Chuyện về làng có ngôi "mộ tóc, móng chân, móng tay" của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

Mộc Kiều Thứ hai, ngày 25/10/2021 18:58 PM (GMT+7)
Hiện nay ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) vẫn còn ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của Nguyễn Trãi nằm trên đống Bảng (1 trong 99 đống thiêng ở Nhị Khê).
Bình luận 0

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu Ức Trai có 10 năm thiếu niên sống tại làng Nhị Khê tên nôm là làng Dũi, (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội).

Đó là thời gian Nguyễn Trãi ôn luyện đèn sách và thi đỗ Thái học sinh năm 1400, sau đó, Nguyễn Trãi làm quan một thời gian cho nhà Hồ và giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng, trước khi tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn.

Đến nay, di tích gắn liền với cuộc đời Nguyễn Trãi tại Nhị Khê không chỉ có một mà là cả một quần thể và những huyền tích bên lề xoay quanh 99 đống thiêng của làng.

Làng địa linh nhân kiệt

Nhị Khê là một làng cổ nằm ven sông Tô Lịch và gần sông Nhuệ, cách kinh thành Thăng Long không xa, từ xưa đã nổi tiếng là đất trồng Ổi nên có tên là Trại Ổi hay Ngọc Ổi.

Sử sách không ghi chi tiết làng hình thành khi nào, chỉ biết rằng, vào thời Lý, nhà vua thường xuôi thuyền rồng theo dòng Tô Lịch để ngắm cảnh. Tới Trại Ổi, thấy phong cảnh đẹp lạ khác thường, hai bên bở nở đầy hoa nên đặt tên là Nhụy Khê tức suối hoa. Về sau, có thể do người đời đọc lệch đi mà trở thành Nhị Khê.

Chuyện ở làng có ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 1.

Đền thờ Nguyễn Trãi ở giữa làng Nhị Khê được xây dựng trên mảnh đất của dòng họ. Ảnh: Mộc Kiều.

Đến thời Trần mạt, nho sĩ Nguyễn Phi Khanh quê gốc ở Hải Dương (cha Nguyễn Trãi) vì yêu mến mảnh đất Nhị Khê đã dời đến đây sinh sống lấy luôn hiệu là Nhị Khê, dân làng thường gọi là "Nhị Khê tiên sinh".

Nhị Khê xưa gồm Nhị Khê thượng, trung, hạ, nay tách thành các thôn Thượng Đình, Trung Thôn và Nhị Khê, thêm thôn Văn Xá và phố Quán Gánh trở thành xã Nhị Khê như hiện nay.

Là một làng cổ, có truyền thống hiếu học nên ở Nhị Khê tất cả các dòng họ đều có nhà thờ họ được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Đơn cử như nhà thờ họ Lều (gốc họ Mạc), nhà thờ họ Lương, nhà thờ họ Nguyễn Hữu, nhà thờ họ Dương, nhà thờ tổ nghề tiện...

Trong đó, đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng ngay sau khi vua Lê Thánh Tông ban chiếu giải oan năm 1464 cho Nguyễn Trãi, trên mảnh đất của dòng họ, tuy không phải là công trình đồ sộ nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng, tôn kính của nhân dân nói chung và con cháu dòng họ Nguyễn nói riêng với người anh hùng dân tộc, khai quốc công thần nhà Lê sơ.

Chuyện ở làng có ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 2.

Tượng đài Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín, THà Nội). Ảnh: Mộc Kiều.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thông, hậu duệ đời thứ 18 của Nguyễn Trãi hiện là người trông coi đền thờ cho biết: Năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi và ban 7 chữ "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" nghĩa là lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê và ban tước Tán Trù bá, cấp cho 100 mẫu ruộng vào việc thờ cúng và sai Trần Kiệm sưu tầm lại thơ văn trong dân gian.

Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng từ đó trên mảnh đất của dòng họ ở giữa làng, đến năm 1980 kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi và UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới thì đền thờ được trùng tu lớn và có diện mạo như ngày nay. Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1964.

Đền được xây theo hình chữ Đinh, có 3 cổng vào, cổng giữa đề 3 chữ "Nguyễn Quận Từ", có lẽ đời sau phong tặng Nguyễn Trãi tước Quận công nên đền đề 3 chữ này.

Trong đền có nhà đại bái, trung đường và hậu cung, trong hậu cung có thờ bức tượng Nguyễn Trãi mạ vàng chính giữa và chân dung Nguyễn Trãi ở bên phải vẽ trên lụa, bên trái thờ hai cỗ ngai.Trước đền thờ là một hồ bán nguyệt và hòn non bộ, bên cạnh là tượng đài Nguyễn Trãi một tay cầm bút, tay cầm sách hiên ngang cao chừng 5 mét do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thiết kế.

Chuyện ở làng có ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 3.

Cổng làng Nhị Khê (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). Ảnh: Mộc Kiều.

Đáng chú ý, đền còn nhiều hoành phi, câu đối bằng chữ Hán ca ngợi Nguyễn Trãi như "Khai Quốc Nguyên Huân", "Bình Ngô Khai Quốc", "Ái Cập Miêu Duệ", "Nho Thần Thạc Vọng", "Quang Khuê Tảo".... đặc biệt là hoành phi "Bình Dị Cận Dân" được đoàn công tác của Đảng Cộng sản Nhật Bản đánh giá "ý tưởng của chủ nghĩa xã hội đã có trong tư tưởng Nguyễn Trãi" khi dâng hương ở đền đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Không chỉ là một nhà chính trị - quân sự tài giỏi, Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa, một nhà văn lớn với các tác phẩm như: Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí....

Câu chuyện về 99 đống thiêng

Ở Nhị Khê, từ xa xưa đã lưu truyền về câu chuyện 99 đống đất hay gò trong làng, nổi tiếng là đất địa linh nhân kiệt. Đó là các đống có tên Đầu Voi, đống Con Cá, đống Con Cua, đống Ong Ngai, đống Kim Quy, đống Phát Tích, đống Ấn, đống Thần Đồng, Ngọc Xích truyền thư, đống Bảng.... tên các đống được đặt theo hình dạng của đống, ví dụ: Đống Đầu Voi có hình đầu con voi, có vòi, cặp ngà và tai to, đống Bảng thì vuông vức như cái bảng viết....

Theo câu chuyện truyền miệng dân gian mà ông Nguyễn Thông kể, nếu như làng nào có đủ một trăm đống thì đất đó sẽ sản sinh ra vua, còn nếu chỉ có 99 thì sẽ sản sinh ra người làm quan đến tứ trụ triều đình.

Chuyện ở làng có ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 4.

Ông Thông (hậu duệ đời thứ 18 Nguyễn Trãi) đứng trước ngôi mộ móng chân, tay, tóc của Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê. Ảnh: Mộc Kiều.

Ông Thông còn cho biết thêm, tương truyền làng Đường Lâm, xã Mông Phụ, thị xã Sơn Tây có 101 đống thiêng thì có tới 2 vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Ngoài Nguyễn Trãi, đất Nhị Khê qua các thời kỳ lịch sử đều sản sinh ra những nhân vật có tài, giàu lòng yêu nước như Nguyễn Trung Lượng đỗ tiến sĩ năm 1676, hai cha con nhân sĩ Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến có tinh thần yêu nước, kháng Pháp, Lương Văn Can phát động phong trào Đông Kinh nghĩa thục năm 1907 còn Lương Ngọc Quyến tham gia Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 hay Lều Thọ Nam, một trong những người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội....Hiện nay, nhà thờ Lương Văn Can và Trường Lương Văn Can đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Chuyện ở làng có ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 5.

Trường Lương Văn Can đượ xây dựng năm 1924 ở giữa làng Nhị Khê. Ảnh: Mộc Kiều.

Vụ án oan Lệ Chi viên năm 1442 đã khiến Nguyễn Trãi bị xử tru di tam tộc, hài cốt không rõ nơi nào. (Năm Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông minh oan và cho con trai duy nhất còn sống sót là Nguyễn Anh Vũ làm tri huyện, cấp 100 mẫu ruộng gọi là ruộng miễn hoàn cho con cháu Nguyễn Trãi). Tuy vậy, hiện nay ở Nhị Khê vẫn còn ngôi mộ tóc, móng chân, móng tay của Nguyễn Trãi nằm trên đống Bảng (1 trong 99 đống thiêng ở Nhị Khê).

Sở dĩ có ngôi mộ đó, ông Thông cho biết rằng, người xưa có tục cắt móng tay, chân, tóc cất vào một cái túi đến lúc mất đi thì chôn theo. Sau khi Nguyễn Trãi bị xử án, dân làng Nhị Khê đã kịp giữ lại túi đó và mang đi chôn cất, coi đây như ngôi mộ của Nguyễn Trãi và chăm nom cẩn thận.

Ngoài các di tích trên, còn ao Huê trại Ổi vốn là nơi cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh mở lớp dạy học, đây cũng là khu vực nền nhà cũ của Nguyễn Trãi.

Chuyện về làng có ngôi "mộ tóc, móng chân, móng tay" của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - Ảnh 6.

Sân vận động làng Nhị Khê, nơi tổ chức nhiều giải bóng đá của huyện Thường Tín. Ảnh: Mộc Kiều.

Đình Nhị Khê là ngôi đình độc đáo, xây dựng dưới thời vua Lê Gia Tông, triều Lê trung hưng cách đây trên 400 năm. Khi khánh thành đình có vua đến dự, từ đó mà có điển tích Quán Rồng, Quán Phượng, Miếu Trúc.

Đình làng không có thành hoàng làng cụ thể mà thờ Trời Đất, nguyên do là người hưng công xây dựng đình Thánh Mẫu Ngọc Hân là con cháu 5 đời của Nguyễn Trãi nên nếu tôn làm thành hoàng làng sẽ ở vị thế cao hơn tổ tông. Đây một trong những ngôi đình độc đáo nhất Bắc Bộ.

Nhị Khê còn là một làng trù phú với nghề tiện gỗ lâu đời, đến tham quan Nhị Khê không chỉ được nghe kể chuyện về các danh nhân, truyền thống hiếu học mà còn được ngắm nhìn cảnh ra vào tấp nập làm nghề, những người thợ tài hoa và lối sống "Dân Tiên Giác" văn minh (dân tự giác) như 3 chữ được đề ở cổng thờ tổ nghề tiện, cũng như lòng hiếu khách "Như Kiến Đại Tân" đề ở cổng làng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem