Chuyện về chiếc tủ gỗ sưa trăm triệu ở bản Lưu Phong

Nguyễn Hùng Thứ ba, ngày 27/01/2015 08:10 AM (GMT+7)
Bản Lưu Phong ở nơi xa nhất xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nếu chẳng có sự kiện gì lớn có lẽ dân bản sẽ chẳng mấy khi vượt khỏi con dốc đầu bản. 
Bình luận 0

Mấy năm trước, khi làn sóng “nhà nhà trồng cây sưa, người người buôn gỗ sưa” rầm rộ ở khắp các địa bàn trong tỉnh, trong huyện thì bà con bản Lưu Phong vẫn đủng đỉnh làm ăn như không có chuyện gì. Vậy mà mấy tháng gần đây, chỗ nào cũng thấy người ta bàn to tán nhỏ về loại gỗ “bạc triệu”. Cơn sốt ấy bùng lên từ câu chuyện về một “gã say” đút túi tiền trăm triệu chỉ trong một hai ngày...

Hôm ấy, ông Vừ Chông Canh vui mừng ra mặt, đi khoe khắp cả bản vì bán được chiếc tủ cũ với cái giá cao ngất ngưởng 20 triệu đồng cho một “ông bạn đồng niên say rượu”. Cả bản bán tín bán nghi, nhiều người còn bảo rằng: “Lão Canh ngứa nghề nên bịa chuyện...”. Đương khi người ta xầm xì thì ngay ngày hôm sau lại thấy hai bố con ông Canh suýt nữa vác dao xử nhau vì “ông bạn đồng niên say rượu” đó đã bán trao tay ngay chiếc tủ cho một người khách lạ với giá cả trăm triệu đồng! Tiếc quá, tiếc đứt từng đoạn ruột ra. Lý do giản dị thôi- chiếc tủ có nhiều chi tiết được làm bằng gỗ sưa.

Ông Canh mắng con là không chịu tham khảo giá mọi người, còn anh con thì “vặc” lại ông bố vì xem ti vi suốt ngày thế nào mà để “sổng” mất thông tin về gỗ sưa. Còn nhớ hôm đến mua tủ, miệng người bạn đồng niên của ông Hoan sặc mùi rượu, rồi khi ngắm chiếc tủ, xem chất gỗ thì liến thoắng nào là chiếc tủ này hợp với “căn số” của ông ta, nào là ông ta không thích tủ đóng theo kiểu hiện đại, chỉ thích kiểu cũ... và trả đến 20 triệu đồng. Tưởng ông ta say rượu trả bừa, bố con ông Canh mừng húm nên đồng ý bán, ai ngờ đó là “mẹo” của người khách đồng niên láu cá.

Thế mới biết, đi liền với đồng tiền, lợi ích kinh tế, nhiều khi người ta nghĩ được ra những “cú lừa ngoạn mục” như vậy. Bản Lưu Phong sau vụ nhà ông Canh thì xôn xao cả lên. Người ta đua nhau kiểm tra đồ đạc bằng gỗ trong nhà để tìm gỗ sưa. Nhà nào có cây sưa đã đến kỳ lấy gỗ thì ken rào, xây tường bảo vệ để chờ được giá. Nhìn cái cảnh người ta nhốn nháo, xôn xao săn lùng gỗ sưa, ông lão Canh tiếc của đến ngẩn ngơ. Được tin ông Canh ốm, tôi đến thăm thấy nhà cửa vắng tanh, mình ông lão nằm co quắp trên tấm phản cũ. Con trai ông cũng vì tiếc của, quyết không chịu thiệt nên đã vác dao theo đám thanh niên trong bản vào núi tìm gỗ sưa rồi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem