà cái tội ngoại tình buộc bà viết đơn ly dị. Bà không nói gì ngày ngày vẫn đi làm, đến giờ vẫn dìu ông đi lại để đôi chân trở lại bình thường.

Quậy phá, chửi bới không được, ông đuổi bà ra khỏi nhà. Bà chồm ôm ông, nói trong nước mắt: “Em là vợ anh, anh đuổi em cũng không đi. Đừng nghi ngờ em, người ta có đem kiệu đến rước cũng không chia lìa được vợ chồng mình”. Ông cũng không kìm nén được lòng mình, ông ôm lấy người vợ hiền, lấy cánh tay tật nguyền lau nước mắt cho vợ ông thủ thỉ: “Anh cũng chỉ cần có em và con là đủ rồi, anh không cần gì thêm cả”. Sau lần ấy, cả làng không còn nghe ông la hét đuổi vợ nữa.

Cuộc sống dần dần qua đi, hai đứa con nữa ra đời càng minh chứng cho cả làng Mỹ Thủy thấy tình cảm thủy chung son sắt của bà Tư. Có thêm tiếng cười trong nhà, gánh nặng lại đè thêm lên đôi vai bà. Ngày ngày, người ta lại thấy bóng dáng bà tất tả trên con đường quê. Người ta nói dáng bà vội vã nên khổ cả đời bà cười nói với người ta “khổ vì ai thì than trách chứ khổ vì chồng con thì có gì phải ngại”.

Phía biển là bình minh

Mùa giông bão đã lùi lại phía sau, giờ hai vợ chồng đã chuẩn bị bước sang tuổi 70. Lời thề sắt son suốt đời có nhau của ông và bà giờ đã được kiểm chứng. Anh Tý ngày chị yêu khác rất nhiều so với bây giờ nhưng tình cảm của chị vẫn chỉ dành cho một người, đó là anh Tý chị đã lấy làm chồng.

Hơn 35 năm duyên nợ túng quẫn vẫn còn bám lấy cái tổ ấm nhỏ bé. Thế nhưng, nơi đó luôn đầy ắp tiếng cười. Ba đứa con rồi cũng khôn lớn, cả ba đều lập gia đình ở xa. Hai vợ chồng lại cùng bao bọc che chở nhau. Căn nhà nhỏ ở làng Mỹ Thủy này không thể vắng bóng họ một ngày.

Chập choạng tối, ông Tý nhờ tôi đỡ ông đi ra bờ biển cách nhà chừng 100m. Ông hỏi tôi có biết gì về biển không? Rồi ông bảo ngày đó khi mới từ bệnh viện trở về làng vợ ông ngày nào cũng dìu ông ra biển. “Sáng nào bà cũng thức dậy sớm để đưa tôi ra biển. Anh có biết vợ tôi thường nói gì với tôi không?”. Rồi ông tiếp tục “lúc nào cũng thế bà ấy luôn nói với tôi phía biển là bình minh dù vui buồn nhưng ngày nào mặt trời cũng mọc".

Tôi và ông, hai người đàn ông ngồi hướng mắt về phía biển, cùng nói chuyện về những người vợ, người mẹ. Hai thế hệ cách xa nhau nhưng cùng đồng điệu với nhau về một phương diện đó là: tình yêu luôn chứa đựng trong nó điều kỳ diệu. Sóng vẫn vỗ vào bờ cát trắng, ông thanh thản nhìn biển bằng đôi tai.

Ông nói với tôi về nghĩa vợ chồng đã gắn bó 35 năm qua: Chiến tranh, chia ly vợ ông vẫn chờ ông dù không biết sống chết thế nào, rồi tai nạn ông không còn lành lặn, không tự lo cho mình được, người ta bàn tán đủ kiểu. Thế mà vợ ông vẫn ở bên ông, ngày ngày động viên chia sẻ cùng ông những vui buồn. Bao nhiêu đau khổ trên đời này hai vợ chồng ông đều đã nếm trải, nhưng chưa điều gì làm cho trái tim sờn đi một lần.

Đang trò chuyện bà Tư ra gọi ông vào ăn cơm. Ông hỏi bà sao nhanh thế? Bà cười nói với ông: “Hôm nay có khách ăn cơm sớm một tí chứ ăn muộn người ta lại quở vợ chồng mình luộm thuộm chừ”, rồi bà bảo tôi để bà dìu, ông dễ đi hơn. Đôi vai gầy của bà là điểm tựa vững chắc của ông suốt mấy chục năm qua dù mưa nắng, bão giông.

Bữa cơm miền biển chẳng có gì ngoài một ít cá kho và tô canh rau. Bà dỡ nồi cơm bốc khói nóng hổi, trong đó có một quả trứng luộc đã bóc vỏ bà nhường cho ông, “Ông ấy thích trứng luộc, bữa cơm nào tôi cũng luộc một quả”- bà nói. Đang ăn cơm ông dùng đũa xẻ đôi quả trứng ra để hai vợ chồng cùng ăn. Bà bảo: “Ông ăn đi, cái trứng nhỏ tí mà chia”, ông bảo: “Có bà ăn cùng, tôi mới thấy ngon”.

Nửa đêm, đang ngủ bà lại thức dậy nấu nước nóng đổ vào khăn chườm khắp người ông. Chờ ông ngủ bà trò chuyện cùng với tôi: “Ba mấy năm rồi những vết thương vẫn hành hạ ông ấy hoài. Hôm nay trời lại có gió mạnh nên đau nhức hơn, tôi phải chườm khăn ấm để ông dễ ngủ”.

Tôi hỏi bà một câu khá vô duyên “Tại sao ngày đó bà không nghe lời người ta đi lấy chồng mới?”, bà cười: “Vì tôi thương ổng. Tình nghĩa vợ chồng mà”. Nói rồi bà lại ngồi bên cạnh ông. Không biết từ ngày về làm vợ ông đã bao đêm bà phải thức như thế này… “Nếu có kiếp sau, tôi sẽ vẫn lấy bà ấy làm vợ. Tôi muốn chăm sóc bà ấy vì kiếp này tôi không làm được” - ông Phan Văn Tý chia sẻ.
Trần Mai Nguyên (Dòng Đời) (Trần Mai Nguyên (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem