Một ngày ở gia đình may cờ Tổ quốc trong giãn cách xã hội
Một ngày ở gia đình may cờ Tổ quốc trong giãn cách xã hội
Anh Thắng
Thứ năm, ngày 02/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày giãn cách xã hội, các hộ gia đình sản xuất cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) cửa đóng then cài, duy chỉ có gia đình anh Nguyễn Văn Phục vẫn duy trì đang sản xuất.
Khác xa không khí những ngày Lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm, thời điểm này ở làng Từ Vân, xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) thưa vắng người, không còn những chuyến hàng vận chuyển cờ Tổ quốc, cờ khánh tiết để chuyển đi nội thành và gần như tất cả những địa phương khác trong cả nước để trang trí đường phố chào mừng đại lễ.
Sản xuất cầm chừng bảo trì máy móc
Sáng sớm, ngôi nhà 3 gian nằm sâu trong con ngõ nhỏ của anh Nguyễn Văn Phục, ồn ã tiếng máy móc, động cơ điện, anh Phục vừa mở cầu giao khởi động máy cắt vải laze, một chiếc máy khâu cũng bắt đầu chạy ì ạch.
Để tiết kiệm điện, anh Phục rút nguồn của chiếc máy khâu giữa mười cái khác trong xưởng, đây là chiếc máy khâu duy nhất còn hoạt động từ khi giãn cách đến nay do vợ anh sử dụng, những lao động khác đều đã phải nghỉ hơn hai tháng nay.
Nghe tiếng động, bà Đặng Thị Đàm - mẹ anh Phục tỉnh dậy, bà nhón chân đi men theo lối nhỏ, ở hai bên xếp chồng hàng nghìn chiếc lá cờ Tổ quốc, cờ khánh tiết nằm im chờ ngày xuất bán.
Bà Đàm hỏi lớn: "Con ơi, có cách nào vận chuyển hàng cho mọi người không?", lúc này tiếng máy laze đang cắt số lượng lớn ngôi sao năm cánh trên nền vải vàng bắt đầu được một mẻ hơn 100 cái, 5 phút sau hoàn thiện, anh Phục thay vải đỏ để cắt theo nhiều loại kích thước 60x90; 70x105...
Những ngày giãn cách xã hội, các hộ gia đình thêu cờ, sản xuất cờ ở làng Từ Vân cửa đóng then cài, duy chỉ có gia đình anh Nguyễn Văn Phục vẫn duy trì đang sản xuất.
Gia đình 4 thế hệ thay phiên nhau các khâu quan trọng, bà Đàm kiểm kê kho là nhà mình ngay sát cạnh cậu con trai, gấp phẳng phiu từng lá cờ để đóng gói, còn vợ anh Phục phụ giúp may tơm tất phần sao vàng vào tấm vải phi bóng đỏ.
Anh Phục cho biết, mọi năm, những ngày này gia đình anh và hơn 10 thợ công nhân phải làm thêm giờ nhiều ngày trời mới đảm bảo số lượng cờ theo đơn cho khách các tỉnh thành trong cả nước đặt trước ngày Lễ Quốc khánh 2/9 nhưng nay đơn hàng giảm đi 2/3 số lượng so với mọi năm.
"Năm nay ít đơn hàng gọi điện đặt trước nên gia đình tôi chỉ sản xuất cầm chừng bảo trì máy móc", người đàn ông 46 tuổi bùi ngùi chia sẻ.
Hí hửng khi có đơn hàng
Đầu giờ chiều, cô con gái lớn Nguyễn Thị Thảo 20 tuổi phụ giúp mẹ phơi từng chiếc băng rôn vừa in chữ. Thiếu nữ làng Từ Vân cẩn thận căn khoảng cách từng chiếc bởi chỉ cần một cơn gió là mực lem, bỏ cả lô hàng.
Cậu con trai Nguyễn Phương Nam 17 tuổi cũng nhanh nhẹn hỗ trợ bố các công đoạn cần sức lực, cậu bê từng bó hàng lớn sang cho bà nội mà không nề hà nặng nhọc. "Những ngày Hà Nội giãn cách, tôi mới có thời gian tìm hiểu rõ hơn về công việc của ông bà, cha mẹ", Nguyễn Thị Thảo cười nói.
Tiếng chuông điện thoại kêu, anh Phục tìm chiếc điện thoại lẫn trong hàng trăm tấm vải phi bóng đỏ vừa mới cắt để nghe, anh được khách hàng ở tỉnh Sơn La đặt mua 200 lá cờ Tổ quốc, vừa tắt điện thoại, anh Phục hí hửng khoe cả nhà.
Những ngày giãn cách, không có phương tiện vận chuyển, các đơn đặt hàng cũng giảm đi 1/3 số lượng so với mọi khi, Sơn La còn một ít huyện chưa có dịch Covid-19 nên vẫn tổ chức trang trí phố phường, còn một ít đơn của những cửa hàng đem bán cho người dân treo trước cửa ngày Lễ Quốc khánh 2/9. Tìm đủ mọi cách mới có một người bạn "xe luồng xanh" chở hàng ra bưu điện để gửi số hàng trên.
Khi nghe thông tin về diễn biến dịch bệnh Covid-19 chiếu trên tivi, anh Phục bèn đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc thi thêu dòng chữ "Quyết thắng" trên vải ruy băng, cả gia đình bốn thế hệ hồ hởi, tập trung thêu, không ai chịu nhường ai.
"Làm nghề nào cũng có lúc thăm trầm, nhưng suy nghĩ lại, quá trình sản xuất cờ của gia đình tôi không chỉ nằm ở con số doanh thu mà hơn hết là những giá trị tốt đẹp mà cả gia đình vẫn đang gìn giữ cho đến ngày hôm nay", anh Phục kết lại câu chuyện trong một ngày với chúng tôi.
Đặt tên cho con với hy vọng phục dựng lại nghề truyền thống của làng
Làng Từ Vân vốn nổi tiếng với nghề thêu truyền thống có giá trị lịch sử từ thế kỷ XVI. Lá cờ Tổ quốc được người Từ Vân tự hào thêu dệt trong những ngày đặc biệt quan trọng của đất nước, nhiều người trong làng, đặc biệt là các cụ cao niên trong làng vẫn còn lưu giữ hình ảnh "rừng cờ Tổ quốc trong ngày 2/9/1945" như một cách hồi tưởng lại truyền thống của địa phương.
Trải qua bốn thế hệ gồm cụ, ông nội, bố chuyên nghề may cờ, đã hơn 70 năm qua, gia đình anh Nguyễn Văn Phục (làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) nối tiếp nhau giữ nghề may cờ Tổ quốc.
Hàng nghìn lá cờ mà gia đình anh làm ra đã rực đỏ phố phường Thủ đô khi cách mạng Tháng Tám thành công, lộng lẫy trong nắng vàng Ba Đình ngày Độc lập của dân tộc (2/9/1945) và vẫn đang ngày ngày tung bay ở các sự kiện, công sở, các ngày lễ lớn của đất nước...
Chính anh Nguyễn Văn Phục là người được "chọn mặt gửi vàng" may lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, treo trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Những lá cờ thiêng liêng, nặng nghĩa tình luôn là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc anh và gia đình tiếp tục truyền thống hơn 70 năm làm công việc "dệt hồn" cho cờ Tổ quốc".
Trước khi may cờ Tổ quốc, gia đình anh Phục xuất thân từ nghề thêu cờ truyền thống của làng, dù bà Đàm ủng hộ con trai sản xuất cờ bằng máy móc, song bà luôn răn dạy: "Để có thể may hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc trước tiên cần phải biết thêu tỉ mỉ từng sợi chỉ vàng trên khung vải đỏ, đây nền tảng để có nghề may phát triển và tồn tại giống như cây có gốc".
"Cách đây 30 năm, khi con trai tôi còn nhỏ, tôi luôn bảo ban nó phải học theo nghề truyền thống của gia đình, tổ tiên, thấy Phục học nhanh, vợ chồng tôi quyết định hướng con trai sản xuất cờ theo hướng quy mô để giữ gìn nghề truyền thống", người phụ nữ 62 tuổi kể về quyết định đặt tên cho con với hy vọng phục dựng lại nghề truyền thống của làng khi ngày càng nhiều người lựa chọn việc buôn bán ở các chợ đầu mối phía Tây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.